Trạm Tấu đậm đà bản sắc Lễ hội Gầu Tào của người Mông

  • Cập nhật: Chủ nhật, 18/2/2024 | 3:09:30 PM

YênBái - Trong không khí tưng bừng của những ngày đầu xuân, sáng 18/2 (tức mùng 9 tháng Giêng Giáp Thìn), tại huyện Trạm Tấu đã diễn ra lễ hội Gầu Tào năm 2024. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của huyện vùng cao Trạm Tấu, thể hiện đặc sắc các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Mông nói chung, của người Mông Trạm Tấu nói riêng.

Dự Ngày hội có đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các ban sở ngành,địa phương trong tỉnh và một số huyện lân cận của tỉnh Sơn La.


Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (bên trái) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Trạm Tấu tham dự Lễ hội.

Ngay từ sáng sớm ngày 18/2, dòng người đã đổ về với sân vận động huyện nơi tổ chức Lễ  hội Gầu Tào huyện Trạm Tấu năm nay. Ai ai cũng rất tưng bừng, phấn khởi. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của huyện vùng cao Trạm Tấu. Không chỉ người dân các xã trong huyện mà rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đã dồn về Ngày hội với tâm trạng háo hức, mong chờ cùng những cảm nhận mới mẻ, đáng nhớ.

Mở đầu Lễ hội là lễ cúng được thực hiện theo phong tục dân tộc Mông do nghệ nhân Giàng A Su thực hiện với nội dung: "Tạ ơn thần núi, thần đất, thần trời, thần suối đã cho đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu một năm có nhiều điều tốt lành, mùa màng bội thu và cầu xin thần linh tiếp tục phù hộ độ trì cho đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu một năm mới nhiều may mắn...”.


Nghệ nhân Giàng A Su thực hiện nghi lễ.

Trong phần nghi lễ này, phần chuẩn bị lễ vật cúng, cây nêu, đội múa khèn phục vụ nghi lễ và biểu diễn được xã Bản Mù chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là việc chọn cây nêu cho Ngày hội với yêu cầu phải đẹp, đầy đủ nghi thức… Những nghệ nhân khèn Mông điêu luyện của địa phương nhiều ngày trước đó đã hướng dẫn luyện tập cho đội khèn gồm 10 diễn viên của xã để tham gia biểu diễn tại Lễ hội. Phần lễ vật cúng tuân theo truyền thống gồm: 1 con gà trống to, 1 chai đựng rượu bằng ống nứa, 4 chén đựng rượu bằng ống nước, 12 bó hương, nước, giấy cúng và một số vật dụng khác.

Nghi lễ đặc sắc và được chú ý nhất trong Lễ hội Gầu Tào chính là lễ dựng cây nêu ở trung tâm nơi tổ chức lễ hội, hướng cây nêu về phía mặt trời mọc với nhiều ước nguyện: tạ ơn thần Núi, thần đất, thần Trời, thần Suối đã cho đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu một năm nhiều tốt lành, mùa màng bội thu và cầu xin thần linh tiếp tục phù hộ độ trì cho đồng bào một năm mới nhiều may mắn. 

Cây nêu phải là thứ cây thẳng, dáng đẹp, sống độc lập. Năm nay, cây được đồng bào lựa chọn là cây Tô hạp có dáng thẳng tắp, đốt cây khỏe khoắn dài lên tận ngọn khoảng trên 20 m. Thân cây được trang trí 3 màu xanh đỏ tượng trưng cho sự tươi đẹp của đất trời, khí hậu, hoa trái. Để có được cây nêunày, nghệ nhân Giàng A Su đã đi xem cây và chọn ngày, giờ để chặt cây từ hôm trước. 


Người dân tham gia ném pao quanh cây nêu tại Lễ hội Gầu Tào huyện Trạm Tấu năm 2024.

Lễ hội Gầu Tào của người Mông là lễ cúng tạ ơn thần linh, thổ địa, tạ ơn trời đất đã phù hộ cho dân bản cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu, ngô lúa đầy sàn... Nghi lễ này đã được đồng bào Mông huyện Trạm Tấu tổ chức mỗi dịp đầu xuân, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông. UBND huyện Trạm Tấu cũng thường xuyên quan tâm bảo tồn, phục dựng để Lễ hội trở thành điểm đến vui xuân cho người dân, du khách; đồng thời quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa, con người, du lịch tại địa phương. 

Sau khi phần lễ được thực hiện trang trọng theo phong tục dân tộc Mông, phần hội gồm các tiết mục văn nghệ và các môn thể thao truyền thống như: kéo co, đẩy gậy, đánh quay,  lẩy pao,  các trò chơi dân gian của dân tộc Mông  và thi giã bánh dày thu hút đông đảo nhân dân ở 10 xã vùng cao của huyện tham gia.  Hòa trong không gian rộng lớn, rực rỡ sắc màu là tiếng reo hò cổ vũ, niềm vui, niềm tự hào vì ngày hội đã  tái hiện sinh động, đầy đủ bức tranh văn hóa của đồng bào dân tộc Mông trong huyện. Mỗi người dân và du khách có mặt trong Ngày hội vô cùng phấn khích khi được đắm mình trong trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc của người Mông.

Lễ hội Gầu Tào không chỉ là nơi để thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn nâng cao đời sống tinh thần cho người dân thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Mông huyện Trạm Tấu nói riêng và các tỉnh vùng cao Tây Bắc nói chung. Qua đó để cùng nêu cao trách nhiệm bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của Lễ hội.

Văn Dương - Trung Quân - Thu Hằng 

Tags Trạm Tấu Gầu Tào Giáp Thìn Yên Bái Lễ hội dân tộc Mông

Các tin khác

Sáng nay - 18/2 (tức mồng 9 tháng Giêng Giáp Thìn), tại sân vận động trung tâm xã, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn tổ chức Lễ hội cầu mùa năm 2024 với sự tham gia của hàng nghìn người dân và du khách. Đặc biệt, màn đại Dậm thuông với 6 điệu dậm cổ của dân tộc Tày có sự tham gia của gần 800 nghệ nhân, diễn viên của các thôn trên địa bàn xã. Đồng chí Hoàng Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã tham dự Lễ hội.

Nghi lễ dâng chúc văn tại Lễ hội đình Phúc Hoà, xã Hán Đà

Sáng 17/2 (tức mùng 8 tháng Giêng Âm lịch), huyện Yên Bình tưng bừng tổ chức Lễ hội đình Phúc Hòa, xã Hán Đà.

Màn múa Dậm Thuông trong Lễ hội Xo may

Lễ hội Xo May (cầu may) của xã Mường Lai năm nay sẽ tái hiện Lễ đón dâu của người Tày với hình thức sân khấu hóa; Màn Dậm Thuông tăng lên 300 diễn viên và có thêm phần múa quạt. Có thêm hoạt động chọi dê và bắt trạch trong chum để nhân dân và du khách trải nghiệm.

Nghi thức tế lễ tại đình Khả Lĩnh, xã Đại Minh.

Sáng 16/2 (tức mồng 7 tháng Giêng âm lịch), xã Đại Minh, huyện Yên Bình đã tưng bừng tổ chức Lễ hội Đình Khả Lĩnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục