Hưởng ứng Năm Du lịch Yên Bái 2017 và Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai – Tây Bắc

Đắm say xòe Thái Mường Lò

YBĐT- Những điệu xòe đều mô phỏng bước đi của cha ông khi khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, lấy nước, tung khăn, mời rượu… Tất cả đều diễn tả sinh động và tinh tế về cuộc sống, thể hiện những ước mơ, khát vọng của người Thái Tây Bắc.

Múa xòe có từ bao giờ, không ai nhớ nổi. Chỉ biết, từ xa xưa, người Thái Mường Lò đã có câu hát rằng:

Không xòe không vui
Không xòe cây ngô không ra bắp
Không xòe cây lúa không trổ bông
Không xòe trai gái không thành đôi

Bởi thế, trong cuộc vui nào, đồng bào người Thái đất Mường Lò cũng có múa xòe. Vì rằng: Anh không xòe thì hoa héo đi/ Em không xòe trời xuân qua đi... Và với người Thái Tây Bắc, múa xòe như một phần cuộc sống, như cơm ăn, nước uống hàng ngày của đồng bào vậy!

"Vào đây anh, múa xòe cùng em!"

Đến thung lũng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ) trong bóng chiều chạng vạng, đón chúng tôi ngay đầu thị xã, Lò Thị Xoan, cô gái Thái trắng trẻo có gương mặt xinh xắn, dẫn đoàn chúng tôi đến ngôi nhà sàn khang trang cách trung tâm thị xã chưa đầy nửa cây số. Sau màn chào hỏi xã giao, chủ và khách cùng ngồi xuống mâm cơm, cùng nâng chén chúc nhau sức khỏe. Mâm cơm toàn những món đặc sản của đồng bào người Thái ở Mường Lò, châu chấu rang giòn, nhộng ong xào măng, trâu gác bếp, xôi ngũ sắc, cá suối nướng - pa pỉnh tộp, rau dớn rừng…

Sau khi giới thiệu với khách từng món đặc sản của người Thái, Xoan nhẹ nhàng nâng chén rượu mời: “Người Thái chúng em có câu "Pay soong tin, kin soong chẻn", nghĩa là "đi hai chân thì phải uống hai chén", nên em cũng mời các anh chị mỗi người hai chén”... Cùng với chén rượu nâng lên đặt xuống, câu chuyện giữa chủ và khách cũng trở nên gần gũi, thân thiện hơn.

Để tỏ lòng mến khách và cũng là để “khoe” với khách miền xuôi nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, chủ nhà cho đốt đống lửa lớn trước sân nhà sàn, rồi gọi các em thanh niên trong bản đến biểu diễn múa xòe, cho khách quý được thưởng thức và hòa vào cuộc vui.

Các cô gái Thái xúng xính trong bộ áo cỏm, váy nhung, nắm tay nhau thành vòng tròn, chuyển động dần theo vòng quay quanh đống lửa, trong lời ca tha thiết: Đêm Mường Lò, trăng đang lên dần, xòe đi anh, tay cầm tay múa xòe cùng em. Đêm Mường Lò, chiêng trống nhịp nhàng, rừng núi âm vang, tay cầm tay múa xòe cùng em...

Vòng xòe chuyển động nhịp nhàng, những đôi bàn tay nắm chặt tung lên, hạ xuống, khi giãn ra xa, khi chụm lại gần đống lửa. Những bước chân nhịp nhàng tiến, nhịp nhàng lui. Vòng xòe ngày càng lớn dần, bởi số người nhập vào ngày càng đông, bởi không mấy người có thể từ chối được lời mời gọi tha thiết, chân thành của các thiếu nữ: Đừng sợ say, đôi tay ngà, chén em dâng đầy, chén em dâng đầy.

Dập dìu chân chàng, ới... ơ… noọng. Dập dìu chân em, ới... ơ... Ta tan dần, trong vòng quay. Kìa hội vui, xòe đi anh, đừng để em cô đơn một mình. Đêm Mường Lò, trăng dâng đầy, đôi tay ngà, đón chờ người ơi. Vào đây anh, xòe đi anh…

Lời ca mỗi lúc thêm da diết, tiếng hát, tiếng mời gọi chân thành làm cho khách lạ bỗng thành quen. Nhiều du khách chưa từng múa xòe bao giờ, lúc đầu còn ngần ngại nhưng rồi cũng lại nhanh chóng nắm tay nhau, hòa mình theo điệu dân vũ, chẳng ai muốn buông tay.

Sinh ra và lớn lên ở Mường Lò, sống và gắn bó với cái nôi của văn hóa Thái từ nhỏ, nên Xoan biết múa xòe và yêu những điệu xòe này từ khi còn nhỏ, cũng biết múa rất nhiều điệu xòe khác nhau.

Trong cuộc vui nào, dù ngày gặp mặt gia đình, họ hàng, ngày lễ, tết hay ngày hội xên mường, xên bản, Xoan và mọi người trong gia đình đều cùng nhau múa xòe. “Có nhiều khi, chúng em cùng nhau múa xòe cũng chỉ để quên đi những mệt nhọc của cuộc sống hàng ngày” - cô gái Mường Lò bày tỏ.

Tìm về ngọn nguồn vòng xòe

Để hiểu thêm về múa xòe, Xoan dẫn chúng tôi đến nhà nghệ nhân Lò Văn Biến - một nhà nghiên cứu, một “Bảo tàng sống” về văn hóa người Thái ở Mường Lò.

Trước những câu hỏi của chúng tôi về múa xòe, nghệ nhân Lò Văn Biến nhẹ nhàng lý giải: “Vùng đất Mường Lò vốn là gốc của người Thái Tây Bắc. Do sống giữa thiên nhiên hùng vĩ, cùng với sự cần cù, tinh thần sáng tạo trong công cuộc chinh phục thiên nhiên nên mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, người Thái Mường Lò lại nắm tay nhau quanh đống lửa nhảy múa ăn mừng. Những điệu xòe hình thành, phát triển từ đó”.

Những điệu xòe đều mô phỏng bước đi của cha ông khi khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, lấy nước, tung khăn, mời rượu… Tất cả đều diễn tả sinh động và tinh tế về cuộc sống, thể hiện những ước mơ, khát vọng của người Thái Tây Bắc.

Bởi vậy, mỗi dịp lễ, tết hay trong ngày vui của dòng họ, gia đình, của bản làng, nhất là khi nhà đón khách quý…, vòng xòe thường được tổ chức như một nghi lễ dân gian để đón mừng.

Múa xòe trở thành sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người dân tộc Thái, không chỉ mang ý nghĩa khắc họa cuộc sống lao động, tình yêu đôi lứa, những điệu múa xòe còn biểu hiện tình đoàn kết, những mong mỏi để con người xích lại gần nhau trong cuộc sống.

Theo nghệ nhân Lò Văn Biến, khi nói tới xòe Thái, không thể không nhắc đến 6 điệu xòe cổ, bởi đây là gốc, là khởi nguồn của các điệu xòe khác và nó thể hiện đầy đủ nghệ thuật dân vũ của người Thái.

Đó là điệu xòe “Khắm khăn mơi lảu” - nâng khăn mời rượu, điệu múa thể hiện lòng hiếu khách, sự gần gũi giữa con người với con người; “Phá xí” - bổ bốn, diễn tả tình đoàn kết của cộng đồng, dù ở bất cứ phương trời nào đều hướng về tổ tiên, quê hương; “Đổn hôn” - tiến lùi, khẳng định dù trời đất đổi thay, nhưng ý chí và tình người luôn sắt son, bền chặt; “Nhôm khăn” - tung khăn, một điệu xòe tưng bừng nhất, thể hiện niềm vui vô bờ bến, thường dùng trong những dịp mùa màng bội thu, lễ lên nhà mới, đám cưới…; “Ỏm lọm tốp mư” - vòng tròn vỗ tay thể hiện niềm vui vô bờ bến khi bạn bè gặp nhau, hoặc đạt được thành quả lớn lao trong cuộc sống; “Khắm khen” - nắm tay, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, mong ước cuộc sống ấm no, hạnh phúc...

Sáu điệu xòe cổ này thể hiện được đầy đủ các thế tay, thế chân cơ bản của các điệu xòe và mỗi thế chân, thế tay đều mang một ý nghĩa nhất định. Đó là, tay “xé quánh” - phạt ngang từ trên xuống, như gạt bỏ những trở ngại trên đường đời; tay “khua” như rẽ đường, như vun vén, như gom nhặt…; tay “nhốm” - hai bàn tay rung rung như cánh bướm trong vũ điệu giao duyên, thể hiện niềm vui ngập tràn; thế chân “tin khoang”, tức là đi ngang, chân dịch chuyển sệt trên mặt đất, thể hiện sự khó khăn vất vả trong cuộc đấu tranh sinh tồn; chân “tin xắp”, tức là chân đuổi, thể hiện sự phấn đấu vươn lên để đạt được giá trị cao cả của Chân - Thiện - Mỹ; chân “tin quyệt”, tức là sệt, đồng thời với bước đi sệt, một chân phẩy ra đằng sau như làm điểm tựa để tiến lên phía trước.

Không chỉ khác nhau về thế chân, thế tay, mà nhạc cụ dùng cho mỗi điệu xòe cũng khác nhau. Với những điệu “Khắm khăn mơi lẩu”, “Đổn hôn”, “Nhôm khăn”, “Phá xí”, các thế chân và tay uyển chuyển nhẹ nhàng nên nhạc cụ thường chỉ dùng khèn, với những giai điệu bay bổng, tình tứ. Còn với những điệu “Khắm khen”, “Ỏm lọm tốp mư” thì có thể dùng tất cả các nhạc cụ trừ pí, bởi những điệu xòe này mang theo sự nồng say trong từng bước vũ.

Từ 6 điệu xòe cổ, dần dần, các nghệ nhân dân gian đã từng bước phát triển thành 36 điệu xòe, mang bóng dáng các sinh hoạt thường ngày như “xe cúp” (múa nón), “xe tẳng chai” (múa chai), “xe kếp phắc” (hái rau), “xe cắp” (múa sạp), “xe tăng bẳng” (múa ống)...

Trong văn hóa người Thái, múa xòe còn liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng tình yêu đôi lứa nên dù trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, múa xòe vẫn được các thế hệ nối tiếp lưu truyền. Đặc biệt, trong mỗi điệu xòe đều ẩn chứa ý nghĩa nhân sinh cao cả của cộng đồng người Thái miền Tây Bắc.

Sức hấp dẫn của xòe chính là sự sôi nổi, gần gũi mà đậm tình như hơi thở của cuộc sống. Bởi xòe luôn thu hút được tất cả mọi người, không phân biệt người già hay trẻ, người lạ hay quen. Mọi người đều nắm tay nhau thân ái. Địa điểm tổ chức múa xòe cũng rất linh động. Có thể ở sân nhà, trên sân khấu, cũng có thể ở dưới gốc cây hoặc trên sân bãi... nơi nào cũng có thể múa xòe.

Những người tham gia múa xòe tay trong tay, vai kề vai, người nọ bước theo chân người kia. Động tác, đội hình xòe rất giản dị, các bước đi của vòng xòe gần gũi với nhiều động tác hoạt động của con người trong lao động, trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng từ xưa đến nay, xòe vòng của dân tộc Thái luôn có sức hấp dẫn đặc biệt.

Sau những ngày lao động vất vả, đêm đêm dưới ánh trăng, bên đống lửa bập bùng, trong tiếng trống, tiếng khèn mời gọi, mọi người đến quây quần cùng nắm tay nhau quay vòng trong điệu xòe hoa. Qua mỗi bước xòe, người ta như được gột rửa tinh thần, để rồi, sau hội xòe, mọi người lại vui vẻ trở về với cuộc sống đời thường, sống gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu người, yêu đời hơn và hăng say lao động hơn…

Lâu nay tại đất Mường Lò, các nghệ nhân già luôn nghĩ cách gìn giữ các điệu xòe cổ, vốn là cái hồn dân vũ của người Thái. Với nhiệt huyết của mình, họ vẫn đang truyền dạy cho con cháu từng cử chỉ, động tác múa xòe.

Bà Lò Thị Huân - Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ, cho biết: “Trong chiến lược phát triển văn hóa du lịch Mường Lò, xòe là một “đặc sản” mời gọi và níu chân du khách. Do đó, thời gian qua, được sự đồng ý của UBND tỉnh Yên Bái, các cấp quản lý ở thị xã Nghĩa Lộ và nghệ nhân đã lập những kế hoạch để bảo tồn và phát huy nghệ thuật xòe Thái Mường Lò. Đây cũng là loại hình nghệ thuật dân gian đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và hiện nay các nhà nghiên cứu, nghệ nhân đang hoàn thiện Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Nhiều người bảo nhau, ai đã một lần đến Tây Bắc, đặc biệt là đặt chân đến đất Mường Lò mà chưa được thưởng thức ẩm thực của đồng bào người Thái, chưa được múa xòe thì chuyến đi ấy không trọn vẹn. Hãy đến Tây Bắc, đến Mường Lò để có những trải nghiệm tuyệt vời với những món ăn đặc sản của bà con, được đắm mình trong các điệu xòe nồng say với các thiếu nữ Thái.

(Theo QĐND)

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chị Thu Ngọc cùng gia đình tại An Lành Farm ở xã Bạch Hà, huyện Yên Bình.

Xu hướng du lịch ven thành phố

Trong nhịp sống hối hả, xô bồ của đô thị, xu hướng tìm về những không gian xanh mát, yên bình ven các đô thị đang ngày càng được ưa chuộng. Tại Yên Bái, trào lưu du lịch “staycation” (du lịch tại nơi mình sinh sống) hoặc những chuyến đi ngắn ngày đến các địa điểm lân cận thành phố đang trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách và người dân địa phương.
Anh Phí Văn Tiệp (ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ xã An Thịnh kiểm tra sản phẩm quế điếu của Công ty.

Phí Văn Tiệp - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu

Nói đến ngành chế biến, xuất khẩu quế ở huyện Văn Yên, nhiều người sẽ nhớ đến doanh nhân Phí Văn Tiệp - Giám đốc Công ty TNHH Đại Lâm, xã An Thịnh. Khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng, song nhờ ý chí, nghị lực, anh Tiệp đã gây dựng thương hiệu trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ quế và đưa quế Văn Yên vươn xa ra thị trường quốc tế. Anh là một trong những điển hình doanh nhân tư nhân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nâng tầm giá trị cây quế.
Thiếu tá Đoàn Thị Hạnh (người thứ hai từ trái sang) cùng đồng đội trao đổi tài liệu chuyên môn.

Sống đẹp từ những điều giản dị

Không ồn ào, không phô trương thành tích, nhưng dấu ấn của Thiếu tá Đoàn Thị Hạnh - cán bộ Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lại lặng lẽ khắc sâu trong đồng đội bằng những việc làm thiết thực.
Du khách trải nghiệm trên hồ Thác Bà.

Hứa hẹn bùng nổ du lịch hè

Giữa vô vàn lựa chọn, Yên Bái - cửa ngõ miền Tây Bắc đang nổi lên như một điểm hẹn đầy mê hoặc, không chỉ để “giải nhiệt” mà còn để khám phá những giá trị nguyên bản và sâu sắc. Với những con số tăng trưởng ấn tượng và sự chuyển mình mạnh mẽ trong chiến lược phát triển, du lịch hè Yên Bái 2025 hứa hẹn một mùa bùng nổ.
Lãnh đạo UBND huyện Văn Chấn trao Giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2024 - 2025 cho cô giáo Hà Thị Huyền.

Tấm lòng của núi

Khi ánh bình minh còn e ấp vén nhẹ làn mây mỏng để tia nắng đầu tiên dịu dàng lách qua những rặng núi trập trùng phủ sương của xã Thượng Bằng La - một miền đất yên bình nằm nép mình giữa đại ngàn Văn Chấn cũng là lúc cô giáo Hà Thị Huyền - người con gái dân tộc Tày khoác lên mình tà áo dài giản dị, bắt đầu một ngày mới.
Bà Mai Thị Thu Hương - Bí thư Chi bộ thôn Tiền Phong, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái luôn sát sao với mọi công việc.

Những “ngọn đuốc sáng” trong lòng dân

Với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, những năm qua, nhiều bí thư chi bộ đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Đảng ở cơ sở, nhiệt huyết, trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua. Họ không chỉ là cầu nối vững chắc giữa Đảng với nhân dân mà còn là “ngọn đuốc sáng”, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng phát triển.
Trần Thị Mai Anh (giữa) cùng các đại biểu tỉnh Yên Bái tại Lễ Tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VIII - năm 2025.

Như ánh sao Khuê

Nếu mặt trời mang đến ánh sáng cho ban ngày, sao Khuê thắp sáng màn đêm thì Trần Thị Mai Anh - Giám đốc Hợp tác xã Nhật Khuê chính là sự kết hợp lặng thầm nhưng rực rỡ của cả hai - một ngọn lửa nhỏ bền bỉ cháy lên từ gian khó, một vì sao kiên định soi đường giữa bóng tối số phận.
Du khách trải nghiệm du lịch số qua công nghệ thực tế ảo gắn với bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc

Yên Bái xây dựng hệ thống du lịch thông minh

Trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và xây dựng hệ thống du lịch thông minh, nhằm nâng cao tính cạnh tranh công nghệ của ngành du lịch, tạo ra dịch vụ có giá trị gia tăng cao và tăng tiện ích cho người dân và du khách.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, Yên Bái đang tăng sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực du lịch.

Yên Bái có 26 dự án du lịch được chấp thuận chủ trương đầu tư

Nhằm phát triển du lịch hiệu quả từ nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, thời gian qua, cùng với tăng cường quảng bá, tập trung chọn lọc, giới thiệu những nét nổi bật về tiềm năng, thế mạnh, tỉnh Yên Bái đã chú trọng, quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng du lịch, nhất là tại các khu du lịch trọng điểm để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư.
Cầu Vàng (Đà Nẵng), một trong những điểm du lịch thu hút khách trong và người nước đến tham quan.

Khi du lịch bền vững trở thành hướng phát triển mới

Du lịch bền vững không còn là lựa chọn, mà đang trở thành cách tiếp cận phát triển toàn diện, nơi mỗi hành trình không chỉ để tận hưởng mà còn để đóng góp. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó và đang bước vào làn sóng chuyển đổi một cách chủ động, đầy tiềm năng.
Đồng chí Hoàng Thị Hồng Thương (ngoài cùng bên phải) tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VIII, năm 2025 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bông hoa rực rỡ trong “vườn Bác”

Đồng chí Hoàng Thị Hồng Thương - Bí thư Đoàn xã Đại Minh, huyện Yên Bình thời gian qua luôn nỗ lực rèn luyện, vượt qua khó khăn, trở thành bông hoa rực rỡ trong “vườn Bác”, góp phần xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới “tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn”.
Thiếu tá Hoàng Vũ Trung hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh.

Thiếu tá Hoàng Vũ Trung tận tuỵ vì bình yên của nhân dân

Thiếu tá Hoàng Vũ Trung - Bí thư chi bộ, Trưởng Công an xã Ngòi A, huyện Văn Yên là một trong những điển hình tiêu biểu cống hiến không ngừng nghỉ ở nhiều vị trí công tác, để lại những dấu ấn đậm nét về một người cán bộ công an tận tụy, bản lĩnh, hết lòng vì nhân dân phục vụ.
Đua ngựa Bắc Hà lần thứ 18 thu hút hàng nghìn du khách.

Dấu ấn du lịch Lào Cai trong 10 năm qua

Cách đây một thập kỷ, Lào Cai còn là vùng đất gợi nhắc đến những bản làng heo hút, phiên chợ biên cương và nóc nhà Đông Dương phủ mờ sương lạnh, thì ngày nay, nơi đây đã vươn mình trở thành một trung tâm du lịch năng động bậc nhất khu vực Tây Bắc.
Mùa A Mạnh chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc lê Đài Loan.

Kiên trì tạo thành công

Sau nhiều năm kiên trì, ở tuổi 26, chàng trai trẻ dân tộc Mông Mùa A Mạnh ở bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải đã sở hữu 3ha lê Đài Loan, mang lại thu nhập mỗi năm khoảng trên 100 triệu đồng.
fb yt zl tw