Với nhiều nội dung được lồng ghép trong cùng một sự kiện có quy mô cấp tỉnh, công tác chuẩn bị đang được gấp rút hoàn thiện.
Đến thời điểm này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn các đơn vị tuyên truyền về sự kiện; tiếp thu, chỉnh sửa khẩu hiệu tuyên truyền theo ý kiến thẩm định của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để ban hành văn bản chỉ đạo phòng văn hóa và thông tin các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền về sự kiện.
Sở cũng đã xây dựng kịch bản phần lễ trong chương trình khai mạc; dự thảo các bài phát biểu của lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh. Tổ tư vấn các chương trình nghệ thuật năm 2023 của Sở đã tiến hành thảo luận các nội dung chương trình nghệ thuật, ma két sân khấu, từ đó, ban hành Văn bản số 1795/VHTTDL-QLVH về việc thẩm định chi tiết kịch bản tổng thể chương trình nghệ thuật, maket sân khấu chương trình nghệ thuật đề nghị UBND huyện Mù Cang Chải nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện kịch bản chương trình để xin ý kiến của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Tại huyện Mù Cang Chải, mặc dù là huyện vùng cao, dân cư phân tán, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn song huyện đã huy động được hơn 1.200 diễn viên, học sinh, nghệ nhân tích cực tập luyện cho hoạt động diễu diễn đường phố và các hoạt động bổ trợ trong khuôn khổ sự kiện; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tổ chức sự kiện để có một chương trình nghệ thuật hoành tráng nhưng vẫn mang sắc màu văn hoá đặc trưng của người Mông.
Nhân dân các thôn, bản cũng đang khẩn trương vệ sinh nhà cửa, trang hoàng đường làng, ngõ xóm chuẩn bị đón Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho 2 kho báu của dân tộc trong niềm tự hào, hân hoan.
Ông Trịnh Thế Bình - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết: "Phòng đã tham mưu cho huyện tổ chức khảo sát thực tế địa điểm tổ chức sự kiện là sân vận động huyện để chỉnh trang lại cơ sở vật chất, bố trí 1.200 chỗ ngồi cho nhân dân và du khách tại các khán đài; liên hệ với Công ty cổ phần Du lịch và Thể thao Viên Nam thống nhất các nội dung sẵn sàng thực hiện hoạt động bay dù lượn tại đèo Khau Phạ.
Ngoài ra, các hoạt động bổ trợ như: tái hiện không gian văn hóa dân tộc Mông; giao lưu, trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể của người Mông; Hội thi Múa khèn tốp; trải nghiệm giã bánh dày cũng đã xây dựng kịch bản gửi các đơn vị phối hợp xin ý kiến và tổ chức thực hiện theo kế hoạch”.
Cùng với chính quyền địa phương, các cơ sở lưu trú, homestay, nhà hàng trên địa bàn huyện cũng đã chủ động các điều kiện cần thiết, đón tiếp, phục vụ du khách, xây dựng hình ảnh đẹp về con người Mù Cang Chải thân thiện, hài hòa, mến khách.
Anh Thào A Su - chủ homestay A Su ở xã La Pán Tẩn cho biết: "Vào thời điểm này mọi năm, hoạt động du lịch không còn sôi nổi như đợt tháng 9, tháng 10 nữa. Nhưng với việc tỉnh tổ chức hàng loạt các chương trình, sự kiện mới, quy mô lớn, hứa hẹn sẽ thu hút khách du lịch đến địa phương. Vậy nên mình đã tổ chức vệ sinh phòng, cảnh quan xung quanh và liên kết với các hộ dân tìm nguồn thực phẩm tươi, sạch, đảm bảo để đón khách. Mùa này, tuy không có ruộng bậc thang nhưng hoa tớ dày nở rộ cùng với hành trình săn mây sẽ là một trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến Mù Cang Chải”.
Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Yên Bái xây dựng các phương án đảm bảo cung cấp điện phục vụ sự kiện, trong đó có phương án đảm bảo điện tại các địa điểm hợp luyện, sơ duyệt, tổng duyệt và thời gian khai mạc chính thức, đồng thời có phương án cụ thể khi xảy ra sự cố về điện. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã được lên phương án, giao cho các đơn vị triển khai thực hiện.
Với sự chuẩn bị chu đáo của cả hệ thống chính trị và nhân dân, sự kiện lần này không chỉ đánh dấu, khép lại một năm du lịch nhiều ấn tượng của Mù Cang Chải mà còn là niềm tự hào của cộng đồng người Mông 3 huyện phía Tây tỉnh Yên Bái.
Hoài Anh