Rằm tháng Giêng - lễ hội đền mẫu Nam Cường

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/3/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - Ở thành phố hiện nay có nhiều điểm hoạt động văn hóa tín ngưỡng như: Đền Đông Cuông Vọng, Đền Tuần Quán, Chùa Ngọc Am… trong đó có Đền Mẫu, thuộc địa phận xã Nam Cường.

Hội đua thuyền rằm tháng giêng tại lễ hội Đền Mẫu xã Nam Cường.
Hội đua thuyền rằm tháng giêng tại lễ hội Đền Mẫu xã Nam Cường.

Theo sử sách, xã Nam Cường được thành lập ngày 20/1/1916, trước kia thuộc khu Đồng Sấu, trang Cường Nỗ (nay là xã Cường Thịnh), tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Khi mới thành lập, xã chỉ có vẻn vẹn 17 gia đình, 131 nhân khẩu, cộng đồng dân cư xuất xứ từ một số xã thuộc 2 huyện Xuân Trường và Giao Thủy (Nam Định). Vùng đất Nam Cường xưa kia vốn là nơi rừng thiêng nước độc. Để cầu phúc an dân, năm 1923, Đền Mẫu được xây dựng, thờ Thánh Mẫu Linh Từ. Năm 1933, Hội đồng các cụ cao niên trong xã đã về Đền Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương, rước chân nhang Trần Triều Hiển Thánh Hưng Đạo Đại Vương, và chân nhang Công chúa Liễu Hạnh (Tự Mẫu Nghi Thiên Hạ) ở Đền Phủ Giầy - Nam Định về thờ tại Đền Mẫu. Ngôi đền này được các bậc tiền bối chiêu dân lập xã Nam Cường xây dựng để tôn thờ Thánh Mẫu, tỏ lòng tôn kính đối với đất mẹ hiền từ. Kể từ đó, Đền Mẫu - Đình - Chùa Vạn Thắng được đầu tư xây dựng, nằm trong cụm di tích lịch sử văn hóa tâm linh của xã Nam Cường và trở thành các thiết chế văn hóa, gắn liền với đời sống nhân dân và có nhiều hoạt động lễ hội, đặc biệt là Lễ hội Đền Mẫu được tổ chức vào rằm tháng Giêng hàng năm.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Đền Mẫu - Đình - Chùa Vạn Thắng không những là nơi cầu tế cho "quốc thái - dân an", nơi hội họp sinh hoạt làng xã mà trong kháng chiến còn là nơi cán bộ Việt Minh phát động nhân dân đứng lên giành chính quyền về tay cách mạng (tháng 8/1945); là trụ sở làm việc của chính quyền xã từ buổi ban đầu; là kho dự trữ lương thực; là điểm dừng chân của một số đơn vị khi vào giải phóng Điện Biên Phủ; là lớp học trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; nơi tiễn đưa bao lớp thanh niên trong xã lên đường tòng quân. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, các công trình bị bom đạn giặc tàn phá nặng nề. Năm 1998, theo nguyện vọng của Hội Người cao tuổi và nhân dân trong xã, Đền Thánh Mẫu được tôn tạo lại. Năm 2003 và 2006,  Đình làng, Chùa Vạn Thắng cũng được nhân dân đóng góp xây dựng, tôn tạo lại kiên cố và vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc của Đền - Đình xưa kia.

Hàng năm, Lễ hội Đền Mẫu xã Nam Cường được tổ chức vào rằm tháng Giêng, với hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ được khai mạc long trọng nhằm giới thiệu cho các tầng lớp nhân dân và khách thập phương về lịch sử hình thành của Đền Thánh Mẫu, sau đó tổ chức lễ dâng hương của các thủ chiêu và bậc tiền bối có công lập xã. Tiếp đó là lễ mừng thọ cho các cụ cao niên, trao phần thưởng cho các cháu học sinh giỏi là con em trong xã, và lễ thả chim "cầu cho quốc thái - dân an; mưa thuận gió hòa, được mùa tươi tốt". Cũng tại phần lễ, mỗi thôn trong xã đều dâng các sản vật của thôn mình như bánh chưng, bánh dày, các loại hoa thơm và trái ngọt, cùng với du khách thập phương tâm thành dâng hương, cầu cho muôn dân trăm họ mở mang trí tuệ, học rộng tài cao, đời đời phúc đức…

Phần hội tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú như: hội đua thuyền dâng hương, kéo co, hái hoa, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, chọi gà… Lễ hội kéo dài đến tối ngày rằm tháng Giêng, với các tiết mục văn nghệ và thả đèn trời, đèn hoa đăng. Lễ hội Đền Mẫu xã Nam Cường là một trong những hoạt động văn hóa, tinh thần mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tạo không khí phấn khởi, vui tươi trong những ngày đầu xuân đối với nhân dân trong vùng và du khách thập phương xa gần.

 Thu Hồng

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Sáng 16/5, UBND thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến của các cơ quan, đơn vị về thúc đẩy phát triển du lịch thị xã.

Nghi thức tế lễ tại Lễ hội giỗ Mẫu đền Tuần Quán

Thành phố Yên Bái là nơi chứa đựng nhiều di tích văn hóa tâm linh có từ nhiều thế kỷ với tín ngưỡng dân gian phong phú, đặc sắc, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu với nhiều lễ hội, nghi lễ và lễ tục đẹp, góp phần tạo điểm nhấn bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.

Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 sẽ được tổ chức vào tháng 6 tới đây.

Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 sẽ được tổ chức vào đúng dịp Tết Đoan Ngọ năm nay. Đây là lần đầu tiên Lễ hội trái cây quy mô cấp vùng được tổ chức tại Tiền Giang.

Ghềnh Đá Đĩa - địa điểm du lịch Phú Yên nhất định phải đến một lần

Nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, quảng bá, truyền thông du lịch Việt Nam, TikTok Việt Nam sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện chương trình truyền hình thực tế “Nét đẹp Việt mùa 2”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục