Những giải Nobel Hòa bình kỳ lạ nhất

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/10/2012 | 8:18:12 AM

Người Mỹ đoạt giải Nobel rất nhiều nhưng cũng gây tranh cãi không ít khi chính khách nước này được trao giải Nobel Hòa bình

Tổng thống Theodore Roosevelt.
Tổng thống Theodore Roosevelt.

Các giải Nobel Hòa bình thường gây tranh cãi bởi 2 lý do. Thứ nhất, bản chất giải thưởng là chính trị. Thứ hai, bản thân chính khách hay nguyên thủ quốc gia ở bất cứ ở nước nào cũng có bạn và thù.

Theo nguyện vọng của nhà công nghiệp và phát minh Thụy Điển Alfred Nobel, người sáng lập giải Nobel, giải Nobel Hòa bình tưởng thưởng cho người đấu tranh “cho tình hữu nghị giữa các nước, xóa bỏ hoặc giảm bớt lực lượng quân đội hiện có, truyền bá và tổ chức đại hội hòa bình”. Người được trao giải có thể là một tổ chức hoặc cá nhân bao gồm cả chính khách và nguyên thủ quốc gia.

Đặc biệt trong lịch sử 111 năm giải Nobel Hòa bình có những trường hợp sau đây được cho là gây tranh cãi ồn ào nhất không những trong dư luận quốc tế mà ngay trong nội bộ Ủy ban Nobel Na Uy (NNC), tổ chức bầu chọn người thụ hưởng giải.

Từ Theodore Roosevelt …

Tổng thống Theodore Roosevelt là người Mỹ đầu tiên được trao giải Nobel Hòa bình năm 1906. Trong buổi lễ trao giải tổ chức tại trụ sở quốc hội Na Uy ngày 10-12-1906, ông Gunnar Knudsen, Chủ tịch Quốc hội Na Uy, tôn vinh “vai trò (trung gian) của ông Roosevelt trong việc chấm dứt cuộc chiến đẫm máu giữa 2 cường quốc lớn nhất thế giới là Nhật Bản và Nga”. Thế nhưng ông bị chỉ trích nhiều không chỉ ở ngoài nước.

Tuần báo Mỹ  Newsweek (năm 2009) mô tả ông Roosevelt là một “người không ưa hòa bình”. Ông tổng thống này cũng là tác giả của thuyết “cây gậy lớn” chủ trương hòa đàm trong thế sẵn sàng gây chiến.  Ngay trong buổi lễ nhận giải, ông Roosevelt - lúc đó đã rời khỏi Nhà Trắng - đã gây chú ý khi chỉ trích đề án thành lập Hiệp hội Các nước (tiền thân của Liên Hiệp Quốc) của người kế vị là Tổng thống Woodrow Wilson.

Một chính khách nổi tiếng là “một trong những công dân Mỹ hiếu chiến nhất” (báo The New York Times) tại sao lại được NNC chọn? Theo nhà sử học Na Uy Halvdan Koht, câu trả lời đúng nhất là chủ tịch NNC nghĩ rằng “Na Uy cần một người láng giềng lớn và thân thiết, mặc dù xa xôi cách trở” bởi lúc đó Na Uy vừa giành được độc lập.

Nếu trường hợp của ông Roosevelt bị phản đối 1 thì trường hợp của cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger (Nobel Hòa bình 1973 chung với ông Lê Đức Thọ của Việt Nam) bị phản đối đến 10. Theo NNC, ông Kissinger được trao giải vì có công đàm phán dẫn đến “chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam”.

Vào thời điểm được giải, Kissinger trở thành ngoại trưởng Mỹ  bị chỉ trích kịch liệt về “chiến dịch chim kền kền” bí mật ám sát và chống du kích ở Nam Mỹ,  ném bom ở Campuchia giết chết 40.000 binh lính và thường dân nước này, ủng hộ các chế độ độc tài phản dân chủ và vi phạm nhân quyền. Trong khi Kissinger đến Na Uy nhận giải thì ông Lê Đức Thọ từ chối bởi “Việt Nam vẫn chưa thật sự có hòa bình”. Kissinger còn bị lên án “kể từ ngày nhận được giải chẳng làm nên trò trống gì”.

Nhật báo Ý La Stampa lúc đó bình luận “(giải thưởng) khuyến khích những kẻ muốn tuyên bố chiến tranh để dễ bề chấm dứt nó”. Còn nhà châm biếm chính trị Mỹ Tom Lehrer nhận xét: “Châm biếm chính trị đã lỗi thời kể từ ngày Henry Kissinger được trao giải Nobel Hòa bình”.

Tất cả các giải Nobel Hòa bình được quyết định tại phòng họp NNC này.
… đến Barack Obama

Quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2009 cho Tổng thống Barack Obama cũng gây sửng sốt bởi ông này mới nhậm chức được 9 tháng. Tờ Newsweek lập tức gọi đó là “giải Nobel Hòa bình ảo đầu tiên”. Tờ báo viết “Chúng ta đang ở trong một thế giới đặc biệt bởi những ý định tốt đẹp đã được tưởng thưởng trước khi nó  biến thành những hành động tốt đẹp hoặc có thực”.

Trong bối cảnh chiến tranh do Mỹ gây ra ở Iraq và Afghanistan diễn ra khốc liệt và cuộc xung đột ở Trung Đông chưa có giải pháp hòa giải, việc ông Obama được trao giải thưởng khiến nhiều người được giải trước đó hoàn toàn bất ngờ và thất vọng. Bà Mairead Corrigan Maguire, giải Nobel Hòa bình 1976, bức xúc: “NNC nói tưởng thưởng cho những nỗ lực tăng cường ngoại giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc nhưng ông ấy vẫn tiếp tục chính sách quân sự và chiếm đóng Afghanistan”.

Nobel Hòa bình 2009 là “tác phẩm đầu tiên” của ông Thorbjorn Jagland, Chủ tịch NNC. Hai năm sau, ông này tiếp tục  gây tranh cãi khi quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2011 cho bà Ellen Johnson Sirleaf, đương kim tổng thống Liberia cùng với 2 phụ nữ khác là nhà hoạt động hòa bình Liberia Leymah Gbowee và nhà báo Yemen Tawakhol Karman.

Trong khi 2 bà Gbowee và Karman được hoan nghênh thì bà Sirleaf, ngược lại bị cho là không xứng đáng. Một số thanh niên tự xưng là đại diện cho 2/3 người dân Liberia sống trong đói nghèo đã xuống đường ở Monrovia phản đối bà.

Một năm sau khi nhận được giải Nobel Hòa bình, bà Gbowee tố cáo trên đài BBC rằng bà tổng thống tham nhũng, bổ nhiệm con cái vào các vị trí béo bở đầy quyền lực như cục trưởng Cục An ninh quốc gia, tổng giám đốc công ty dầu khí quốc gia và phó thống đốc ngân hàng trung ương (đã bị bắt hồi tháng 8 vừa qua).

(Theo NLĐO)

Các tin khác
Anh Larry Greenfield.

Dù đã tiêu tốn khoảng 65.000 đôla Mỹ cho các dịch vụ mai mối trong suốt 12 năm nhưng anh Larry Greenfield, 47 tuổi, vẫn phải chịu cảnh “giường đơn gối chiếc”.

Trường City Montessori với 45.000 học sinh, 2.500 giáo viên, 3.700 máy vi tính và 1.000 phòng học

Tổ chức Guinness thế giới vừa công nhận ngôi trường City Montessori (CMS) ở thành phố Lucknow của Ấn Độ với 45.000 học sinh là ngôi trường đông nhất thế giới.

Một người đàn ông tại Trung Quốc đã trở nên nổi tiếng khi ở độ tuổi 84, ông vẫn tham gia làm mẫu nude. Tuy nhiên, con cái ông thì cảm thấy xấu hổ vì công việc này của cha mình.

Anh Yocom bên con cá

Một ngư dân bắt được con cá ngừ vây vàng nặng 200kg, mức giá bán được dự đoán có thể đến một triệu USD (tức 20 tỷ đồng).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục