Cây hành và món dưa hành
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/2/2007 | 12:00:00 AM
YênBái -
YBĐT - Dân gian ta có câu:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Ngay từ ngày xa xưa, dưa hành đã là món ăn thường ngày của người Việt Nam, là món không thể thiếu trong ba ngày tết của dân tộc ta. Sách xưa chép lại rằng: Vào đời Vua Hùng thứ 18, sau một năm lao động, nhà vua truyền cho muôn dân trăm họ mở hội mừng công. Thế là cả nước tổ chức mổ lợn, mổ trâu, mổ bò, mổ gà ăn tết. Kể cả những nhà nghèo quanh năm không đủ miếng cơm, ngày tết cũng được mọi người quan tâm đến. Theo lệnh của nhà vua, một số địa phương đã tổ chức phát chẩn cho người nghèo không có tết. Như vậy là từ đấy có tục lệ “ăn tết”. Rất nhiều người nghèo cả năm đói khát, đến ba ngày tết được ăn nhiều, uống nhiều, đặc biệt là ăn nhiều thịt mỡ. Vì thế sau những ngày tết, nhiều người bị mắc chứng bệnh đầy trướng, đau bụng, đi lỏng. Nhiều người khỏe bụng nhưng do ăn uống không điều độ nên cũng bị rối loạn tiêu hoá.
Trong lúc tình hình sức khỏe của nhân dân đang nguy kịch, thì Lang Liêu - người đã làm chiếc bánh chưng ngày tết của muôn đời - đã hiến kế lấy củ hành cho người bệnh ăn. Không ngờ, hành củ là vị thuốc vô cùng hiệu nghiệm chữa cho muôn dân khỏi bệnh nhanh chóng. Một người nông dân nghèo tên là Thông Bạch đã truyền cho Lang Liêu vị thuốc ấy. Hành củ từ đấy được nhân dân ta gọi là Thông Bạch.
Từ vị thuốc Thông Bạch, nhân dân ta đã chế biến thành món dưa hành dùng trong những ngày tết cổ truyền, đồng thời cũng là món ăn ngon trong các bữa cỗ, bữa tiệc, bữa cơm hàng ngày từ miền xuôi đến miền núi, từ thành thị đến nông thôn.
Nghiên cứu về hành, các nhà sinh hoá học còn cho biết hành có tác dụng làm tăng sự bài tiết dịch vị, góp phần vào quá trình chuyển hoá các chất đạm, đường, mỡ làm cho ăn thấy ngon miệng, chống được các bệnh đầy bụng khó tiêu. Hành còn kích thích thần kinh, ra mồ hôi, lợi tiểu và sát trùng mạnh, được dùng chữa cảm, cúm, nhờ có chất a-li-xun-pít, a-li-xin-phy-tin và a-xít-ma-tic, một a-xít ngăn cản quá trình lên men thối ruột, diệt khuẩn mạnh, chữa được các bệnh về đường tiêu hoá.
Dưa hành là món ăn ngon quan trọng trong bữa ăn của người Việt Nam. Cây hành thật sự là một cây thuốc quý trong vườn thuốc quý của dân tộc.
Phạm Minh Giang
Các tin khác
YBĐT - ở tỉnh Hà Tây có đình Thượng làng Duyên Yết được gọi là “đình chạy lợn”, vì ở đây thường tổ chức lễ hội “chạy lợn” vào dịp sau Tết. Chuyện kể rằng: Đời vua Hùng Vương thứ 18, có một vị tướng tên húy là Nguyễn Hiển, hành quân qua đây để đánh đuổi giặc. Các vị bô lão trong làng đã xin được làm cỗ khao quân. Vị tướng bằng lòng, nhưng yêu cầu phải làm sao thật nhanh để binh sĩ kịp hành quân đuổi giặc.
YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) như một lẵng hoa đẹp. Đến với Nghĩa Lộ, thấy yêu một vùng lòng chảo màu mỡ, thiên nhiên ưu đãi, con người thuần hậu. Những nơi chúng tôi đến đều để lại những ấn tượng khó quên. Những làng văn hoá sinh thái như bản Xà Rèn (Nghĩa Lợi), Nậm Đông (Nghĩa An), các làng dệt thổ cẩm ở các phường Cầu Thia, Tân An, Trung Tâm, Pú Trạng…
YBĐT - Gạo nếp là sản vật đặc biệt của nhà nông, là thứ lễ vật không thể thiếu trong nghi lễ cúng tế của nhiều dân tộc. Người ta không chỉ làm các loại bánh nếp, cơm lam hay những loại xôi như: xôi xéo, xôi lạc, xôi đỗ, xôi gấc, xôi nghệ, xôi vò, xôi dừa... mà mọi người còn chế biến cả loại xôi vừa ngon, bổ dưỡng, trị bệnh lại có nét thẩm mỹ, đó là xôi ngũ sắc. Xôi này thường chỉ làm vào ngày Tết, lễ cúng tế hoặc cưới hỏi.
YBĐT - Tuy có nhiều ý nghĩa, mục đích, nội dung khác nhau mang đặc trưng của từng dân tộc, nhưng tất cả đều có điểm chung là hoạt động vui xuân cộng đồng, với niềm tin và những hy vọng về một năm mới "mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa".