Tả Van náo nức Xuống đồng

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/2/2008 | 12:00:00 AM

Hàng năm vào ngày Thìn đầu tiên của tháng Giêng âm lịch, xã Tả Van, huyện Sapa - Lào Cai lại náo nức mở lễ hội Xuống đồng để chào đón một năm mới mùa màng bội thu. Đồng bào các dân tộc Giáy, H’Mông, Dao… cùng rất đông du khách đổ dồn về nơi đây khiến thung lũng Mường Hoa trở nên sôi động và rực rỡ hơn.

8h sáng, người dân đã tập trung kín tại thung lũng Mường Hoa
8h sáng, người dân đã tập trung kín tại thung lũng Mường Hoa

Hầu hết các dân tộc ở khu vực Tây Bắc đều có lễ hội Xuống đồng, người Mông gọi là Lồng Tồng, người Tày - Nùng gọi là Lồng Tổng còn người Dao gọi là Lồng Tộng để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hoà. Hơn nửa thế kỷ trước, Tố Hữu đã viết: "Áo em thêu chỉ biếc hồng, Mùa xuân ngày hội Lồng Tồng thêm vui"như để thấy rằng lễ hội Xuống đồng đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người dân Tây Bắc mỗi dịp xuân về.

Trước đây, người Giáy ở Tả Van (huyện SaPa) gọi là lễ hội Roóng Poọc. Tuy là lễ hội dân tộc truyền thống của người Giáy ở Tả Van, nhưng nhiều năm nay đã lan rộng, trở thành lễ hội chung của cả vùng thung lũng Mường Hoa. Từ sáng sớm, làn sương còn giăng mù mịt từng đoàn người tíu tít nói cười trong mây, hồ hởi về dự hội. Người Mông từ Hầu Thào, Lao Chải dồn xuống, người Dao từ Bản Hồ, Bản Phùng ngược lên, du khách từ thị trấn SaPa cũng tới dự làm cho lễ hội đông vui tới vài nghìn người.

Từ 8h sáng, người dân từ các nơi đã đổ dồn về Mường Hoa để dự hội, các bà các chị dân tộc Giáy, Mông đã bày bán các sản vật đặc trưng như bánh xốp (một loại bánh bằng bột ngô), trứng gà luộc nhuộm bốn màu đỏ - tím - vàng - xanh để trưng bày và các mặt hàng thổ cầm. Lễ Xuống đồng bắt đầu bằng bài hát cầu mùa do các cô gái người Giáy hát. Sau đó các cô gái đẹp nhất trong vùng sẽ dâng nước cúng đựng trong các vỏ quả bầu. Ðây được coi là nước thiêng, phải lấy từ đầu nguồn. Rồi người đại diện tay bưng cao các "nậm" nước thiêng của các mâm cúng, cầu mong nước từ "mương trời" tưới khắp trần gian, cho ruộng nương. Khấn xong thì tưới nước ra khắp bốn phương trời, mọi người cùng nhau hứng nước để được hưởng phúc... Ngoài ra, các cô gái còn dùng nước phẩm màu đỏ tươi để quệt lên má những người dự lễ để cầu chúc may mắn đầu năm.

 Ngoài ra, mùa xuân còn là mùa của tình yêu đôi lứa, mùa của sự sinh sôi nảy nở. Sau phần lễ chính cầu mùa màng là đến màn hát giao duyên và lễ rước dâu đặc trưng của dân tộc Giáy. Đoàn rước dẫn đầu là 2 nhạc công thổi những điệu kèn và những đôi trai gái mặc trang phục truyền thống, thắt dải lụa đỏ và cầm ô. Sau màn hát đón dâu do các chàng trai thể hiện, cô dâu được bịt kín đầu bằng tấm vải đỏ sẽ được phù dâu cõng trên lưng để đưa về nhà chồng.

 Lễ rước dâu

Sau phần nghi lễ là phần hội, được mở đầu bằng hội tung còn. Những quả còn được khâu bằng vải, bên trong có hạt thóc, hạt bông được nén chặt, ngoài có tua ngũ sắc, được các nam thanh nữ tú thi ném lên vòng tròn trên ngọn cây nêu. Ðó là hai biểu tượng đặc sắc của Dương và Âm, cái gốc của vũ trụ và vạn vật. Khi quả còn xuyên thủng hồng tâm của vòng tròn, là Âm - Dương đã giao hòa, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu. Bởi vậy, ở bất cứ hội Xuống đồng nào, việc ném còn trúng hồng tâm cũng là một nghi thức bắt buộc, bởi đồng bào quan niệm rằng, nếu Âm - Dương không giao hòa, năm ấy làng, bản sẽ không may mắn, mùa màng sẽ thất bát. Người ném trúng hồng tâm sẽ được thưởng một mâm cỗ đầy. Ngoài ra, người dân cùng du khách được tham gia các trò chơi truyền thống như hái lộc trên những cây đào phai, cày ruộng, bịt mắt bắt dê, đẩy gậy, bắn nỏ…

Mặc dù lễ hội Xuống đồng diễn ra trong nửa ngày nhưng đã mang lại cho du khách những cảm giác vô cùng hào hứng bởi những nét đặc trưng riêng có. Ông Brad Youngblood, 44 tuổi, đến từ California - Mỹ cho biết đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam và đặc biệt ấn tượng bởi lễ hội ở Sapa, nó mang lại cho ông nhiều cảm giác mới lạ và ông đã chụp rất nhiều ảnh để khi về nước khoe với người thân. Cuộc vui đã đến lúc tàn nhưng niềm vui vẫn còn đọng mãi, hẹn Tả Van, hẹn Mường Hoa ở mùa lễ hội sau…

(Theo VnMedia)

Các tin khác
Đêm khai mạc Chương trình du lịch về cội nguồn năm 2008 tại thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thanh Ba)

YBĐT - Nằm trong chương trình “Du lịch về cội nguồn 2008”, từ đầu năm đến nay, Yên Bái đã thu hút 54.858 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế 742 lượt người và khách trong nước 54.116 lượt người, đạt doanh thu 8,72 tỷ đồng.

Cá mai là loại cá cùng họ với cá cơm, nhưng không có mùi tanh. Thịt cá mai ngọt, dai chứ không bở hoặc mềm như những loại cá khác. Gỏi cá mai được làm như sau: cá tươi được rửa sạch ruột, loại bỏ đuôi, đầu, xương, còn thân thì chẻ làm đôi.

YBĐT - Lễ hội đền Đông Cuông huyện Văn Yên (Yên Bái) được tổ chức vào ngày 21/2 (tức ngày 15 tháng Giêng , ngày Mão thứ 2 trong năm).

Sáng ngày rằm tháng giêng Mậu Tý – 2008 (ngày 21/2/2008) đông đảo du khách và nhân dân địa phương đã nô nức tới dự khai Hội xuân Đền Thượng (thành phố Lào Cai - Tỉnh Lào Cai).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục