Đến đây vui đất Mường Lò
- Cập nhật: Thứ ba, 14/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sự hấp dẫn của Nghĩa Lộ - Mường Lò (Yên Bái) đã thôi thúc bao người vượt cả trăm cây số từ thành phố Yên Bái vào đây để chiêm ngưỡng và thưởng thức hương vị của đất trời ban cho cánh đồng Mường Lò, được mệnh danh lớn thứ hai ở miền Tây Bắc Tổ quốc.
Nghĩa Lộ - cái thị xã miền Tây Yên Bái nhỏ bé giữa cánh đồng Mường Lò bao la. Nhỏ thôi, nhưng ở mảnh đất rộng chưa đầy 3.000 ha này lại là nơi sinh sống của trên 27 ngàn người của 17 dân tộc anh em, trong đó 44% là đồng bào Thái. Và cũng ở đây còn ẩn chứa biết bao điều mà khách gần, bạn xa mãi luôn mong khám phá.
Trên 700 ha đất canh tác của thị xã như một bức thảm đa sắc màu. Lúa - ngô - lúa - hoa và các loại rau màu luân phiên bám rễ trên đất bản mường phì nhiêu. Chất đất trời ban cho Mường Lò như để giúp người dân có được bắp ngô chắc hạt, thứ tẻ Mường Lò nổi danh, từ lâu đã thành hàng hóa vượt núi về xuôi mang theo cái tên Gạo Nghĩa Lộ.
Chẳng riêng ngô dẻo gạo thơm, đến đây người ta còn tìm thấy những thứ đặc sản của miền Tây Bắc ở cái Chợ nông lâm sản này. Là quả trám, là măng mai, trái sơn tra hay những thức dùng do người dân bản địa hái lượm mà có. Từ những sản vật này, khách có thể mua và thử chế biến được những món ăn từ măng lau, cọng rêu đá, rau sắn, chim rừng hay những món dế mèn đặc sản của người Thái.
Giữa khi vụ lúa đang thì con gái, lúc cây ngô sắp trỗ cờ, phụ nữ người Thái, người Mường cần cù, chịu khó lại tranh thủ thời gian để dệt, để đan và may thêu những áo, túi, mũ, đệm với từng sắc màu thổ cẩm. Nét hoa văn truyền thống ngàn đời của đồng bào đã vượt ra khỏi khuôn cửa gia đình để có mặt ở chợ văn hóa Mường Lò đến với du khách.
Từ các ngôi nhà sàn này, những bộ váy áo, những tấm vải, những chăn những đệm được làm ra bởi đôi bàn tay khéo léo và tấm lòng cởi mở của người phụ nữ miền sơn cước. Rồi những làng nghề hình thành vừa để phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị xã Nghĩa Lộ theo hướng phát triển thương mại dịch vụ và du lịch.
Người dân miền Tây tự hào với Cụm di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ, tự hào với Chiến thắng Nghĩa Lộ tháng 10 năm 1952 mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Khu mộ 9 liệt sỹ quyết tử phá Căng Nghĩa Lộ, Tượng đài Chiến thắng Nghĩa Lộ kiêu hãnh và nhà bia ghi danh hơn 800 liệt sĩ trang nghiêm như để in đậm hơn vào trang lịch sử vẻ vang của dân tộc và khẳng định tấm lòng sắt son theo Đảng của đồng bào Tây Bắc.
Một nén hương trầm ghi nhớ công ơn của những anh hùng liệt sỹ, lòng thêm tự hào về quê hương đất nước và tạc ghi trong lòng mỗi du khách đến đây rằng, đất Mường Lò không chỉ là mảnh đất của những danh thắng hùng vĩ miền Tây Bắc Tổ quốc xa xôi, hay cội nguồn của những bản sắc văn hóa đậm đà, mà chính ở mảnh đất này đã ghi dấu oai hùng trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam.
Còn đây - Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa lòng thị xã càng làm cho Nghĩa Lộ, Văn Chấn và các huyện phía tây của tỉnh Yên Bái như được gần Bác hơn. Khu tưởng niệm được Đảng bộ và nhân dân các dân tộc dựng lên theo nguyện vọng và mong ước muốn gặp Bác Hồ của của đồng bào vùng Tây Bắc. Quần thể với nhà sàn, vườn cây, ao cá và nhưng hiện vật về thân thế sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng năm đã đón trên 10 ngàn lượt khách đến tham quan.
Gần đó, Chi nhánh Bảo tàng thị xã Nghĩa Lộ thuộc Bảo tàng tỉnh Yên Bái, nơi lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật, công cụ sinh hoạt mô tả đời sống của nhân dân dân tộc trong vùng. Bảo tàng và cụm di tích lịch sử văn hóa là những điểm đến không thể thiếu trong hành trình du khách đến với Nghĩa Lộ - Mường Lò.
Trong quá trình xây dựng thị xã văn hóa, cả 4 phường 3 xã của Nghĩa Lộ đã xây dựng được 25 nhà văn hóa, tạo điều kiện cho nhân dân có điểm sinh hoạt cộng đồng, phát huy nét văn hóa đặc trưng. Hơn 100 đội văn nghệ của thị xã thường xuyên biểu diễn, giao lưu góp phần lưu giữ câu khắp điệu xòe và những làn điệu dân gian của người Thái, người Mường, người Mông, Dao, Tày, Khơ Mú trong vùng lòng chảo Mường Lò.
Mảnh đất và con người Nghĩa Lộ - Mường Lò đã làm say lòng khách gần xa. Chẳng những thế đây còn là nơi để nhiều nhà nhiếp ảnh đắm mình ghi lại những khoảng khắc mà đất trời ban cho cái thị xã nhỏ bé này.
Tham quan các danh thắng, tắm mình trong nước nóng bản Hốc, bản Bon và thưởng thức bữa tối với những đặc sản và thứ rượu nấu từ gạo ngon Mường Lò, du khách lại tay trong tay, nối bước vào vòng xòe bất tận cùng người dân địa phương.
Lửa hồng bập bùng trong ánh mắt của khách. Những thiếu nữ ửng má đào trong vòng xòe rộn rã. Hội xòe bất tận, điệu xòe nồng say để cho du khách mang theo tất thảy vào hành trình của chuyến đi. Làng nghề Nghĩa An, rừng sinh thái Nậm Đông, làng văn hóa Xà Rèn bên dòng Nậm Thia trong vắt… đang đón chờ du khách trong những "tua" du lịch tới đây. Nhưng trước mắt là tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò diễn ra từ ngày 16 đến 23 tháng 10 đang đón chờ du khách với những hoạt động đậm bản sắc của nhân dân các dân tộc nơi đây.
Sẽ có một tuần để Mường Lò vui hội. Nhưng chắc hẳn sẽ không phải một tuần, mà với Mường Lò tất cả sẽ còn mãi mãi. Tất cả đang mở rộng vòng tay, đón đợi du khách gần xa trong những ngày tới đây.
Quang Tuấn
Các tin khác
Mỗi loại thực phẩm đều có chức năng riêng nhưng với top 5 thực phẩm sau đây sẽ đem lại cho bạn nhiều lợi ích về sức khoẻ hơn đấy. Vì vậy hãy thêm những thực phẩm này vào thực đơn hằng ngày của bạn nhé.
Chùa Bái Đính - Khu chùa lớn nhất Việt Nam được đánh giá là ngôi chùa có quy mô hoành tráng nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Ngôi chùa được xây dựng nhằm kỷ niệm 1000 năm Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Thăng Long - khu chùa lớn nhất Việt Nam đang được xây dựng. Theo dự kiến, quần thể khu chùa này sẽ được hoàn thành vào năm 2010.
Nếu ai đó muốn đến Dăk Nông để ngắm vẻ hùng vĩ của những con thác thì nên đi vào mùa này. Mưa thường rơi vào buổi chiều, thời gian để đi du ngoạn chúng ta có thể chủ động được
YBĐT - Cùng phối tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của Vườn quốc gia Ba Bể còn phải kể đến dòng sông Năng - nguồn nước chính của hồ Ba Bể.