Kỹ thuật nuôi lợn rừng
- Cập nhật: Thứ tư, 13/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nuôi lợn rừng là một nghề rất mới đối với bà con nông dân. Với điều kiện của các hộ nông dân miền núi của tỉnh Yên Bái thì khả năng thành công là rất lớn.
Muốn phát triển chăn nuôi lợn rừng các chủ trang trại và bà con nông dân phải được sự cấp phép của cơ quan quản lý nhà nước (Chi cục Kiểm lâm tỉnh)
I. Giống và đặc điểm giống:
Lợn rừng là giống lợn hoang dã đang được thuần hóa ở Việt Nam. Lợn rừng, thường có hai nhóm giống: nhóm giống mặt dài và nhóm giống mặt ngắn. - Vóc dáng: cân đối, nhanh nhẹn, hơi gầy, dài mình, lưng thẳng, bụng thon, chân dài, nhỏ và móng nhọn, cổ dài, đầu nhỏ, mõm dài và nhọn, tai nhỏ vểnh và thính, chân lông có 3 ngọn, lông dọc theo sống lưng và cổ dày, dài và cứng hơn... Vai thường cao hơn mông, đuôi nhỏ, ngắn, chỉ dài đến khoeo. Con đực có răng nanh phát triển, con cái có 2 hàng vú, mỗi hàng 5 núm vú phát triển và nổi rõ.
- Đặc điểm sinh lý sinh sản: lợn rừng thường đẻ mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 5-10 con, lứa đầu 3-5 con, lứa sau đẻ nhiều hơn (7-10 con); trọng lượng lợn sơ sinh 0,5-0,9 kg/con; lợn con có bộ lông sọc dưa (vệt lông màu vàng chạy dọc thân trên nền da màu đen hoặc nâu). Khi lợn con trên 3 tháng tuổi, các vệt sọc dưa này không còn nữa. Trọng lượng lúc trưởng thành: con đực nặng 80- 100 kg, con cái nặng 50-70 kg...
Khi lợn cái 7-8 tháng tuổi, thể trọng 30-40kg có thể cho phối giống, lợn đực giống cho phối muộn hơn 1-2 tháng. Chu kỳ động dục của lợn rừng là 21 ngày, thời gian động dục kéo dài 3-5 ngày.
Thời điểm phối giống thích hợp vào cuối ngày thứ 2 hoặc đầu ngày thứ 3 (tùy theo giống, tuổi thời gian mang thai cũng như lợn nhà (khoảng 114-115 ngày); thời gian đẻ 1 -2 giờ; quá trình đẻ diễn ra tự nhiên, không cần sự giúp đỡ hoặc can thiệp của con người.
II. Chọn giống
Chọn giống: chọn những con đầu thanh, ngực sâu, mình nở, hoạt bát, lưng thẳng, bụng gọn, bốn chân chắc khỏe, bộ phận sinh dục phát triển và hoạt động tốt. Nếu có điều kiện nên chọn lọc qua đời trước (dòng, giống bố mẹ, ông bà...), qua bản thân (ngoại hình, khả năng thích nghi, khả năng sản xuất...) và qua đời sau.
III. Chuồng trại
Chuồng trại rất đơn giản, tuy nhiên phải nắm vững một số đặc điểm và tập tính của lợn rừng để bố trí chuồng trại. Nên chọn chỗ đất cao và thoát nước tốt để nuôi. Chỗ nuôi nên có nguồn nước sạch; chuồng trại càng cách xa khu dân cư và đường sá càng tốt. Bản năng hoang dã đã đưa chúng vào tình trạng hết sức cảnh giác và luôn hoảng hốt bỏ chạy khi nghe có tiếng động. Ta có thể nuôi lợn rừng theo kiểu thả rông trong những khu vực có cây xanh, có rào che chắn xung quanh.
Điều quan trọng là hệ thống hàng rào phải hết sức chắc chắn. Có thể vây lưới B40 thành các vườn nuôi tự nhiên, có móng kiên cố (vì lợn rừng hay đào hang), mỗi vườn nuôi rộng 50-100 m2 (tùy theo khả năng đất đai) trong đó có chuồng nuôi rộng 20-30 m2 nuôi khoảng 4-5 lợn cái trưởng thành, chúng sẽ sống và sinh sản trực tiếp trong khu vực này. Lợn đực giống nuôi riêng, mỗi con một vườn, mỗi vườn nuôi rộng 40-50 m2 trong đó có chuồng nuôi rộng 5-10 m2.
Chuồng nuôi có mái che mưa, che nắng, cao trên 2,5m, nền đất tự nhiên, có độ dốc 2-3%... đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tránh nắng nóng, mưa tạt, gió lùa...
IV. Thức ăn và khẩu phần thức ăn:
Bao gồm, thức ăn thô xanh (các loại cỏ, cây, mầm cây, rễ cây ), thức ăn tinh (hạt ngũ cốc, củ quả), thức ăn bổ sung muối khoáng như: tro bếp, đất sét, hỗn hợp đá liếm... Thực tế cho thấy, lợn rừng thường tìm đến nương rẫy mới đốt kiếm tro, đất sét để ăn... Khẩu phần thức ăn cho lợn rừng thông thường: 50% là rau, củ, quả các loại (có thể sản xuất tại trang trại), 50% là cám, gạo, ngũ cốc các loại, bã bia, bã đậu . . .
Mỗi ngày cho ăn 2 lần (sáng, chiều), một con lợn lai trưởng thành tiêu thụ hết khoảng 2-3 kg thức ăn các loại. Thức ăn của lợn rừng chủ yếu là thực vật. Không nên lạm dụng thức ăn giàu dinh dưỡng để nuôi lợn rừng vì nó sẽ làm cho phẩm chất thịt bị biến đổi và nhiều khi làm cho lợn bị bệnh rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy... Cần có đủ nước sạch và mát cho lợn uống tự do. Hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại, dọn bỏ thức ăn thừa, rửa sạch máng ăn, máng uống...
VI. Công tác thú y:
Lợn rừng là động vật hoang dã mới được thuần hóa, nên sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, lợn rừng cũng thường bị một số bệnh như: dịch tả, tiêu chảy, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, bệnh sán lá , bệnh ghẻ lở và một số bệnh thông thường khác...
Bệnh về đường tiêu hoá (như chướng bụng, đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc thức ăn...): khi lợn rừng mắc một số bệnh về đường tiêu hoá có thể dùng các loại thuốc trị đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu cho uống hay tiêm hoặc có thể dùng 5-10 kg rau dừa dại cho lợn ăn hoặc có thể bổ sung thức ăn, nước uống đắng, chát như: ổi xanh, cà rốt, rễ cau, rễ dừa... cũng có thể khỏi.
Để phòng bệnh, thức ăn phải đảm bảo vệ sinh, đầy đủ dinh dưỡng và không nên sử dụng các loại thức ăn hôi thối, ẩm mốc. . . Để lợn rừng sinh trưởng và phát triển tốt có phẩm chất thịt ngon, người chăn nuôi không được lạm dụng quá 50% thức ăn tinh bột; luôn đảm bảo khẩu phần có 50% thức ăn thô xanh. Tuy là giống lợn hoang dã nhưng bà con cần chú ý khâu vệ sinh, phòng bệnh cho lợn, tránh trường hợp phó mặc cho tự nhiên làm ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh trưởng và phát triển của lợn rừng.
Nguyễn Thị Nhàn - (Trung tâm Khuyến nông Yên Bái)
Các tin khác
Trước những diễn biến phức tạp và đặc thù cúm lợn A (H1N1) làm hàng chục người Mexico thiệt mạng, bị biến thể sang dạng “nguy hiểm hơn, chiều 27/4 Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam có thông báo các cơ sở y tế và người dân các biện pháp chủ động phát hiện và phòng, tránh cúm lợn (H1N1).
Hôm 21/4, các nhà khoa học châu Âu đã phát hiện ra hai hành tinh có nhiều đặc điểm tương đồng với Trái đất.
GE Healthcare (thuộc Tập đoàn General Electric) vừa công bố tại Hà Nội dòng sản phẩm máy chụp tia X-quang kỹ thuật số được công nhận là những sản phẩm sáng tạo vì sinh thái, nhờ hiệu suất năng lượng và vận hành cao của hệ thống.
Ngày 13-4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học-Công nghệ và Liên hiệp Các hội Khoa học-Kỹ thuật VN đã công bố ba giải thưởng về khoa học, bao gồm: Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ VN (VIFOTEC), giải thưởng WIPO và giải thưởng của Thụy Sĩ dành cho sinh viên sáng tạo Việt Nam năm 2008.