Chinh phục cung đường Chế Tạo - Mường La
- Cập nhật: Thứ tư, 4/12/2013 | 8:05:46 AM
Bầu trời âm u kéo những đám mây đen phủ kín tầm nhìn khi chúng tôi bắt đầu hành trình chinh phục cung đường Chế Tạo - Mường La, nơi được giới du lịch bụi mệnh danh là "tứ đại tử địa" của vùng đất Tây Yên Bái...
Phút dừng chân bên một con suối băng ngang đường.
|
Trước khi chinh phục cung đường này, chúng tôi đã biết đây là 1 trong 4 con đường hiểm trở bậc nhất ở vùng đất Tây Yên Bái. Cung đường dài 70km nối từ Mù Cang Chải (Yên Bái) đến Mường La (Sơn La) chỉ có 4 bản trên toàn tuyến, 2 bản người Mông nằm phía Yên Bái và 2 bản người Thái nằm bên mạn Sơn La với vỏn vẹn chiều rộng đường khoảng 1m.
Trên đường đi sẽ qua Chế Tạo, xã nghèo đặc biệt khó khăn và xa nhất của Mù Cang Chải, cách trị trấn Mù Cang Chải 35km với đường đi khúc khuỷu, kèm theo những con dốc dựng đứng vô cùng nguy hiểm... Thế là lại tò mò, lại đam mê, "máu" nổi lên và chúng tôi nhanh chóng quyết định chinh phục bằng được cung đường huyền thoại này.
Lên đường
Khăn gói lên đường sớm, chúng tôi đến được thị trấn Mù Cang Chải lúc 2g chiều. Bầu trời âm u kéo theo những đám mây đen sũng nước dường như chẳng gây khó khăn nào cho những con người đang hừng hực bầu nhiệt huyết.
Thời điểm cả nhóm tiến vào Chế Tạo cũng là lúc phảng phất những cơn mưa phùn nhẹ. Một phần lo lắng đã đặt nặng lên vai vì lời người dân cảnh báo, rằng nếu trời mưa thì con đường phía trước rất trơn trượt và nguy hiểm, đến cánh xe ôm cũng phải lắc đầu ngán ngẩm.
7km đầu tiên là một con đèo với độ dốc rất cao, đường đi hoàn toàn được đổ bêtông nên không gây khó khăn nhiều cho các tay lái trong đoàn. Từ lưng chừng đèo có thể nhìn thấy toàn cảnh Mù Cang Chải phía xa.
Toàn bộ thị trấn Mù Cang Chải |
Đường trơn trượt ngập trong đất sét... - |
Mặc dù chỉ cách nơi này 35km nhưng Chế Tạo ít người vào ra vì đường đèo nguy hiểm và vắng vẻ. Gian nan bắt đầu khi đoàn kết thúc 7km đầu tiên. Con đường trơn trượt với khúc cua tay áo lầy lội đầy đất sét do ảnh hưởng của trận mưa mấy ngày trước. Mọi người vẫn cố gắng bám theo những rãnh đường để tiến lên...
Đó hẳn là một thử thách, đường không chỉ rất dốc mà còn có nhiều đá hộc trơn trượt, với một bên là vách núi và bên kia là vực thẳm. Chỉ 35km nhưng nó đã ngốn hơn 3 giờ của cả đoàn. Trầy trật nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đến được Chế Tạo lúc 5g chiều.
Hiện ra trước mắt, Chế Tạo khó khăn hơn trong suy nghĩ của chúng tôi rất nhiều. Cả bản với hơn chục nóc nhà nằm vắt vẻo bên sườn núi, ở đây hầu hết là các hộ gia đình dân tộc người Mông với điều kiện sống thiếu thốn đủ đường. Trong bản chỉ có duy nhất quầy tạp hóa nhỏ bán dăm thứ muối iôt, mì gói, hạt lạc...
Trường học đóng cửa im lìm, bưu điện bản cũng đã hết giờ mở cửa. Khói lam chiều vương trên những mái nhà gỗ pơmu đã thẫm màu thời gian.
Ngủ đêm tại bản, những câu chuyện bên ánh lửa hồng đã giúp mọi người dần cảm nhận hết mọi nhọc nhằn, cái vị lạnh và cả sự vắng vẻ, yên tĩnh đến xao lòng.
Trường "ba gộp" mầm non - tiểu học và THCS Chế Tạo |
Những em bé Chế Tạo với khuôn mặt ngây ngô và dễ thương |
Gian nan thử sức...
Sáng sớm thức giấc, tạm biệt Chế Tạo, chúng tôi tiếp tục hành trình còn dang dở. Nhưng chặng đường đến Chế Tạo chỉ là khởi đầu cho những chuỗi khó khăn tiếp theo khi mọi người được cảnh báo còn nguy hiểm hơn nữa. Nhiều nơi sạt lở trong khi phía trước những con đường cứ nhỏ dần, nhỏ dần với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm.
Dù được cài số 1, những "chiến mã" vẫn cứ ì ạch leo dốc. Con đường lác đác vài bóng người qua lại, các "xế" gồng tay giữ tay lái cho chắc, không để những tảng đá lổm nhổm trên đường làm trượt bánh xuống vực thẳm phía trước. Mọi người luôn sẵn sàng trong tư thế nhảy ra khỏi xe, để giữ xe theo quán tính lao dốc và để đẩy xe lên những con dốc cao.
Thi thoảng trên con đường lại bắt gặp những chiếc cổng tre đơn sơ chặn đường, ngăn không cho trâu bò qua lại, có đoạn "ôm" phải xuống cuốc bộ cả vài kilômet... nhưng bù lại phong cảnh hai bên đường đẹp như tranh vẽ. Những bụi hoa màu tím nở rực hai bên đường, những dòng suối, thác nước đổ rì rầm, những khoảnh ruộng bậc thang lúa chín loang lổ trên những sườn núi cao...
Vượt qua biết bao ngọn núi, mỗi khi lên đến đỉnh chúng tôi lại hi vọng đây là điểm cao nhất rồi, giờ chỉ việc xuống thôi... Nhưng những điểm sạt lở vẫn cản trở và gây biết bao khó khăn cho cả đoàn, có nhiều đoạn phải dắt xe qua chứ không dám chạy vì quá nguy hiểm.
Qua được con dốc cao cuối cùng, lại đến những con suối chảy ngang đường, đôi khi cả những chiếc cầu tre vắt vẻo. Cảnh tượng non nước nên thơ của núi rừng phút chốc làm mọi người quên hết mệt nhọc để "bơi" tiếp đoạn đường phía sau lởm chởm toàn đá cuội, gập ghềnh dù không còn dốc cao và cũng dễ đi hơn.
Những bộ quần áo lấm lem, những đôi giày bết bùn. Những gương mặt đã thấm mệt nhưng rạng rỡ nụ cười chinh phục. Bản Kể Cả và bản Đông, hai bản của đồng bào người Thái nằm bên suối là nơi nghỉ ngơi và điểm cuối cùng để sang bờ bên kia địa phận Mường La, Sơn La.
Con đường như sợi chỉ vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác |
Những con đường ngày càng nhỏ dần... |
Người ta nói quả không sai về con đường này, Chế Tạo - Mường La dốc ngược hơn cả Tà Sì Láng hay Phình Hồ, dài và khó khăn hơn cả Háng Tề Chơ, độ nguy hiểm mang đến khiến bất kỳ tay lái nào cũng phải thót tim. Giờ thì lội suối, bê xe máy băng qua dòng nước chảy xiết đến ngang ngực.
Chúng tôi không thể tự khiêng xe qua suối được, vì nước dâng cao mà cây cầu duy nhất nối bản Đông với Mường La đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ từ mấy tuần trước. Thêm một lần nữa, phải nhờ đến những thanh niên trong bản giúp sức.
Cuối cùng với bao nỗ lực, sự đoàn kết, vượt qua gian khó chúng tôi đã ra đến đường cái thuộc thị trấn Mường La khi mặt trời đã lặn, chạy thẳng về TP Sơn La nghỉ ngơi trong niềm hân hoan vô bờ bến. Sáng hôm sau, trước khi về Hà Nội mọi người còn tranh thủ ghé qua nhà tù Sơn La và chụp vài bức ảnh kỷ niệm.
Cuộc hành trình kết thúc để lại trong chúng tôi bao cảm xúc, sự khám phá và trải nghiệm thêm nhiều điều thú vị ở hai vùng đất mà chúng tôi đã đặt chân đến.
(Theo TTO)
Các tin khác
Ruộng bậc thang Vù Lùng Sung và đèo Ô Quý Hồ vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam (Viet kings) xác nhận là 2 danh thắng Sa Pa đạt kỷ lục Việt Nam.
Đồng bằng sông Cửu Long có chừng 600 ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, thì chùa Dơi ở Sóc Trăng nổi lên như một quần thể kiến trúc đẹp và độc vào bậc nhất.
Nhờ những nỗ lực ở khâu quảng bá, tiếp thị hình ảnh, du lịch Việt Nam năm 2013 có nhiều điểm hấp dẫn, thu hút du khách dù kinh tế khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ vừa Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng.