Suối cá thần nằm ở làng Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ, cách thành phố Thanh Hoá gần 80km về phía Tây. Khác với những dòng suối thường thấy, suối Ngọc chỉ dài chừng 150 mét nhưng quanh năm nước trong như ngọc, nơi đây có một đàn tự nhiên với hàng ngàn con lớn, bé sinh sống từ bao đời nay. Quanh năm, suốt tháng chúng chỉ ra vào qua một cửa hang đẹp và hẹp nằm sâu dưới chân núi Trường Sinh. Điều đặc biệt là dù cá lấp xấp bơi lội dưới lòng suối rất nông (mùa mưa nơi sâu nhất chừng 50-80cm), nhưng người dân trong vùng tuyệt nhiên không ai dám bắt hay ăn thịt. Người ta coi cá thần là vật linh thiêng. Sự huyền bí về loài cá lạ này bắt nguồn từ một truyền tích về thần Rắn…
Chuyện kể rằng, xưa có hai vợ chồng tuổi đã cao mà vẫn chưa có con. Vợ chồng hàng ngày ra thửa ruộng cạnh suối khơi nước trồng lúa và xúc cá, bắt ốc về làm thức ăn. Một hôm bà xúc được một quả trứng lạ. Nhiều lần xúc được lại thả xuống nhưng lần nào xúc lên thì quả trứng lạ đó cũng đều nằm trong rổ. Bà mang về, vợ chồng bàn nhau đem cho gà ấp thử. Một hôm thấy gà cục tác, bà ra xem thấy trứng nở ra một con rắn. Hoảng quá, người chồng mang con rắn ra suối Ngọc để thả, nhưng cứ thả thì tối tối rắn lại về nhà. Dần dần rắn sống chung tại gia đình thân quen như những con vật nuôi khác.
Từ khi có rắn ở trong nhà, ruộng đồng có đủ nước cấy cầy, cảnh hạn hán kéo dài trong vùng không còn. Chàng Rắn sống với gia đình và bản làng người Mường trong cảnh thanh bình, no ấm. Chàng Rắn to bằng ống nước, cứ trưa trưa lại lên xà nhà nằm. Bỗng một đêm trời mưa to, gió lớn, sấm chớp ầm ầm, sáng ra dân làng thấy xác chàng Rắn nằm chết dạt vào chân núi Trường Sinh (vị trí đền thờ hiện nay). Thương tiếc chàng Rắn, dân làng chôn chàng ngay dưới chân núi và lập đền thờ ngay trên mộ chàng. Dân làng được thần linh cho biết, chàng Rắn đã đánh nhau với thuỷ quái về phá hoại bản làng và được Thượng đế phong thần hiệu: Tứ phủ Long Vương…
Cũng từ đó, suối Ngọc trước cửa đền thờ có đàn cá cả ngàn con ngày đêm về chầu và nhân dân trong vùng không bao giờ ăn cá suối Ngọc. Chỉ những ngày tế lễ Tứ phủ Long Vương thì dân làng được thả xúc. Con cá nào tự chui vào xúc, có nghĩa con cá ấy tự dâng mình cho thần, thì dân làng mới cử người mang về làm thịt tế thần linh. Lệ này từ xưa đã có, cho đến ngày nay vẫn còn duy trì.
Loài cá ở suối Ngọc có hình thù rất đẹp với lớp vẩy phía trên lưng có màu sẫm tựa như rêu đá; thân hình cá khá giống loài cá trắm sông, lưng và vây cá chấm đỏ, môi phớt hồng. Mùa nước lũ, cá có thể đi xa khỏi suối hàng cây số nhưng nước rút thì lại quay về mà không có con nào bị “lạc đường”. Những ngày nước lớn, cư dân địa phương và khách du lịch còn may mắn được chiêm ngưỡng những chú cá “chúa” nặng tới vài chục cân vui đùa cùng bầy “cháu chắt”. Dân làng Ngọc và những người dân trong vùng tin vào sự linh thiêng của cá suối thần.
Đã nhiều câu chuyện đồn đại về những cái chết liên quan đến cá suối thần, song hiện vẫn chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu chính xác về nguồn gốc của suối cá và hiện tượng về đàn cá. Chỉ biết rằng cho đến hôm nay, sự kỳ bí của suối cá thần vẫn đang là điều cuốn hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Trên thực tế, sự tàn phá của con người đối với môi trường đã làm biết mất nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Thế nhưng vẫn tồn tại một suối cá thần tự nhiên và nguyên sơ “độc nhất vô nhị” của đất nước.
M.A
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu