Mù Cang Chải – Mùa hoa tớ dảy

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mùa xuân này lên Mù Cang Chải - huyện vùng cao nằm ở phía tây của tỉnh, ta lại bắt gặp trùng điệp những rừng thông thơ mộng, quanh năm mây phủ cùng với sắc trắng của hoa ban, hoa mận; sắc hồng của hoa đào và hoa tớ dảy nở từng chùm nơi sườn núi. Đất này là nơi sinh sống của trên 95% dân số là dân tộc Mông với những phong tục tập quán văn hoá mang đậm bản sắc vùng cao. Cùng với các cánh rừng nguyên sinh với nhiều loài động thực vật quí hiếm, nơi đây còn có những cảnh quan thiên tạo và nhân tạo làm say đắm lòng người.

Chỉ một lần vãn cảnh nơi này, bạn sẽ có những ấn tượng khó quên về đất, về người mộc mạc nơi đây. Từ thị xã Nghĩa Lộ theo quốc lộ 32 lên Mù Cang Chải giữa buổi xuân, bạn đứng trên đỉnh đèo Khau Phạ thơm hương rừng, gió núi mát rượi ngắm mây bay rập rờn thung sâu, đỉnh núi bỗng dưng cảm thấy tâm hồn thư thái. Bên những bản làng trên sườn non quanh năm mây phủ, bạn sẽ được tận mắt thấy hoa tớ dảy - loài đào rừng chỉ có năm cánh hồng với nhụy dài đỏ rực nở thành từng chùm nhìn mộc mạc mà đẹp đậm đà như tình đất, tình người vùng cao. Tại đây, bạn cũng được nghe kể về đội du kích người Mông của xã Cao Phạ năm xưa một lòng, một dạ theo cách mạng, dũng cảm chống thực dân xâm lược, làm quân pháp kinh hồn bạt vía. Chính các chàng trai, cô gái du kích người Mông năm xưa đã làm nên, kỳ tích một huyện anh hùng trên đất vùng cao.

Vào mùa lúa chín, ở vùng thấp có những ruộng vàng trải rộng thì trên vùng cao Mù Cang Chải là ngút tầm mắt là những đồi vàng ruộng bậc thang sai bông, trĩu hạt. Ruộng bậc thang được coi như một kỳ quan, kiệt tác nghệ thuật của người Mông tạo dựng qua bao đời bằng bàn tay lao động. Người Mông Mù Cang Chải bắt những triền núi cheo leo phải nhả vàng. Nhìn những triền ruộng bậc thang cao ngất vượt lên những đỉnh đồi cao làm say lòng các nhà nhiếp ảnh, ta không thể không cảm phục ở sức sáng tạo và ý chí vươn lên trước thiên nhiên của đồng bào Mông. Cũng từ chuyện nương, chuyện rẫy và ruộng bậc thang của đồng bào Mông còn ẩn chứa bao tập tục hay cho chúng ta tìm hiểu, khám phá. Cách trung tâm huyện không xa có thác Mơ, một thác nước có độ dốc cao quanh năm nước tung bọt trắng xoá. Hay khi cần thư giãn, bạn chỉ cần chuẩn bị chút mồi câu xuôi xuống dòng suối Khao Mang trước trung tâm huyện câu cá. Đi dọc con suối này tìm chốn thả câu bạn sẽ bắt gặp những người dân hiền hậu quăng chài bắt cá. Chỉ ít phút thôi, nổi lửa ven suối thì chuyến píc-níc đầu xuân của bạn thêm thú vị khi tất cả cùng ngồi quanh đống lửa ấm ngày xuân thưởng thức hương vị cá nướng thơm ngọt. Giống cá chỉ ăn rêu đá sống dưới làn nước trong xanh ở vùng cao. Nếu muốn biết về một vùng rừng đa dạng sinh học bạn hãy đến với rừng nguyên sinh Chế Tạo ở xã Chế Tạo, một xã xa nhất của huyện Mù Cang Chải. Đây là các khu rừng nằm ở phía nam dãy Hoàng Liên Sơn, khu vực quan trọng trong bảo tồn hệ động thực vật ở Việt Nam. Nơi này với những cánh rừng nguyên sinh đại thụ có tới 11 loài thực vật đặc hữu quan trọng mà một số nơi đã bị tiệt chủng đang được bảo tồn. Rừng Chế Tạo còn là nơi có quần thể vượn đen tuyền lớn nhất Việt Nam; được các nhà khoa học khẳng định là khu vực ưu tiên cao nhất cho việc bảo tồn thú ở nước ta và bảo tồn linh trưởng thế giới. Không những thế, đây còn là vùng chim đặc hữu bậc hai ở khu vực Bắc Lào và Phan-si-păng.

Khi hoa mận nở trắng nương, hoa đào, hoa tớ dảy chúm chím rực hồng lưng núi là lúc người Mông ở Mù Cang Chải chuẩn bị đón xuân về. Đến các bản làng của người Mông, bước chân vào mỗi ngôi nhà lợp bằng pơ mu bổ dọc, bạn có cảm nhận tết ùa vào từng ngõ ngách ngôi nhà xinh xắn. Các đồ vật trong nhà từ bàn, ghế đến cái cuốc, cái xẻng… đều được dán giấy đỏ. Người Mông làm thế vì họ quan niệm con người được ăn tết thì đồ vật cũng được ăn tết theo… Và còn nhiều tập tục khác nữa mộc mạc nhưng đầy triết lý, chứa đựng chất nhân văn như thế. Đi trong tiếng khèn xuân gọi bạn tình của các chàng trai Mông, bạn dễ dàng hoà vào cuộc vui ném pao với các thiếu nữ Mông dập dìu váy mới, hay nhập cuộc đánh quay với các trai tài tụ hội. Tất cả những âm sắc ngày xuân ở vùng cao Mù Cang Chải sẽ để lại cho bạn những ấn tượng khó phai về một vùng đất, một vùng văn hoá người Mông còn đang ẩn chứa bao điều mới lạ cuốn hút khách phương xa hãy một lần tới đất này trong mùa xuân mới.

Đào Minh  

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Sáng 16/5, UBND thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến của các cơ quan, đơn vị về thúc đẩy phát triển du lịch thị xã.

Nghi thức tế lễ tại Lễ hội giỗ Mẫu đền Tuần Quán

Thành phố Yên Bái là nơi chứa đựng nhiều di tích văn hóa tâm linh có từ nhiều thế kỷ với tín ngưỡng dân gian phong phú, đặc sắc, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu với nhiều lễ hội, nghi lễ và lễ tục đẹp, góp phần tạo điểm nhấn bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.

Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 sẽ được tổ chức vào tháng 6 tới đây.

Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 sẽ được tổ chức vào đúng dịp Tết Đoan Ngọ năm nay. Đây là lần đầu tiên Lễ hội trái cây quy mô cấp vùng được tổ chức tại Tiền Giang.

Ghềnh Đá Đĩa - địa điểm du lịch Phú Yên nhất định phải đến một lần

Nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, quảng bá, truyền thông du lịch Việt Nam, TikTok Việt Nam sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện chương trình truyền hình thực tế “Nét đẹp Việt mùa 2”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục