Vườn quốc gia Núi Chúa - rừng khô hạn độc đáo nhất ở Việt Nam
- Cập nhật: Thứ hai, 28/5/2007 | 12:00:00 AM
Tại vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa (Ninh Thuận), nơi được đánh giá là rừng độc đáo duy nhất và đặc trưng cho hệ sinh thái khô hạn ở Đông Nam Á, chúng tôi đã chứng kiến nhiều điều kỳ lạ về sức sống của các loài cây...
Biển xanh nằm sát cạnh rừng hoang mạc.
|
Rừng khô hạn châu Phi ở Việt Nam
Dù đang chuẩn bị vào mùa mưa nhưng thời tiết ở TP Phan Rang vẫn nóng và khô. Theo chân anh Phạm Văn Xiêm - cán bộ VQG Núi Chúa - vào thăm VQG Núi Chúa, đập vào mắt chúng tôi là những đụn cát trải dài và... đá. Có đến hàng nghìn tảng đá với nhiều kích cỡ được dựng đứng, xếp chồng, tạo dáng một cách khốc liệt và dữ dội. Trên cái nền khô hạn ấy, rừng bán hoang mạc với nhiều loài cây bụi, thân lá cằn cỗi và đầy gai góc đang bám trụ vào đất và tạo thành... rừng.
Một cán bộ của VQG kể: cách đây vài năm, một nhà khoa học người Đức hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ về rừng khô hạn Núi Chúa, đã đến vườn và mang theo máy đo áp suất hút nước của lá để tính mức độ khô hạn của khí hậu. Khi tiến hành đo, ông nhận được con số cao đến mức... không thể tin được và cho là máy đã bị hỏng. Thế nhưng sau khi kiểm tra thấy máy vẫn hoạt động bình thường, nhà khoa học đã kinh ngạc khi thấy khí hậu ở nơi này khô hạn không khác gì châu Phi.
Vườn quốc gia Núi Chúa được thành lập vào năm 2003 với diện tích tự nhiên gần 30.000ha (phần đất liền khoảng 22.500ha và phần biển khoảng 7.500ha) với quần thể núi nằm ven biển. Vườn cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 20km, được xem là mẫu chuẩn về hệ sinh thái khô hạn của các nước. |
Sức sống của những loài thực vật ở nơi khô hạn này rất mãnh liệt và dai dẳng, không chỉ có chòi lòi, dọc hai bên đường đi là những loài cây chỉ còn trơ bộ xương khô: cây găng néo, găng nhung.
Theo anh Xiêm, khi mùa khô đến, nhiều loài thực vật ở khu rừng bán hoang mạc này gần như chết héo, thế nhưng khi thời tiết trở nên lành hơn, chỉ cần một vài trận mưa tắm tưới là chúng sống khỏe mạnh trở lại.
Biển xanh nằm cạnh rừng hoang mạc
Cây cằn cỗi như bonsai như được tạo hình bên đá núi.
Càng lên cao theo dốc núi, cây cối càng trở nên xanh tươi hơn, chủ yếu là cây bụi gai mọc liên kết thành từng mảng. Điều bất ngờ là ở khu vực này còn có một góc rừng mọc toàn là mai. Nấp mình bên khe đá, hút dinh dưỡng của đất khô cằn nhưng tết đến là mai nở vàng rực cả một góc núi, làm ngẩn ngơ những người đi rừng.
Ở độ cao 1.000m, quần thể núi Chúa Anh và ba núi Chúa Em nhờ được hứng toàn bộ nước mưa nên nơi đây rất phong phú các loài động thực vật rừng. Để đến được đỉnh Chúa Anh cao 1.039m so với mặt nước biển, người đi sẽ được chứng kiến đến sáu kiểu rừng: từ rừng khô hạn cho đến kiểu á nhiệt đới rừng. Ở độ cao 800m đã thấy xuất hiện cây gỗ lá kim như: cây kim giao, hoàng đàn giả, thông tre, thanh tùng...
Điều khá lạ là ở khu vực này, theo các cán bộ kiểm lâm của VQG Núi Chúa, chỉ xuất hiện duy nhất một cây hoàng đàn giả, loại cây thân gỗ có dáng đẹp, thường xuất hiện nhiều ở vùng núi Trường Sơn. Cây hoàng đàn giả ở VQG Núi Chúa to lớn, tỏa bóng mát sum suê và có cả trái, nhưng dù đã cất công lùng sục, tìm kiếm khắp khu vực quanh đó, cán bộ kiểm lâm vẫn chưa tìm ra được cây con của loại cây này. Lan rừng ở khu vực này có trên 100 loài, trong đó có nhiều loài lan hài quí hiếm. Chim cũng có khá nhiều loài, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều loài quí hiếm như cò thìa. Động vật ở đây cũng có nhiều loài quí hiếm như gấu, báo gấm, voọc ngũ sắc...
Chính hệ sinh thái khô hạn cằn cỗi của vùng núi này lại tạo nên một sự tương phản khá kỳ thú. Sát ngay với rừng cây hoang mạc là biển quanh năm xanh biêng biếc.
(Theo TTO)
Các tin khác
Khu du lịch sinh thái Ngọc Châu (số 2-4 Trần Phú, Bảo Lộc, lâm đồng) đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Công viên đá độc đáo nhất Việt Nam” vào năm 2005.
Là đất nước có một nền văn hoá lâu đời, nước Nga nổi tiếng với rất nhiều lễ hội đặc sắc. Những lễ hội ấy phản ánh nét sinh hoạt mùa màng của nền nông nghiệp vùng ôn đới, của xứ sở của bạch dương và tuyết trắng.
Gỏi da bò là có thể coi là món ăn đặc trưng của thị trấn Phú Phong, huyện Sơn Tây, tỉnh Bình Định. Chọn da bò non mềm, trộn gỏi chua ngọt với gừng, chanh. Món gỏi ăn kèm bánh tráng mè đen.
Ở đỉnh cao 3.099m của núi Nga My, nhìn xuống lòng chảo sâu cao nguyên Thanh - Tạng bao quanh mây phủ, núi đồi trập trùng, trăm hoa đua nở, có cảm giác mình thật bé nhỏ trước thiên nhiên.