Tháp Nhạn Tuy Hòa

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/8/2007 | 12:00:00 AM

Nếu như thành phố Nha Trang tự hào có Tháp Bà cổ kính bên cầu Xóm Bóng, Phan Rang có Tháp Chàm thì thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) cũng có thể tự hào với Tháp Nhạn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt trên núi Nhạn, soi bóng xuống dòng Đà Giang trong xanh, thơ mộng và trữ tình.

Tuy Hòa, thành phố ven biển nhỏ nhưng duyên dáng. Núi Nhạn như một hòn non bộ giữa lòng thành phố. Truyền thuyết về núi Nhạn có rất nhiều, tuy nhiên, từ xa trông về, núi rất giống hình con chim nhạn đang thu mình chuẩn bị bay bổng lên trời cao. Để lên được tháp có rất nhiều đường, con đường chính rất rộng, dễ đi mọi phương tiện đưa du khách tiếp cận đến chân tháp thuận tiện nhất. Ngôi tháp hiện ra trông đồ sộ, cổ kính trong khuôn viên khoảng 1.000m2, xung quanh được lát gạch sạch sẽ.

Theo sử cũ ghi lại, tháp được dựng lên từ thời chúa Nguyễn Hoàng khoảng từ năm 1578 – 1580. Nhiều nhà khoa học còn phỏng đoán tháp này cùng thời với Tháp Bà Pônaga ở Nha Trang vì các viên gạch ở Tháp Nhạn và Tháp Bà giống nhau về sức chịu đựng, sự tàn phá của thời gian. Tháp Nhạn cao khoảng 15m, hình chóp nhọn, đầu hơi tà vì tảng đá đặt trên nóc tháp trong thời chiến tranh đã rơi xuống. Ngày nay, đỉnh tháp được tôn tạo lại nhưng vết tích vẫn còn. Chân tháp hình vuông, mỗi cạnh dài hơn 10m. Điều đặc biệt là các viên gạch xây tháp rất lớn, không giống như Tháp Chàm ở Phan Rang, thỉnh thoảng cũng xen vào những viên gạch rộng hơn 20cm.

 Cũng giống như phần lớn các Tháp Chăm, hướng chính của Tháp Nhạn là hướng Đông phản ánh vũ trụ quan của Ấn giáo, vì đây là hướng của thần thánh, của sinh sôi nảy nở. Kiến trúc của Tháp Nhạn gồm ba phần mà theo quan niệm của người Chăm, đó là: trần tục, tâm linh và thần linh. Trải qua biến động và thời gian, tháp bị hư hại, phần lớn không còn đủ các thành phần như lúc khởi dựng. Tuy nhiên, những hoa văn trên thành tháp vẫn còn sắc nét, thể hiện trình độ kiến trúc điêu luyện của người xưa.

Dưới chân Tháp được gắn ốp đá sa thạch. Trong Tháp có tượng Bà được thờ trang nghiêm, du khách tham quan đều đến thắp hương cầu nguyện. Xưa kia, Tháp có những cái am nhỏ được dựng vào thời Hậu Lê để thờ Bà Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi. Trong thời kháng chiến, am này bị bom đạn tàn phá. Sau này, khi hòa bình lập lại, nhân dân Tuy Hòa mới góp công, góp của dựng lại một ngôi miếu trên nền cái am cũ nhưng to lớn hơn với 4 chữ “Thượng Đỉnh Linh Miếu”.

Đứng từ chân Tháp, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát các phố phường trong thành phố Tuy Hòa đang thay da đổi thịt. Nhìn về phương Nam thấy xa xa là dãy đèo Cả, trên đèo có núi Đá Bia cao vút. Xa hơn nữa là biển Đông mênh mông sóng nước và dòng Đà Rằng thướt tha như lụa cùng ruộng đồng thẳng cánh cò bay kéo dài đến chân đèo Cả, cảnh non nước thật hữu tình.

Ngày nay, du khách đến Tuy Hòa ai cũng muốn lên núi viếng Tháp, tìm hiểu thêm về nghệ thuật kiến trúc tôn giáo Chăm đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

(Theo Báo Bắc Kạn)

Các tin khác
Các bạn trẻ đang tham gia

Lễ hội Qixi được tổ chức vào ngày 7/7 âm lịch hằng năm dựa vào tích truyện Ngưu Lang - Chức Nữ. Rất nhiều người Trung Quốc đã tổ chức lễ hội Qixi như lễ hội của tình yêu.

Vào tháng 2 (âm lịch), hoa Ban nở trắng núi rừng Tây Bắc. (Ảnh: Quang Tuấn)

YBĐT – Vùng Mường Lò (Yên Bái) nơi tập trung rất đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống có rất nhiều phong tục, lễ hội và các tục cúng giỗ đặc sắc. Bên cạnh những lễ hội như: Rằm tháng giêng, Tết xíp xí (rằm tháng bảy), Sên bản, Sên Mường, Sên có tén, Sên Hươn… thì lễ hội Hoa Ban là một hoạt động văn hóa khá tiêu biểu của vùng đất và cuộc sống tinh thần của người Thái Mường Lò.

Người Khơ Mú ở Nghệ An thường làm lễ Pa Sưm trước lúc tra hạt trên nương rẫy. Đây là lễ cầu khấn trời đất, tổ tiên và các thần linh cho nương rẫy được bội thu.

Măng là loại thực phẩm dễ chế biến. Măng tây nấu cua cũng là món khá thú vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục