- Lễ hội nói chung thường gắn với truyền thống, và chắc hẳn Lễ hội Bia Việt Nam không phải ngoại lệ. Xin ông cho biết tiền đề để có Lễ hội Bia Việt Nam 2007?
Lễ hội Bia trên thế giới được biết đến như một sự kiện truyền thống và văn hoá đặc sắc. Lễ hội Bia Rượu của người Ai Cập cổ có từ năm 1479 trước Công nguyên, Lễ hội Oktoberfest - lễ hội bia lớn nhất thế giới được biết đến gần 200 năm nay, tổ chức hàng năm tại thành phố Munich Đức.
Tại Việt Nam, ngành bia có lịch sử và truyền thống trên 115 năm với hai nhà máy bia của Pháp xây dựng phía Bắc và phía Nam từ những năm 1890. Đến nay, ngành bia đã phát triển thành một ngành kinh tế mạnh của đất nước, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho một lượng lớn người lao động và quan trọng đã đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng, giúp cho đời sống tinh thần của họ ngày càng nâng cao.
Việc tổ chức Lễ hội Bia Việt Nam đã được lên ý tưởng và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện từ năm 2001, sau khi Hiệp hội Bia Rượu NGK Việt Nam tổ chức thành công Hội chợ Đồ Uống quốc tế Việt Nam năm 2000. Từ đó đến nay, Hội chợ Đồ Uống Việt Nam và Vietfood & Drink liên tục được tổ chức hằng năm. Đầu năm 2007 Hội chợ - Lễ hội Rượu Hoa và Câu đối Tết đã tổ chức thành công. Từ những cơ sở trên, Bộ Công nghiệp và Bộ Văn hoá Thông tin đã thống nhất bảo trợ cho Hiệp hội tổ chức Lễ hội Bia Việt Nam 2007.
- Lễ hội Bia Việt Nam 2007, có những nội dung gì, thưa ông?
Lễ hội mang tính quốc gia và sẽ được tổ chức 2 năm một lần, là nơi quy tụ những thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước. Lễ hội Bia Việt Nam là một hoạt động thiết thực, tôn vinh những thương hiệu bia hàng đầu có mặt tại Việt Nam, một sân chơi bình đẳng với mọi DN từ sản xuất đến thương mại, mang đến cho người tiêu dùng cơ hội thưởng thức những sản phẩm tuyệt hảo, đưa họ đến với những cuộc thi hấp dẫn, và đặc biệt mục đích hướng tới của lễ hội là công tác từ thiện mà ngành bia Việt Nam cùng chung tay góp sức cho xã hội và cộng đồng. Lễ hội Bia Việt Nam 2007 sẽ được khai mạc khá ấn tượng và hoành tráng, đêm nhạc từ thiện Festival Beer Việt Nam - Trái tim Vàng được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Hội thảo phát triển ngành Bia Việt Nam, buổi giao lưu GalaDinner giữa các hãng bia hàng đầu và các khách hàng, buổi trình diễn trang phục PG đẹp của các hãng bia và một số cuộc thi hấp dẫn như: Kỷ lục về uống bia nhanh và nhiều, cuộc thi khoẻ và khéo. Ngoài ra tại các gian hàng, khu vực của các hãng bia cũng có một số hoạt động do họ tự tổ chức để thu hút và phục vụ khách tham dự lễ hội.
- Liệu cuộc thi kỷ lục về uống bia nhanh và nhiều có ảnh hưởng đến văn hoá uống mà lễ hội hướng tới hay không, thưa ông?
Cuộc thi kỷ lục về uống bia đã được chuẩn bị kỹ về quy chế cũng như kịch bản, nó chỉ diễn ra trong một thời lượng nhất định đối với kỷ lục uống nhiều và đặt mức tối đa là 10 cốc bia đối với kỷ lục uống nhanh. Người tham gia cũng như đội thi được thông báo quy chế về cuộc thi, trong đó vấn đề sức khoẻ được đặc biệt coi trọng. Chính vì vậy đây chỉ là một cuộc thi mang tính chất giao lưu và không ảnh hưởng đến văn hoá uống mà lễ hội hướng tới.
- Vẫn còn có những tranh luận: Có hay không văn hoá bia? Ý kiến của ông thế nào?
Theo tôi, "văn hoá bia" là chắc chắn có. Bia đã trở thành đồ uống giải khát, chia sẻ, thưởng thức không thể thiếu được trong đời sống của người dân Việt Nam. Mỗi một vùng miền chúng ta đều tự hào về những loại bia mà mình yêu thích, và bia đã trở thành một nét văn hoá không thể thiếu trong sở thích ẩm thực của người dân Việt. Văn hoá bia thể hiện từ văn hoá thương hiệu của nhà sản xuất đến văn hoá ẩm thực của người tiêu dùng. Thương hiệu bia đến từ vùng đất nào trên thế giới cũng vẫn mang được màu sắc văn hoá riêng có.
- Đấy phải chăng là nét văn hóa bia nói chung? Còn Bia Hà Nội thì sao, thưa ông?
Bia Hà Nội cũng có nét văn hoá riêng rất đặc thù của nó. Người Hà Nội khi đi xa về đều rất nhớ và muốn uống bia Hà Nội. Bia Hà Nội được nhiều tầng lớp ưa chuộng. Nó có mặt từ nơi bình dân đến những nhà hàng cao cấp, và có một đặc điểm rất khó quên là nó được uống trong những chiếc cốc vại thuỷ tinh, loại cốc có từ vài chục năm về trước. Chính vì vậy, những chiến dịch quảng cáo chung của chúng tôi đều gắn với slogan: "Bia Hà Nội - Một nét văn hoá Hà Nội".
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này và chúc cho Lễ hội Bia 2007 thành công tốt đẹp!
(Theo VnMedia)
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu