Liverpool - "Thủ đô văn hóa châu Âu năm 2008"
- Cập nhật: Thứ năm, 24/1/2008 | 12:00:00 AM
Từ ngày 1/1/2008, hai thành phố Liverpool của Anh và Stavanger của Na Uy được mang danh hiệu là "Thủ đô văn hóa châu Âu năm 2008".
Thành phố Liverpool nhìn từ bờ sông Mersey.
|
Ðể giành danh hiệu này, thành phố Liverpool phải vượt qua năm ứng cử viên khác của Anh là Bristol, Birmingham, Cardiff, Newcastle và Oxford nhờ thành phố này có nền văn hóa đa dạng, tiếp thu và trao đổi với nhiều nền văn hóa khác trên thế giới.
Tiền thân của danh hiệu "Thủ đô văn hóa" là chương trình "Thành phố văn hóa" do Liên hiệp châu Âu (EU) khởi xướng từ năm 1985. Thành phố Athens của Hy Lạp là nơi đầu tiên được vinh dự nhận danh hiệu này. Từ năm 2005, EU đổi tên danh hiệu là "Thủ đô văn hóa" và trao danh hiệu đó cho thành phố Cork của Ireland (năm 2005), thành phố Patras của Hy Lạp (năm 2006) và Luxembourg (năm 2007) cùng với một khoản ngân sách 605.000 euro hỗ trợ hoạt động lễ hội và văn hóa trong suốt cả năm.
Liverpool được đề cử và sau đó được bầu mang danh hiệu này vào năm 2003.
Theo lời của ông Chủ tịch Hội đồng thành phố, Liverpool đạt được "thắng lợi đáng ngạc nhiên" này là nhờ sự thống nhất đoàn kết của người dân thành phố đã "phát triển một cách năng động" và "lịch sử lâu đời phong phú".
Thành phố Liverpool nằm bên bờ sông Mersey, đổ vào biển Ireland vừa mới kỷ niệm 800 năm tuổi. Liverpool được thành lập năm 1207, khởi đầu từ một ngôi làng nhỏ không tên tuổi. Hoàng gia Anh thời đó nhận thấy cần có một cảng lớn để thông sang Ireland và khu vực này trở thành một nơi lý tưởng cho mục đích đó. Khi mời gọi các cư dân đến chinh phục miền đất này, nhà vua đã ra sắc lệnh dành cho họ những ưu tiên đặc biệt. Về sau, Liverpool trở thành một hải cảng hùng mạnh của đế chế Anh. Tuy nhiên, tầm vóc và sự giàu có của Liverpool đã bùng nổ mạnh với sự tham gia của người Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Ðan Mạch trong việc buôn bán nô lệ. Vào nửa sau của thế kỷ 18, Liverpool đứng đầu thế giới về buôn bán nô lệ, nhất là những nô lệ từ Tây Phi và thu được rất nhiều lợi nhuận.
Theo số liệu của Giám đốc Bảo tàng quốc tế về chế độ nô lệ Liverpool R. Benjamin, đã có đến 1,5 triệu nô lệ, hay là 10% toàn bộ số nô lệ người Phi đã được trung chuyển qua cảng Liverpool vào thế kỷ 17, 18. Trong hàng thế kỷ, cả những công dân bình thường, cả thị trưởng TP đã tham gia công việc này. Công việc kinh doanh người nô lệ thuận lợi là do những nhà buôn địa phương rất khôn khéo, còn hàng hóa của họ - quần áo, vũ khí, kim loại... đều có giá rẻ hơn rất nhiều.
Viện Bảo tàng quốc tế về buôn bán nô lệ được khai trương vào thời điểm kỷ niệm 200 năm sự kiện QH Anh loại bỏ chế độ nô lệ - năm 1807. Những lớp con cháu của những người nô lệ đã đóng góp nhiều hiện vật thuyết phục cho bảo tàng, là bằng chứng thuyết phục về một thời kỳ đau khổ tột cùng của người nô lệ. Và không phải ngẫu nhiên mà ngày 9-12-1999 Hội đồng thành phố đã ra một tuyên bố đặc biệt, trong đó chính quyền thành phố chính thức xin lỗi về vai trò của Liverpool trong chế độ buôn bán nô lệ.
Sau thời kỳ phát triển mạnh mẽ đó là thời kỳ liên quan một số thảm họa liên tiếp trên biển thời những năm 1912-1915, như thảm họa của hai chiếc tàu chở khách "Titanic" và "Lusitania". Bảy thập kỷ tiếp theo, Liverpool hầu như không tỏa sáng.
Sự phát triển mới của thành phố bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước khi chính quyền thành phố thông qua một chương trình xã hội rộng lớn nhằm xây dựng và khôi phục Liverpool. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ban nhạc huyền thoại "Beatles" cũng đã đặt nền móng cho thời kỳ phát triển mới của Liverpool.
Ngay từ khi đoạt danh hiệu Thủ đô Văn hóa của châu Âu năm 2008, Liverpool đã treo cao khẩu hiệu "Thành phố chứa cả thế giới!" tại dọc các đại lộ. Ngày nay Liverpool đang thay đổi nhanh chóng. Công nhân xây dựng đang ngày đêm làm việc trên cả một khu vực rộng lớn ở trung tâm thành phố gần sông Mersey. Những toà nhà chọc trời với hình ảnh tươi sáng như cánh buồm mở rộng trên sông hướng về cửa biển Ireland đang được hoàn thiện từng ngày, tương phản với những công trình truyền thống vĩ đại bề thế trên đại lộ Canada. Những người già ở Liverpool khẳng định sự đổi mới này chưa từng diễn ra kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi thành phố bị hủy hoại nghiêm trọng (một trong những vụ ném bom lớn nhất vào năm 1942, 32 nghìn người Liverpool đã bị thương và 75 nghìn người không còn nhà ở).
Chủ tịch Hội đồng thành phố Liverpool Mike Storey cho biết, thành phố đã quyết định tập trung thực hiện các mục tiêu về văn hóa, về các ngành công nghiệp phát triển và ngành du lịch vào kế hoạch phát triển trong năm 2008. Liverpool vừa khôi phục lại khu thắng cảnh bến cảng Liverpool nổi tiếng - một di sản thiên nhiên thế giới và khôi phục lại các trung tâm văn hóa của thành phố, trong đó có phòng trưng bày nghệ thuật Liverpool. Liverpool cũng là nơi duy nhất của Anh mở Trung tâm chiếu phim FACT, trong đó trưng bày các loại phim, video và nghệ thuật kỹ thuật số.
Nhằm tạo động lực thu hút du khách, một viện bảo tàng ở Liverpool còn bỏ ra 35 triệu bảng Anh để mở rộng gấp đôi diện tích và đổi tên thành Viện Bảo tàng Liverpool thế giới. Du khách đến đây có thể xem bể cá thủy sinh và một bộ sưu tập khổng lồ về các loài côn trùng.
Với danh hiệu Thủ đô văn hóa châu Âu, Liverpool sẽ là điểm đến hấp dẫn nhất châu Âu năm 2008.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
YBĐT - Cũng như lễ hội của một số dân tộc khác, lễ hội "Cầu mùa" được người Dao đỏ tổ chức vào mùa xuân, khi đất trời và con người có mối giao hoà. Lễ "Cầu mùa" được tổ chức nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho cuộc sống được yên bình, cho mùa màng được tươi tốt.
YBĐT - Lễ khai mạc Chương trình du lịch về cội nguồn 2008 do 3 tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai tổ chức có chủ đề "Những sắc màu tiềm ẩn" sẽ diễn ra vào tối 13/2/2008 (tức mùng 7 tết) dưới hình thức sân khấu và nghệ thuật đường phố độc đáo.
Bảo Lộc nổi tiếng với trà và nhiều cảnh đẹp. Tuy nhiên, đến đây du khách vẫn tìm cho mình một cõi tĩnh lặng. Đó là được trầm tư tại một thiền viện.