Hương vị quê hương

  • Cập nhật: Thứ bảy, 2/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Các cụ ta xưa thường nói "Miếng ngon nhớ lâu...”, dù Nam hay Bắc, dù là chốn đô hội thị thành hay nông thôn dân dã, thậm chí là vùng cao miền núi, đâu đâu và thời nào cũng có miếng ngon để cho ta nhớ lâu, nhớ mãi... Nhớ mà hễ có người nhắc đến là ta lại xao xuyến trong lòng, tần ngần da diết, chỉ ước gì được ngửi thấy, được nếm lại cái hương vị của quê hương... Nhất là đối với người Yên Bái ngày xưa, hay là đối với những người xa xứ thì nỗi nhớ ấy lại càng không thể nào quên được.

Trước hết hãy nói về món bánh cuốn. Bánh cuốn thì ở đâu cũng có. Ở Yên Bái ngày xưa, đến nhà hàng ngon thì phải đến hàng bánh cuốn của bà Tài Viên. Nhưng ngon hơn cả, là hàng bánh cuốn chả bà Phùi - tức bà Phùi Hoa kiều. Bánh cuốn của bà Phùi mỏng tang lại rất dẻo, nhỏ gọn từng cái một, không phải cắt làm đôi, làm ba như bây giờ. Sau khi giở bánh, bà Phùi rải một lớp thịt rang vàng rộm làm nhân, lật hai cánh rồi cuộn lại rắc thêm một ít hành phi. Bánh cuốn nóng hổi còn nhánh mỡ chấm với nước mắm ngon pha chút cà cuống thì thật tuyệt!

 

Đấy là nói về bánh cuốn. Còn nói về phở thì phải nói đến phở gánh của ông Bái Công. Phở của ông mới gánh đến đầu phố đã thơm lừng mùi vị phở. Một bên là thùng phở nghi ngút khói, một bên là chồng bát treo lủng lẳng cái đùi gà hay cân thịt bò ngon... Bánh phở ông để trong ngăn, những thanh củi ông xếp chồng ở dưới. Không biết, ông chế biến thế nào mà phở của ông có hương thơm đặc trưng, hấp dẫn đến thế! Rồi phở chua của bà Vượng cũng nổi tiếng một thời...

 

Còn nói đến bánh thì cũng không thể nào quên được bánh khúc của bà Tỉnh ở phố Ga. Bánh khúc của bà Tỉnh được ủ nóng, được bọc một lớp xôi thật dẻo, nhân bánh là đỗ xanh xay nhuyễn, rắc hạt tiêu, lại thêm một miếng thịt ba chỉ. Ăn một xu một chiếc còn thấy thòm thèm, vì thế, bánh khúc của bà Tỉnh cắp nách đi một vòng phố là hết veo! Bánh khúc ngày xưa, có mùi thơm kỳ lạ. Rồi bánh dày, bánh giò của ông Cận trước ở dãy nhà Lê Sĩ Ngữ sau chuyển về gần dinh Tuần phủ. Người ta giã xôi, thỉnh thoảng lại lấy óc lợn luộc bôi vào đầu chày cho đỡ dính. Hai người giã thình thịch cho đến khi không trông thấy hạt xôi nào nữa. Bánh dày dẻo thơm mà vẫn còn nóng. Xong đâu đấy, người ta bắt thành những chiếc bánh dày con, đặt vào miếng lá chuối xanh. Hai cái bánh dày cặp vào một miếng chả giò ở bên trong, ăn sao mà hết ý!

 

Có một món quà ngon của Yên Bái ngày xưa mà ít người biết đến - đó là bánh xu-xê của bà Miện. Bánh xu-xê của bà Miện trong suốt, nhìn thấy cả dừa và nhân đỗ xanh ở bên trong. Ăn nó vừa dẻo vừa dai, vừa thơm mùi va-ni... Ngày xưa cũng có món "lẩu" mà người ta gọi là "tả pí lù". Một cái bếp than nóng đỏ rừng rực, trên có đặt một cái lò có ống khói ở giữa. Các thứ rau, thịt sống đặt xung quanh, khách ăn cứ việc nhúng các thứ đó vào nồi nước dùng sôi. Nhưng đấy là món ăn của nhà quan hay của các nhà giàu sang, phú quý. Còn ngày nay, "lẩu" thì thường quá! Quán ăn nào cũng có món "lẩu" để phục vụ "thượng đế". Có khác chăng, là bây giờ có bếp ga dùng rất thuận tiện không cần cái lò có ống khói ở giữa như ngày xưa nữa.

 

A.T.C

Các tin khác

YBĐT - Rượu là thức uống có tính kích thích. Rượu có khắp mọi nơi trên thế giới. Mỗi nước đều có rượu với những tên khác nhau. Anh, Mỹ có Whisky, Nga có Vodka, Nhật có Sakê, Pháp có Champagne, Trung Hoa có Mao Đài và người Kinh của Việt Nam có rượu đế. Mỗi thứ có hương vị, màu sắc đến cách làm, cách thưởng thức đều khác nhau. Và mời bạn về Tây Nguyên thưởng thức rượu cần!

Mâm cỗ tết của người Thái ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa ẩm thực riêng. Người Thái ở Mường Lò, Văn Chấn, (Nghĩa Lộ - Yên Bái), sống trong vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng những sản phẩm tự nhiên, vì vậy từ xa xưa họ đã tích lũy, xây dựng được cho mình một vốn văn hóa ẩm thực đa dạng phong phú và vô cùng hấp dẫn. Ngày xuân nói chuyện tết, xin giới thiệu một phần nhỏ trong văn hóa ẩm thực ngày tết của họ.

YBĐT - Đầu năm chảy hội đền chùa là mỹ tục ngàn đời của người Việt Nam. Tết đến xuân sang, dòng người lại đến với Yên Bái, đến với những địa danh linh thiêng được truyền tụng lâu nay. Những chùa Ngọc Am, đền Tuần Quán, đền Nam Cường ở ngay thành phố Yên Bái cũng đón hàng ngàn khách thập phương.

Khau Phạ trong mây.

YBĐT – Từ thành phố Yên Bái, ngược theo quốc lộ 32 chừng 5 giờ đồng hồ, qua thị tứ Tú Lệ, đèo Khau Phạ huyện Mù Cang Chải hiện ra đẹp như một bức tranh. Cả một vùng cao nguyên được bao quanh bởi những dãy núi điệp trùng, những cánh rừng già còn mang đậm nét nguyên sơ và những triền ruộng bậc thang là những kỳ quan bởi bàn tay kheo léo của người Mông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục