Về thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành những ngày cuối tháng 6, ấn tượng đầu tiên là tuyến đường từ xã đến trung tâm thôn đã được kiên cố, trải bê tông phẳng lì; thêm nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang, điểm tô cho bản làng vùng cao thêm tươi mới.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Trưởng thôn Giàng A Sáu cho biết: "Năm 1987, một số hộ đồng bào Mông ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn di cư về xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên rồi về Đồng Ruộng định cư. Đến năm 1994, thôn Đồng Ruộng được thành lập với 27 hộ. Hiện thôn có 50 hộ dân với gần 270 nhân khẩu".
Màu xanh no ấm của lúa cấy 2 vụ, tre măng Bát độ và quế đã làm đổi thay cuộc sống nơi đây. Đặc biệt, ở Đồng Ruộng, tre măng Bát độ được đưa vào trồng từ năm 2007 và đã trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế với diện tích gần 200 ha, đem về nguồn thu hơn 3 tỷ đồng mỗi năm. Hiện, thu nhập bình quân đầu người ở thôn Đồng Ruộng đạt trên 50 triệu đồng/năm và chỉ còn 2 hộ nghèo. Năm 2019, Đồng Ruộng đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận thôn nông thôn mới (NTM) và đang hướng tới xây dựng thôn NTM kiểu mẫu trong năm 2024.
Tại thôn 1, xã Hòa Cuông, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá mới gắn với xây dựng NTM” thời gian qua luôn cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân tích cực thực hiện.
Trưởng thôn 1 Hà Văn Toàn phấn khởi cho biết, toàn thôn có 159 hộ dân là người dân tộc Cao Lan. Người dân thôn 1 luôn gắn bó với rừng, trong đó quế là cây chủ đạo với diện tích trên 500 ha. Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã mạnh dạn trồng quế theo hướng hữu cơ, tạo chuỗi liên kết từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ. Ngoài ra, nhiều hộ cũng mạnh dạn chăn nuôi theo hướng trang trại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, thôn 1 có 10 trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô từ 2.000 - 5.000 con/lứa, thu nhập bình quân từ 30 - 50 triệu đồng/trang trại/lứa.
Trong phong trào xây dựng NTM, người dân đã chủ động hiến trên 3.000m2 đất, trên 600 ngày công lao động, đóng góp trên 2 tỷ đồng… Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, thôn 1 đã được công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu vào tháng 6/2023; thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt trên 51 triệu đồng/năm.
Đồng chí Trần Nhật Tân - Bí thư Huyện ủy Trấn Yên cho biết: "Mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân đã được Huyện ủy Trấn Yên chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phổ biến, quán triệt sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo đó, yêu cầu 100% các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả gắn với những nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương mình”.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo từ huyện đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức tự nguyện, tự giác của các gia đình trong xây dựng "Gia đình văn hóa”, "Gia đình hạnh phúc”; ý thức trách nhiệm của người dân và năng lực tự quản cộng đồng ở khu dân cư trong quá trình xây dựng và giữ vững danh hiệu "Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc”, "Xã, thị trấn tiêu biểu”, "Xã, thị trấn hạnh phúc”…
Năm 2023, chỉ số hạnh phúc của người dân Trấn Yên đạt 69,85% và xuất hiện nhiều "Miền quê hạnh phúc” như: Khuôn Bổ - thôn người Mông, xã Hồng Ca; Khe Đát - thôn người Dao, xã Tân Đồng; bản Vần - người Tày, xã Việt Hồng; thôn 5, xã Minh Quán - nơi có nhiều mô hình vườn, nhà "xanh - sạch - đẹp”; thôn Lan Đình, xã Việt Thành, thôn Yên Phú, xã Hưng Thịnh…
Được biết, năm 2024, toàn huyện số gia đình đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa là 23.710/23.745 hộ, đạt 99,8%; số gia đình đăng ký danh hiệu gia đình hạnh phúc là 19.900/23.710 hộ, bằng 83,9%; có 188/188 thôn, bản, tổ dân phố đăng ký danh hiệu thôn, bản, tổ dân phố văn hóa và phấn đấu nâng chỉ số hạnh phúc của người dân lên mức 70,2%...
Để đạt được mục tiêu này, Huyện ủy Trấn Yên đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân về cuộc sống; phấn đấu năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 57,5 triệu đồng/năm.
Chú trọng nâng cao sự hài lòng của người dân về môi trường sống bằng việc tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản, xử lý nước thải, chất thải, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng cảnh quan làng xóm, thôn sáng, xanh, sạch, đẹp… Từ đó, góp phần nhân rộng hơn nữa những mô hình "Bản làng hạnh phúc, cộng đồng dân cư hạnh phúc.
Trần Ngọc