Cá đối mùa tết

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/1/2008 | 12:00:00 AM

Mặt biển trở nên xôn xao bởi đàn cá sáng lóng lánh thi nhau vượt lên những cơn sóng lao thẳng vào bờ. Mùa cá đối vào bờ cũng là tín hiệu mùa xuân đã về trên phố biển

Hàng năm từ tháng chạp âm lịch cho đến ra giêng, mỗi lúc thuỷ triều lên, từ ngoài khơi hàng đàn cá đối cứ đổ xô vào bờ. Những người sống lâu năm ở ven biển cho rằng đó là dấu hiệu đáng mừng của môi trường thiên nhiên biển ở đây. Chính khu rừng đước dày đặc ở cửa Cần Giờ là nơi những đàn cá đối theo bản năng tìm về nguồn để đẻ trứng vào mùa xuân hằng năm.

Vào mùa cá đối, dọc theo những ghềnh đá của khu bãi Dâu thành phố Vũng Tàu kéo dài theo mé biển bỗng trở nên sôi động bởi những nhóm người í ới, rủ nhau đi quăng chài bắt cá đối. Người bắt phải chọn một mỏm đá nhô ra ngoài để thuận tiện quăng chài nhưng phải chú ý việc trượt chân sẽ dễ bị những lưỡi cắt bén như dao của vỏ hàu.

Cá đối mùa này không hề sợ người, bữa trúng con nước, quăng chài kéo cá đến mỏi cả tay. Đi chài cá đối như một thú vui miền biển. Trong khi người lo bắt cá, người còn lại nhóm bếp. Đợi than cháy đượm, dùng tro ủ lại giữ cho lửa âm ỉ. Vớt cá đối tươi rói ra khỏi thùng, cho ngay lên vỉ nướng.

Theo quán Làng Chài, nơi có món cá đối nướng mộc, thì món ăn độc đáo này chỉ có theo mùa. Cá đối nướng chỉ lựa con nhỏ cỡ 4–5cm, dài cỡ tấc rưỡi là vừa miệng. Cá không cần làm gì vì cá chỉ ăn rong rêu, phiêu sinh vật nên ruột cá sạch.

Nướng cá đối cũng cần chút công trở đều, không để vảy cá cháy khét mất ngon. Cá đối nướng mộc không tẩm bất cứ gia vị nào nhưng mùi thơm của nó lan toả ngào ngạt.

Điều thú vị nhất là cách ăn cá đối nướng theo đúng kiểu miền biển. Nếu không quen ăn vảy, có thể gỡ vảy cá ra theo chiều từ bụng lên thì toàn bộ lớp vảy được bóc ra dễ dàng. Còn để cả vảy là cách ăn đúng gu của dân biển. Người ăn chỉ cần bỏ vây lưng, bụng và đuôi cá, tay giữ phần đầu, cho cả con vào miệng, dùng răng cắn nhẹ xuống mình cá rồi kéo đầu cá ra ngoài, tuốt gọn vào miệng. Chắc một điều, bao nhiêu xương xóc đều bám theo đầu cá ra cả bên ngoài.

Chấm chút muối hột giã với ớt hiểm cay, nghe thịt cá ngọt lịm, beo béo, mùi thơm của vảy cháy sém lan lên tận mũi. Một chút vị béo khác của trứng cá cùng cảm giác sừn sựt, vị nhân nhẩn đắng của ruột cá xuất hiện. Nhón vài cọng rau răm cho vào miệng làm người ăn liên tưởng có một chút xíu hơi hướm của món hột vịt lộn, tuy rằng hai món không hề họ hàng gì với nhau. Bao nhiêu hương vị thô mộc, dân dã đó của cá đối nướng thật thanh tao và ngon lạ ở miệt biển mùa giáp tết.

(Theo SGTT)

Các tin khác

Người xem sẽ được thưởng thức những điệu nhảy lửa đầy ma thuật, thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và nhanh nhẹn của người Pà Thẻn kết hợp với điệu múa sạp uyển chuyển, vui tươi của người Thái

Chiều 30 tết, gia đình người Mông xôi nếp, cắt giấy dó dán bài vị bàn thờ mới và các dụng cụ lao động.

YBĐT - Mùa xuân như một ân nghĩa của trời đất ban cho con người và vạn vật. Với người Mông, mùa xuân là mùa của chim làm tổ, trai gái tìm nhau, trẻ già dòng tộc quên đi những mâu thuẫn để cùng đón năm mới trong tiếng cười nói vui vẻ. Mùa xuân dường như đến sớm hơn ở Tà Xùa. Khi hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng, ấy là lúc bản người Mông nhộn nhịp đón Tết.

Dọc đường đi Tây Bắc, hoa cúc quỳ nở đầy bên núi.

Qua miền Tây Bắc vào dịp cuối đông, du khách bất chợt gặp một thảm hoa cải trắng, hoa cúc quỳ vàng, hoa ban đỏ, hoa dẻ ngát hương. Cảm giác va chạm với thiên nhiên, xua đi bao cực nhọc dọc đường.

Vùng đất Kim Long - TP Huế, vốn nổi tiếng với nhiều sản vật truyền thống, trong đó phải kể đến món mứt gừng. Hàng năm, để chuẩn bị cho Tết Cổ truyền của dân tộc, nơi đây lại nhộn nhịp với công việc làm mứt. Hàng trăm tấn mứt từ làng nghề này toả đi khắp trong Nam, ngoài Bắc, góp một chút ấm nồng cho mùa Xuân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục