Từ 15h ngày 8/9, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định nới lỏng một số biện pháp sau thời gian kiểm soát dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả. Cụ thể, dừng hoạt động các chốt kiểm soát liên ngành phòng chống dịch COVID-19 tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, dịch vụ internet, cơ sở làm đẹp,… hoạt động bình thường.
Quảng Ninh cũng thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch năm 2020. Theo đó, tỉnh này sẽ tiếp tục bổ sung gói kích cầu du lịch với giá trị khoảng 100 tỷ đồng, bao gồm: Giảm 50% giá vé thu phí vào điểm tham quan và tham quan lưu trú trên vịnh Hạ Long; giá vé thu phí tham quan cho khách du lịch tại các điểm: Bảo tàng Quảng Ninh, Khu di tích danh thắng Yên Tử...
Cũng bắt đầu từ ngày 8/9, tại Phú Yên, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu gồm cơ sở masage, karaoke, vũ trường, quán bar, các điểm truy cập internet, rạp chiếu phim, các khu - điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa,… đã được phép hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng vừa ra quyết định cho phép phương tiện tàu cao tốc hoạt động đưa, đón du khách trên tuyến vận tải biển Sa Kỳ đi huyện đảo Lý Sơn và ngược lại. Các hoạt động nhà nghỉ, khách sạn, di tích, điểm tham quan ở huyện đảo này được mở cửa trở lại để đón du khách.
Kịch bản kích cầu du lịch lần 2 đang "gấp rút" được hoàn thiện
Trao đổi với phóng viên VTV, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, kịch bản kích cầu du lịch lần 2 đã được xây dựng xong, tuy nhiên, Tổng cục vẫn đang gấp rút lấy ý kiến đóng góp từ các địa phương và doanh nghiệp để hoàn thiện. Bởi theo ông Khánh, đối tượng kích cầu và nhu cầu của khách du lịch trong lần trở lại này có sự khác biệt so với lần 1.
"Trước đây mình hướng đến khách du lịch nội địa, "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", thì bây giờ có thêm đối tượng là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Như các chuyên gia nước ngoài sắp đến Việt Nam. Họ sẽ trở thành "khách du lịch nội địa" của mình. Thứ hai là nhu cầu của du khách cũng thay đổi, du khách chú trọng nhiều hơn tới yếu tố an toàn, đặc biệt là sau đợt dịch bùng phát trở lại vừa rồi." – ông Khánh cho biết.
Còn theo ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch, chương trình kích cầu lần 2 sẽ khó tạo được hiệu ứng mạnh, bùng nổ như hồi tháng 6 vừa qua. Bởi hiện tại đã qua mùa Hè – mùa cao điểm du lịch, trẻ con đã đi học trở lại. Bên cạnh đó, tâm lý của người dân đã trở nên e dè hơn rất nhiều. Các đối tượng đi du lịch sẽ chủ yếu là những người trẻ, đi theo nhóm nhỏ, hoặc các gia đình đi ngắn ngày, chủ yếu là cuối tuần và bằng phương tiện cá nhân.
Ông Kiên cho rằng, trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp du lịch đã tạm ngưng hoạt động và đại dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát thì phải cực kỳ cân nhắc chương trình kích cầu, bởi nếu không, sẽ có thể không có lợi cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp trong ngành cũng đồng ý rằng, chương trình kích cầu lần 2 phải chọn cách tiếp cận khác, không kích cầu đại trà, mà theo từng điểm đến, dần xóa bỏ tâm lý e ngại của khách du lịch và chuẩn bị cho mùa du lịch cuối năm.
(Theo VTV)