Một ngày ở Suối Giàng

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/4/2024 | 9:45:02 AM

YênBái - Hẹn hò, sắp xếp mãi, nhóm bạn chúng tôi mới có cơ hội đến với xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn trong tiết trời còn chút se lạnh cuối xuân. Và sau đó là những trải nghiệm tuyệt vời, thật khó quên...

Du khách trải nghiệm tại Homestay Bản Mới.
Du khách trải nghiệm tại Homestay Bản Mới.

Cung đường quanh co, uốn lượn. Bên đường, những vạt chồi non vươn mình sau giấc ngủ đông, những đồi chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi khoác lên mình tấm áo mới. Một ngày trọn vẹn ở Suối Giàng được chiêm ngưỡng cảnh đẹp, thưởng thức món ăn của người bản địa hay ngồi bên bếp lửa bập bùng, nhâm nhi chén trà Shan tuyết thơm hương... Đó là những trải nghiệm tuyệt vời, thật khó quên.

Thú vị Suối Giàng

Đến địa bàn huyện Văn Chấn lúc 14 giờ chiều, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Suối khoáng nóng bản Hốc, xã Sơn Thịnh. Ngâm mình trong làn khoáng nóng, bạn Thanh Huyền đến từ tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: "Mình thấy rất hào hứng khi được tắm khoáng tại đây. Tuy ban đầu hơi nóng chút nhưng quen dần, cảm giác mệt mỏi tan biến thay vào đó là cảm giác thật thú vị”. 

Sau đó thì chúng tôi xuất quân lên Suối Giàng. Không chắc lắm đến vào mùa này sẽ đẹp, nhưng khi đi trên con đường uốn lượn, ôm theo sườn núi đến đỉnh núi mờ sương, không khí trong lành, dịu mát khiến tôi có cảm giác thư thái đến lạ. Suối Giàng buổi tối càng tuyệt! Giữa tiết trời se lạnh, nhấm chút rượu men lá được người Mông chưng cất bằng cả tinh tuý của đất trời, chúng tôi cùng thưởng thức những món ăn đậm chất núi rừng như: thịt trâu gác bếp, lợn cắp nách, cá suối, gà đen, rau rừng, măng sặt, nộm rau dớn, xôi nếp Tú Lệ… Ấn tượng nhất là những món ăn chế biến từ búp chè Shan tuyết như: thịt cuốn lá chè nướng, lá chè non ăn sống kèm các loại rau thơm, "tôm chiên".... mang hương vị say lòng đến khó quên. Đêm đến, khi làn sương mỏng như chiếc khăn voan trắng muốt hững hờ vắt ngang sườn núi, khi từng cơn gió lành lạnh mơn man cũng là lúc chúng tôi lại chuyện trò vui vẻ bên bếp than hồng, giữa núi rừng bao la, giữa lung linh huyền ảo của ánh sao và đèn đêm.


Tỉnh giấc giữa nồng nàn hương rừng, đoàn chúng tôi tiếp tục chiêm ngưỡng  vườn chè cổ, nhiều cây có tuổi tới hơn 300 -500 năm, những thân xù xì, trắng mốc, bám chắc rễ trên sườn núi cheo leo, làm nên cảnh sắc vườn chè cổ thụ trở nên độc đáo. Đến đây, nhóm bạn chúng tôi không chỉ "phiêu” dưới tán chè cổ thụ mà còn được trải nghiệm hoạt động hái chè, sao chè, thưởng trà. "Nhấm nháp vị chát rồi tận hưởng dư vị ngọt của chè Shan tuyết, thật không có gì thú vị bằng, trong bát nước chè xanh hội tụ đủ vị ngon mà chưa bao giờ được nếm thử” - bạn Văn Nam đến từ tỉnh Vĩnh Phúc cho hay. 

Đến với Suối Giàng, chúng tôi được tận hưởng dịch vụ ăn, nghỉ ngay sát những nương chè cổ thụ, với Không gian văn hóa trà Suối Giàng. Từ Không gian văn hóa này, chúng tôi được phóng tầm mắt ngắm nhìn những mái nhà của người Mông ẩn hiện giữa mây núi, thưởng trà qua một quy trình pha rất cầu kỳ do chính những nghệ nhân đã kinh qua các lớp đào tạo về nghệ thuật pha trà thực hiện. "Còn gì tuyệt hơn khi thức dậy buổi sáng thưởng thức tách trà Shan tuyết thơm ngon, đậm đà và ngắm cảnh bình minh giữa núi rừng đại ngàn Tây Bắc” - cô bạn Cẩm Bình đến từ Thanh Hóa cho biết.

Nằm ở độ cao gần 1.400 mét so với mặt nước biển, Suối Giàng có khí hậu mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ trung bình thường thấp hơn khu vực huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ từ 8 - 10oC. Một ngày ở Suối Giàng, chúng tôi cảm nhận được đủ bốn mùa trong năm. Ban đêm, trời se lạnh; sáng sớm mây mờ che phủ bồng bềnh khắp các bản làng; buổi trưa trời trong xanh, lộng gió và buổi chiều, nắng vàng trải mượt các sườn đồi. Bởi thế, khí hậu ở Suối Giàng có thể sánh với Sa Pa, Đà Lạt. Không chỉ có khí hậu mát mẻ, Suối Giàng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và những nét văn hóa độc đáo của người Mông, người Dao, người Thái. Suối Giàng là một điểm đến lý tưởng để chúng tôi tạm quên những mệt mỏi, ưu phiền của cuộc sống.


Du khách trải nghiệm tại Suối Giàng.

Triển vọng phát triển du lịch trải nghiệm 

Không chỉ cảnh sắc thiên nhiên, người dân nơi đây rất thân thiện mến khách, các homestay phục vụ tận tình, chu đáo. Homestay của gia đình anh Lương Xuân Việt, thôn Bản Mới - điểm đến lý tưởng mà đoàn chúng tôi lựa chọn cũng đã chuẩn bị những món ăn ngon của người bản địa thơm hương gia vị mắc khén, dổi rừng. 

Anh Việt cho biết: "Từ phong trào "bỏ phố lên núi” năm 2022, mình quyết tâm lên xã Suối Giàng xây dựng homestay, lấy tên homestay Bản Mới. Mình cũng cùng 9 hộ xây dựng homestay Ena phục vụ du khách. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, mình đã học hỏi kinh nghiệm từ các homestay có tiếng và tham gia các lớp học của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về lĩnh vực du lịch homestay, du lịch trải nghiệm để có kinh nghiệm làm du lịch. Vì vậy, mùa nào gia đình mình cũng kín khách”.

Ông Lường Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết: "Những năm gần đây, Suối Giàng đầu tư mạnh mẽ nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, nhất là đối với các cơ sở homestay và kinh doanh dịch vụ, hướng tới các dịch vụ trải nghiệm. Hiện trên địa bàn, ngoài Không gian văn hóa trà, xã đã xây dựng 2 khu du lịch hang động là Cốc Tình và Thiên Cung cùng 25 homestay phục vụ nhu cầu của du khách tham quan, nghỉ dưỡng. Mỗi năm, Suối Giàng đón hàng chục nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng".

Đồng thời, xã Suối Giàng cũng tổ chức nhiều hoạt động để tôn vinh văn hóa truyền thống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông trong nền văn hóa Việt Nam như: Ngày Gala Ngày hội Hạnh phúc, Lễ tôn vinh cây chè tổ, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương… Đồng thời, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch địa phương.

Một ngày trải nghiệm ở Suối Giàng, được thưởng thức các dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi tại nơi này đã mang đến cho chúng tôi cảm giác tuyệt vời, những kỉ niệm khó quên. Tin rằng với tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng và sự năng động sáng, dám nghỉ, dám làm của con người nơi đây, Suối Giàng sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai không xa...


Minh Huyền

Tags Suối Giàng Văn Chấn du khách trải nghiệm tắm khoáng nóng

Các tin khác
Công viên địa chất Lạng Sơn có vẻ đẹp hài hoà giữa thiên nhiên và cuộc sống con người

Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu; đồng thời, triển khai các giải pháp bảo tồn, khai thác bền vững Công viên địa chất Lạng Sơn, đặc biệt là khai thác phát triển du lịch.

Phát huy lợi thế mùa hoa sơn tra, người dân Mù Cang Chải phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. Trong ảnh: Các hộ dân nuôi ong dưới tán cây sơn tra.

Mùa xuân ấm áp, đánh thức muôn hoa khoe sắc. Trong bức tranh thiên nhiên rực rỡ ấy, tại các huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu của tỉnh lại nổi bật vẻ đẹp tinh khôi, dịu dàng của hoa sơn tra (táo mèo).

Du khách nước ngoài thích thú khi được khám phá bản làng, nét văn hóa của người Thái ở Mường Lò, Nghĩa Lộ.

Trong quý I, lượng du khách đến Yên Bái đạt trên 693.000 lượt, tăng 66% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đến Yên Bái đạt 82.621 lượt, tăng gấp 6 lần cùng kỳ năm 2023.

Huyện Lục Yên đã hỗ trợ 45 triệu đồng cho lớp truyền dạy hát Khắp cọi của dân tộc Tày xã Mường Lai. (Trong ảnh: Nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn (xã Mường Lai) với bộ sưu tầm khoảng 350 bài khắp cọi, trên 300 bài hát ví quan làng của mình.)

Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, sau 3 năm thực hiện, đến nay, huyện Lục Yên đã có 3/11 chính sách được triển khai với tổng kinh phí hỗ trợ 771.000.000 đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục