“Phượt” ngày tết
- Cập nhật: Thứ năm, 6/2/2014 | 9:08:42 AM
YBĐT - Tết thường là dịp để gia đình, anh em, bạn bè sum họp, quây quần bên nhau nhưng với nhiều tín đồ ưa “chủ nghĩa xê dịch” tết còn là dịp để đi du lịch, khám phá những vùng đất mới. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn rủ nhau “phượt” và dường như đó đã trở thành một trào lưu. Theo những người trong cuộc, việc đi xa trong những ngày tết mang lại cho họ nhiều điều thú vị...
Một nhóm “phượt” là sinh viên các trường đại học ở Hà Nội bên Di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
|
Ngày xuân, khi những dải hoa đào, hoa mận phủ kín những cung đường Lũng Lô, Khau Phạ, Mã Pì Lèng... thì cũng là lúc nhiều bạn trẻ khoác ba lô trên lưng, băng rừng, lội suối, vượt núi lên đỉnh Phanxipăng. Với họ, “phượt” không những để tránh cái không khí ngày càng buồn tẻ của tết nơi đô thị mà còn là để khám phá những điều mới mẻ, được hòa mình trong ngày hội, trong những phiên chợ tình và những lễ hội dân gian của vùng Tây Bắc.
Trên các diễn đàn dành cho giới phượt, thời điểm cuối năm tràn ngập những lời kêu gọi lập nhóm đi “phượt tết”. Các topic tìm bạn đồng hành liên tiếp được lập với những cái tên đầy cuốn hút như: “Đón năm mới trên đỉnh “nóc nhà Đông Dương”, “Lướt đèo đón tết vùng cao”, “Bắc Hà mùa hoa trắng”, “Ai chợ tình Sa Pa không?”...
Mặc dù mỗi topic đều có thời gian, địa điểm khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung là mong muốn khám phá, trải nghiệm những vùng đất mới, không khí mới và cái tết mới. Bạn Vũ Quốc Đạt làm việc trong ngành du lịch chia sẻ: “Topic nào lên lịch trình càng chi tiết, cụ thể cùng những dự trù kinh phí để các thành viên tham khảo càng thu hút đông người tham gia”. Theo Đạt, mặc dù quanh năm dẫn “tua” trong nước và quốc tế nhưng “phượt” ngày tết luôn mang đến nhiều cảm giác thích thú, đặc biệt là khi đến với vùng đất Tây Bắc núi non hùng vĩ.
Được tạo hóa ban tặng cho một vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, Tây Bắc ngày tết còn được tô điểm bởi những cơn mưa xuân hay những màn sương đêm buốt giá. Do vậy, hành trang của dân “phượt” bao giờ cũng có áo ấm, khăn quàng, găng tay, giày chống thấm để thích ứng với thời tiết khá lạnh của miền núi phía Bắc.
Theo kinh nghiệm của nhiều tay “phượt”, nếu đi xe máy, rất cần thiết mang theo đồ sửa xe vì cung đường giữa các thị trấn, thị xã thường khá dài. Cùng với đó, đồ ăn dự trữ như kẹo ngọt, sôcôla... phải luôn sẵn sàng trong ba lô để sử dụng khi lỡ bữa bởi hành trình du xuân rong ruổi qua nhiều miền đất. Đặc biệt, trong balô, những kẻ lãng du ngày tết bao giờ cũng mang theo chiếc bánh chưng xanh, cân giò lụa và đủ mọi bánh trái, mứt, hoa quả để cùng hòa vào không khí đón xuân.
Đích đến của những người thích “phượt tết” thường là các cung đường rất đỗi gần gũi, thân thuộc như: Mai Châu-Mộc Châu, Bắc Hà-Simacai-Sa Pa, Đồng Văn-Mèo Vạc... Là một tín đồ “phượt”, quanh năm xách xe “bụi” tứ miền nhưng cứ đến tết anh Nguyễn Tuấn Đức, quê Thanh Hóa lại nhớ về miền Tây Bắc, nơi luôn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ, thú vị.
Anh chia sẻ: “Mấy ngày tết năm ngoái mình cùng nhóm bạn lang thang mãi ở Hà Giang không muốn về. Mùa xuân, đất trời Hà Giang rực rỡ trong muôn sắc hoa đào, hoa tam giác mạch, hoa cải, những hàng sa mộc vươn mình kiêu hãnh trong mưa xuân. Rồi những phiên chợ tết xúng xính bởi mầu váy áo, khăn quàng của các bà, các chị người Mông xuống chợ, những ngọn núi đá tai mèo dựng đứng khiến những ai đã đến Hà Giang một lần đều muốn quay lại thêm vài lần nữa”. Rời Hà Giang, nhiều nhóm “phượt” lại vượt qua đèo Pha Đin trắng trời hoa mận và tím ngát hoa ban để đến với Điện Biên. Bà con dân tộc ăn tết rôm rả, làng bản nào cũng đông người chơi tết, ai cũng mặc quần áo mới đi chơi, lũ trẻ nô đùa cả ngày.
Dân “phượt” bật sâm panh mừng năm mới trên đỉnh Phanxipăng.
Trong cái lạnh cắt da cắt thịt đã thấy những tia nắng ấm áp, đất trời tưng bừng đón xuân sang. Ngoài ra, với nhiều người thích ngắm băng tuyết thì Mẫu Sơn là điểm đến lý tưởng. Vào những khi nhiệt độ xuống rất thấp, âm hai, ba độ, khi đó sẽ xuất hiện băng tuyết. Tuy nhiên, những người đến đây chiêm ngưỡng cảnh sắc này phải có sức khỏe tốt.
“Đi “phượt” ngày tết mang đến nhiều cảm xúc hơn vì mỗi vùng miền đón xuân theo cách khác nhau. Tết của đồng bào dân tộc cũng có nhiều điều khó quên lắm” - đó là cảm nhận chung của rất nhiều “tay phượt”.
Một năm mới nữa đã đến, các tín đồ “phượt” đang háo hức đến với những cung đường cua tay áo, những ruộng bậc thang, những đỉnh đèo mù sương hay những vườn hoa cải, hoa dã quỳ và cả những phiên chợ tình trên miền Tây Bắc hoang sơ, mờ ảo.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Sau bao lần hò hẹn, mùa xuân này, người anh họ của tôi sống ở thành phố Hải Phòng mới có dịp lên chơi Yên Bái. Anh nói đã đi nhiều nơi nhưng lần này muốn đến thành phố núi này để được hòa mình vào cảnh sắc tuyệt đẹp của núi rừng Tây Bắc, để được tận mắt ngắm, để được thỏa thích tận hưởng không gian xanh...
Với nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật, triển lãm hấp dẫn được triển khai trong dịp Tết Giáp Ngọ, các di tích cô đô Huế đã đón một lượng khách lớn đến tham quan trong những ngày vừa qua.
Theo thống kê của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong mấy ngày Tết Giáp Ngọ, lượng du khách đến các bãi tắm, khu du lịch của tỉnh tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong hai ngày 3 và 4-2, du khách ùn ùn đổ về Vũng Tàu và các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.
Theo truyền thống, đúng ngày 6 Tết âm lịch hàng năm, chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn bắt đầu khai hội. Hàng vạn du khách trong và ngoài nước, cùng các tăng ni phật tử cũng nô nức hành hương về tham dự lễ hội.