Về nơi Ðất Mũi
- Cập nhật: Thứ tư, 28/11/2007 | 12:00:00 AM
Mũi Cà Mau được nhắc đến như một vùng đất thiêng trong tiềm thức người Việt, trong đời ai cũng ước một lần đến thăm Ðất Mũi.
|
Ðặt chân lên mảnh đất tận cùng của Tổ quốc, trước mắt du khách là những rừng mắm, rừng đước xanh rì.
Một bờ kè bằng đá kiên cố được xây dựng quanh theo bờ chót mũi. Phía ngoài kè đá là nhà hàng thủy tạ nổi lên giữa bốn bề sóng nước cùng chiếc cầu nhỏ nối với nhà hàng Ðất Mũi nằm phía trong kè đá đẹp và ấn tượng. Mốc tọa độ quốc gia với điểm tọa độ GPS 001 mầu vàng nổi bật giữa hình ngôi sao năm cánh mầu đỏ. Ðặc biệt là biểu tượng Mũi Cà Mau hình mũi thuyền có bệ cao mầu trắng, nơi ghi: 9 độ 37'30' vĩ độ bắc, 104 độ 43' kinh độ đông, phía trên là lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trong gió. Cạnh đó là cây đa do Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh trồng nhân chuyến về thăm và nói chuyện với nhân dân Ðất Mũi ngày 24-12-2004, xanh tươi.
Ðất Mũi là vùng đất ba mặt giáp biển, phía đất liền là những cánh rừng xanh bạt ngàn. Ðây là nơi tiếp giáp của hai dòng hải lưu bắc - nam và tây -nam với hai chế độ thủy triều khác nhau, tạo nên một vùng lắng đọng phù sa rộng lớn hàng chục nghìn ha nằm dọc theo bờ biển phía tây nam tỉnh Cà Mau, tạo nên Xóm Mũi.
Mũi Cà Mau như một vòng cung, mỗi năm phù sa theo những con sông đổ về lắng tụ đã tạo nên ở đây các bãi bồi dài khoảng 100 mét, rộng hàng trăm ha dọc dài theo bờ phía đông và phía tây. Cây mắm là loại cây ngập mặn tiên phong trên bãi bồi Ðất Mũi, đâm rễ tua tủa, lấn biển, giữ cho đất phù sa cứng dần thành bãi bồi. Sau cây mắm là cây đước, sú, vẹt... cứ thế đất bãi bồi rắn chắc dần theo năm tháng.
Diện tích rừng phòng hộ ven biển tầng tầng lớp lớp chạy dài hàng trăm km bao bọc bởi mắm, đước, sú, vẹt... như tấm áo choàng xanh bao quanh Mũi Cà Mau.
Tạo hóa đã hào phóng ban phát cho Mũi Cà Mau một khả năng kỳ diệu và độc đáo mà không nơi nào có được. Ðó là khả năng: "Ðất nở ra, rừng biết đi và biển sinh sôi".
Nhà văn Nguyễn Tuân gọi Mũi Cà Mau là "ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm". Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh gọi đây là vùng "đất nở". Thật thú vị đây là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam, du khách thấy mặt trời mọc trên biển đông và lặn ở biển phía tây.
Ðặc sản ở đây có hàu, sò huyết, sò lông, vọp, ốc len, điệp, cua, ghẹ... với nhiều cách nấu nướng dân dã khác nhau nhưng cũng rất hợp khẩu vị.
Con người Ðất Mũi phóng khoáng, hào hiệp, gan dạ. Từ Ðất Mũi nhìn về phía tây nam, cụm đảo Hòn Khoai cách đất liền chừng 20 km hiện lên xanh rì giữa trùng khơi sóng vỗ. Ðây là cụm đảo đẹp gồm Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Khô, Hòn Lớn, Hòn Ðồi Mồi. Lớn nhất và cao nhất là Hòn Khoai rộng khoảng 4 km2, đỉnh cao 318 m, nơi có ngọn hải đăng quan trọng của khu vực Biển Ðông, vịnh Thái-lan.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
Hàng năm vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch người Giáy ở Tả Van (huyện Sa Pa) lại mở hội Roóng Poọc để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hoà.
Sò - một loài động vật nhuyễn thể, vỏ cứng có khía dọc nổi rõ, họ sò hến, ở biển. Người tiêu dùng phân biệt, có sò huyết, sò gạo và sò lông; sò huyết to bằng ngón chân cái người lớn, vỏ thẫm, không có lông, thịt đỏ, dịch (máu) màu đỏ; sò gạo nhỏ hơn, thịt màu ngà, vỏ ở gần miệng có lông; sò lông to hơn ngón chân cái người lớn, vỏ bao phủ một lớp lông, thịt trắng ngà.
Điểm đến trong tương lai- đó là một thông điệp khá quen thuộc của ngành du lịch nước nhà và tôi mạo muội dùng thông điệp đó khi nói về vùng đất Quản Bạ.
Từ ngày 17-11 đến hết ngày 2-1-2008, Singapore một lần nữa đón chào du khách bằng lễ hội đầy màu sắc “Giáng Sinh miền nhiệt đới”.