Mùa mưa, ăn bánh xèo nấm mối
- Cập nhật: Thứ ba, 15/7/2008 | 12:00:00 AM
Sài Gòn đua chen, Sài Gòn ồn ào nóng nực và ngột ngạt bỗng như được "hạ hỏa" khi cơn mưa bất chợt ào xuống.
Hấp dẫn món bánh xèo nấm mối
|
Khí trời chợt chuyển sang lành lạnh, dịu nhẹ. Cô bạn đồng nghiệp bỗng dưng nổi hứng "Trời mưa thế này mà đi ăn bánh xèo thì tuyệt cú mèo!".
Thế là vừa tan tầm, khi cơn mưa chỉ còn lất phất, cả bọn vác cái bụng đói meo đang sôi sùng sục đến quán bánh xèo Ăn Là Ghiền. Mùa mưa là mùa thịnh của bánh xèo mà! Mặc dù trời mưa mà quán cũng đông khủng khiếp. Từ ngoài mưa bước vào, chúng tôi bỗng dưng nghe ấm áp lạ lùng, có lẽ do dàn chảo bánh xèo mười mấy cái hoành tráng đang đỏ lửa hừng hực mà người chủ cố tình "show" ra để trình diễn.
Ăn bánh xèo rất xa lạ với cách ăn phải nhón đũa từ tốn. Ăn bánh xèo phải "ra tay" theo đúng nghĩa đen của nó, có nghĩa là tự mình cuốn bánh, ăn ngấu, ăn nghiến, ăn ngồm ngoàm thì mới đã. Tính chất dân dã phương Nam của bánh xèo chính là ở chỗ không ăn khách sáo mà ăn bằng cả tấm lòng, vừa ăn vừa thổi phù phù chứ không thể "ăn vị tình", ăn điệu đà thì mất cả ngon, mất cả thú vị. Màu xanh tươi của dĩa rau non, màu đỏ tươi của chén mước mắm ớt bằm cùng với màu vàng ươm rừng rực còn bốc khói của cái bánh xèo như làm ấm lại cái không khí lành lạnh xung quanh. Mưa thì mặc mưa, mà ghiền thì ta cứ... ghiền.
Bánh xèo ở đây ngon trước hết là nhờ bột. Bột phải đủ các hương vị lẫn màu sắc: độ béo của dừa, một tí ngọt của đường, một tí mặn của muối, mùi thơm của hành và màu vàng của nghệ. Sở dĩ khách đến đây ăn bánh xèo bị... ghiền là do người pha bột ở đây biết định lượng, gia giảm trong công thức chế biến những hương vị trên. Nếu bột đặc quá thì bánh sẽ mềm và sống, nếu nhão quá thì bánh sẽ bị nát và dính chảo. Nhân bánh là phần không thể thiếu và góp phần quan trọng để thực khách càng ăn càng ghiền. Ngoài giá sống và củ hủ dừa, chủ quán đã sáng chế thêm các loại nhân khác như rau mầm, nấm kim châm, nấm bào ngư... rất lạ miệng và ấn tượng. Cũng trong mùa mưa, quán phục vụ thêm món tuyệt đỉnh của miệt Nam Bộ: bánh xèo nấm mối. Cái ngọt thâm trầm của nấm mối là sự tổng hòa giữa cái ngọt phàm tục của thịt cá và cái ngọt thanh tao của rau củ, cộng với mùi thơm hoang dã của đất trời không lẫn vào đâu được lại được kết hợp với bánh xèo, ăn một lần là... nhớ đời, bởi vì dù có tiền muôn bạc vạn, muốn ăn bất thình lình cũng không kiếm đâu ra, không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức. Bột bánh xèo vừa thơm, vừa béo, tai nấm mối giòn giòn và ngọt... không chịu thấu, hòa lẫn vị nồng nồng của rau, mằn mặn cay cay chua chua của nước mắm chanh tỏi ớt, vấn vít trên đầu lưỡi. Hổng ghiền sao được...
Lập nghiệp bằng cái bánh dân dã quê mùa, nhưng người chủ ở đây đã làm thực khách "ghiền" thương hiệu của mình bằng cách tìm tòi và phát minh ra nhiều loại bánh xèo không đụng hàng, mang đến nhiều hương vị mới mẻ cho khách sành ăn, cũng như làm sống dậy một miền ký ức hoài niệm tưởng đã lãng quên của những người con xa xứ bằng những món quê "trớt" không kiếm được ở Sài Gòn. Người chủ Ăn Là Ghiền đã đem cái "ghiền" của miệt chín khúc phù sa Cửu Long giới thiệu cho người dân thành phố và đã tạo nên sự khác biệt với những nhà hàng bánh xèo khác, khác đến nỗi, người dân ở các tỉnh cách vài chục cây số, có việc lên Sài Gòn là ghé vào ăn, khác đến nỗi, dù doanh nhân cà vạt chỉn chu, khách du lịch nước ngoài chỉ quen dùng dao nĩa hay những chị có bầu đội bụng, hễ... ghiền thì cứ phải ngồi đợi đến lượt của mình.
(Theo TNO)
Các tin khác
Thành phố Zadar có từ thời đại Roman nằm ở phía bắc bờ biển Dalmatian mang trong mình một sự tươi trẻ quyến rũ nhưng lại giàu sụ với những di sản kiến trúc cổ. Tuy vậy nó vẫn bị xem là nơi ít hấp dẫn du khách nhất của xứ sở Croatia.
Đó là một con đường hẹp, rải nhựa, hai bên điểm thưa thớt những ngôi nhà ống thấp lè tè, thi thoảng có một quầy hàng bán rau và trái cây nho nhỏ, bán mấy thứ rau lặt vặt, vài trái bưởi, nhãn, chôm chôm và ít sơ ri.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam: dù điều kiện đi lại, các chi phí giá cả trên thế giới đang biến động, nhưng lượng khách quốc tế đến với Việt Nam 6 tháng qua vẫn đạt những gì chúng ta mong muốn.
Mặc dù đi từ sớm, lúc chúng tôi đến Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) thì mặt trời đã lên được một con sào. Văn phòng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nhộn nhịp khách vào ra. Mùa này, mùa sếu bay về cũng là mùa du khách tấp nập đến với Tràm Chim...