Theo định hướng quy hoạch chung, hồ Thác Bà (Yên Bái) sẽ trở thành khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu. Đồng thời, là vùng bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa đặc thù của quốc gia.
Theo định hướng này, hiện nay huyện Yên Bình đã và đang đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch trên hồ Thác Bà, tạo điểm nhấn và đem đến những trải nghiệm mới cho du khách và từng bước phát huy danh thắng tuyệt đẹp, được ví như "Hạ Long trên núi" này.
Là một trong bốn hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, với diện tích mặt nước khoảng trên 20.000 ha, cùng hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ, hồ Thác Bà như một bức tranh thiên nhiên vô cùng hùng vĩ. Không những vậy, ven hồ còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như: Kinh, Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan... mang đậm nét văn hóa bản địa độc đáo, riêng có. Trên cơ sở này, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã xây dựng được nhiều tour, tuyến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Ông James Chen, du khách Đài Loan bày tỏ: "Lần đầu tiên đến với hồ Thác Bà, tôi cảm thấy rất bất ngờ với cảnh đẹp nơi đây. Tôi đã đi nhiều nơi, tham quan nhiều khu du lịch, thắng cảnh ở quê hương tôi và cả những quốc gia khác và đây là một trong những nơi làm tôi ấn tượng sâu sắc về phong cảnh và vẻ đẹp tự nhiên. Nếu có cơ hội tôi nhất định sẽ quay trở lại cùng với những người thân của mình".
Hiện nay, có hàng chục doanh nghiệp lớn nhỏ đã và đang đầu tư làm du lịch dựa trên cảnh quan của hồ Thác Bà. Nằm cách trung tâm huyện Yên Bình chỉ vài km, Khu du lịch cộng đồng hồ Thác Bà hay còn gọi là Khu sinh thái Ruby ở tổ 13, thị trấn Yên Bình của Công ty CP Thương mại và du lịch Hồ Thác Bà từ lâu đã được biết đến là nơi tham quan, nghỉ dưỡng độc đáo và đặc sắc của huyện Yên Bình và tỉnh Yên Bái.
Sở hữu không gian thoáng mát ngay bên mặt hồ mênh mông, khu sinh thái Ruby có hệ thống nhà hàng, phòng nghỉ đẹp phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng cuối tuần và sân chơi ngoài trời rộng rãi để du khách có thể checkin và tham gia các trò chơi trải nghiệm trên hồ như lướt thuyền chuối, lướt ván, kéo thảm bay...
Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty cho biết thêm: Du khách cũng có thể thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, thăm các hang động hay công trình thủy điện Hồ Thác Bà bằng tàu du lịch sang trọng và cano chất lượng cao. "Có 8 dân tộc sinh sống vòng quanh hồ Thác Bà, đó là một quần thể văn hóa đặc trưng, khi mà biết khai thác thì đó là một giá trị vô giá", ông cho biết.
Đồng bào dân tộc sinh sống ven Hồ Thác Bà có nhiều nét văn hóa độc đáo, riêng có.
Hiện nay, huyện Yên Bình đã xây dựng rất nhiều tour du lịch hấp dẫn như ngắm cảnh, khám phá hang động trên hồ Thác Bà, du lịch tâm linh, trải nghiệm hoạt động sản xuất với đồng bào các dân tộc bản địa… Ông Nguyễn Tuấn Mạnh, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Yên Bình cho biết: Bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, huyện cũng chú trọng việc bản tồn giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số và các làng nghề truyền thống để thu hút du khách đến trải nghiệm.
"Phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thì huyện tạo điều kiện và chỉ đạo xây dựng các đội văn nghệ dân gian các dân tộc, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ. Chỉ đạo tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa...", ông chia sẻ.
Tính từ đầu năm đến nay, huyện Yên Bình đã thu hút được hơn 272.000 lượt khách du lịch, đạt trên 180% kế hoạch và tăng gần 95% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt gần 165 tỷ đồng. Đây là động lực để huyện Yên Bình nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung tăng cường các giải pháp, phương thức thực hiện để đưa hồ Thác Bà từng bước trở thành thành khu du lịch Quốc gia trọng tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ như kế hoạch đã đề ra.
(Theo VOV)