Danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải:

Thêm yêu, thêm quý đất - người vùng cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/9/2013 | 9:15:26 AM

YBĐT - Đã thành thông lệ, 5 năm qua, từ khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng ruộng bậc thang thuộc các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình là Di tích danh thắng cấp quốc gia (ngày 8/10/2007) thì huyện Mù Cang Chải lại mở hội đón du khách từ khắp miền đất nước đến dự lễ hội ruộng bậc thang độc đáo nơi đây.

Mùa vàng Mù Cang Chải.
(Ảnh: Thanh Miền)
Mùa vàng Mù Cang Chải. (Ảnh: Thanh Miền)

Được hình thành từ loại hình canh tác mang đậm sắc thái của cư dân vùng cao khu vực Đông Nam á, diện tích chính của danh thắng nằm tại 3 xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình có tổng diện tích 330,11ha. Tuy nhỏ nhưng đây là kì tích của đồng bào ba địa phương từ bao đời nay. Nằm kề nhau, trong đó Dế Xu Phình nằm ở tả ngạn dòng Nậm Kim, cách trung tâm huyện lỵ 20km; La Pán Tẩn, Chế Cu Nha nằm bên hữu ngạn dòng Nậm Kim trên đường vào trung tâm huyện Mù Cang Chải.

Dừng chân tại ba xã, ở đâu du khách cũng thấy những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp trải rộng khắp các quả đồi. Đặc biệt, từ trên lưng chừng núi mới thật sự là những công trình văn hóa tuyệt tác của các nghệ nhân sáng tạo ra ruộng bậc thang. Do địa hình nơi này là núi cao, vực sâu, cắt xẻ nhiều nên ruộng bậc thang hình thành những “mâm xôi” và mỗi “mâm xôi” đều được xen giữa các khe nước lớn nhỏ, trập trùng là những rừng thông bạt ngàn. Vì vậy, chẳng ngoa khi nhiều người đến nơi đây phải thốt lên rằng đây chính là “kỳ quan nhân tạo”.

Ngay từ khi định cư ở mảnh đất này, đồng bào Mông đã lấy trồng trọt là phương thức canh tác chủ yếu, từ đó nghĩ ra cách khai khẩn ruộng bậc thang. Trước tiên là lựa chọn mảnh đất ưng ý, có độ dốc vừa phải, có nguồn nước, có khả năng tạo mặt bằng, ít sỏi đá, cây to, cỏ mọc dày và tốt. Tiếp theo là xác lập quyền khai khẩn, đó là xếp các cột đá cao hoặc chặt ngọn một số cây gỗ lớn trên mảnh đất đó làm dấu hiệu xác lập và khi đã đánh dấu có nghĩa mảnh đất đã có chủ, không ai được xâm phạm. Khi đã huy động được lực lượng và có điều kiện thời tiết thuận lợi, việc khai khẩn được tiến hành.

Để làm ruộng, trước hết, người dân phát cỏ và các loại cây nhỏ rồi dọn sạch mặt đất, sau đó dùng cuốc đánh các gốc to, tiến hành đào và san. Khó khăn nhất là tạo mặt bằng cho ruộng vì mặt bằng ruộng liên quan đến việc giữ nước và chia đều nước cho toàn ruộng. Do đó, đào và san ruộng là khâu kỹ thuật đòi hỏi phải có kỹ năng. Ruộng đạt tiêu chuẩn phải đủ hai tiêu chí cơ bản là mặt bằng ruộng và nguồn nước ngâm chân cho lúa, đây chính là nét độc đáo chỉ người Mông mới có thể làm được. Tiếp theo là làm bờ ruộng.

Trong hệ thống ruộng bậc thang, bờ ruộng là yếu tố quan trọng đóng vai trò “bức tường” giữ nước. Bờ ruộng được tiến hành làm ngay từ khi san ruộng, đất làm bờ lấy ngay từ chỗ san gạt ở phía mép cuối của mặt bằng thửa ruộng. Người ta thường dùng cuốc bướm cào đất thành bờ, chỗ nào thiếu đất thì tiếp tục cào từ chỗ cao sang chỗ thấp, sau đó dùng chân dẫm và dùng gáy cuốc đập mạnh vào để nén chặt bờ ruộng. Độ chênh lệch giữa thửa ruộng trên và thửa dưới thường là 1- 1,5m. Khi có nước tháo vào ruộng, bờ sẽ cứng lại.

Cần cù lao động, sản xuất, đồng bào Mông đã tạo nên những “kiệt tác” trên núi đồng thời cũng tạo ra đời sống tinh thần vô cùng phong phú. Trong điều kiện sống khắc nghiệt của vùng cao, khai khẩn và canh tác ruộng bậc thang thường gặp không ít khó khăn, đặc biệt là những tai nạn như bị đá lăn vào chân và vào người, bị rắn cắn, bị lợn rừng húc, bị dao phát vào chân… Những trường hợp như vậy, người Mông quan niệm là cái hồn của mình đã bỏ mình ra đi nên phải mời thầy cúng gọi hồn về. Thầy cúng phải là người già, được học nghề từ khi còn bé.

Lễ vật chuẩn bị để cúng gọi hồn gồm có: bát gạo, con gà, chén rượu, quả trứng, que hương được đặt ở góc ruộng, nơi gia chủ có người bị nạn. Thầy cúng cầm que hương hua lên trời đọc bài cúng gọi hồn về nhập vào người bị hại để người đó tiếp tục công việc làm ăn. Cúng xong, bài cúng được thầy cúng nhúng vào rượu và đốt ngay tại ruộng. Để mùa màng tươi tốt cũng như mừng được mùa, quá trình sản xuất xuất hiện những hoạt động đã trở thành nét văn hóa như: nghi thức cầu mưa, lễ mừng cơm mới...  Tất cả những điều đó qua thời gian đã tạo thành những tín ngưỡng, nét văn hóa đặc sắc như hôm nay.

Theo bà Lương Thị Xuyến - Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải - Trưởng ban Tổ chức Tuần văn hóa Ruộng bậc thang năm 2013 thì với thời gian dự kiến cuối tháng 9 (từ ngày 26 - 29/9), Tuần văn hóa, thể thao và du lịch Danh thắng ruộng bậc thang năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn mọi năm với các hoạt động gắn với lao động, sản xuất liên quan đến ruộng bậc thang như: thi gặt lúa nhanh, cày ruộng giỏi… Bên cạnh đó, huyện tổ chức nhiều hoạt động như: phiên chợ vùng cao “Sắc màu Tây Bắc”, đại hội thể dục thể thao, triển lãm ảnh và các tuyến du lịch… được tổ chức ở các cụm từ trung tâm huyện đến các xã.

Đến với Mù Cang Chải, tham dự Tuần văn hóa ruộng bậc thang, chắc chắn du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên để đồng cảm với mảnh đất còn nhiều khó khăn này và thêm yêu, thêm quý những con người cần cù lao động, đầy sáng tạo nơi đây.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Dấu thời gian đầy quyến rũ ở thành cổ Sơn Tây . Ảnh: thethaovietnam

Những mảng tường bằng đá ong hay chiếc cổng thành đổ nát được phủ rêu phong cổ kính còn sót lại như dấu tích của các công trình kiến trúc độc đáo thời xa xưa.

Ảnh minh họa

Tại di tích lịch sử văn hoá quốc gia đặc biệt Kiếp Bạc, sáng nay (19/9), tỉnh Hải Dương đã tổ chức Liên hoan Múa rối nước toàn tỉnh lần thứ IV, mở đầu cho Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Những trái hồng đã chín đỏ trên cành.

Quả hồng rất phổ biến ở Hàn Quốc và là trái cây tượng trưng cho mùa thu của người Hàn.

Lễ hội rước đèn Trung Thu tại thành phố Phan Thiết.

Tối 17/9, hàng nghìn thiếu nhi, học sinh cùng đông đảo người dân và du khách đã tập trung về Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) tham dự Lễ hội rước đèn Trung Thu 2013.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục