Yên Bái: Khi "cảnh sát thôn" vào cuộc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Để thực hiện tốt Nghị quyết 32 của Chính phủ về tăng cường các biện pháp kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, tháng 8/2007, huyện Yên Bình là địa phương rất tích cực triển khai đến lực lượng công an xã, công an viên thực hiện xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, trên các tuyến đường liên thôn, liên xã. Cũng từ đây, người dân thôn quê gọi vui họ là "cảnh sát thôn".

Công an xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu) kiểm tra, xử lý đối tượng không chấp hành TTATGT. (Ảnh: Đức Hồng)
Công an xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu) kiểm tra, xử lý đối tượng không chấp hành TTATGT. (Ảnh: Đức Hồng)

Trước khi thực hiện nhiệm vụ, cảnh sát thôn đã được tập huấn nghiệp vụ kỹ lưỡng, đảm bảo cho thi hành công vụ. Sau khi tập huấn, các xã đều thành lập ban chỉ đạo ATGT; mở hội nghị quân dân chính để triển khai tinh thần của Nghị quyết 32; tổ chức cho nhân dân học tập chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về TTATGT; tổ chức cho nhân dân ký cam kết thực hiện...

Đồng thời với các hoạt động trên, công an các xã tiến hành xử lý các vi phạm TTATGT. Trong đó, xử lý các vi phạm tĩnh chủ yếu là các trường hợp cây cối, hàng rào lấn chiếm hành lang ATGT, che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông; tập kết vật liệu xây dựng, khai thác gỗ ven đường...không đúng quy định. Đến ngày 15/12/2007, khi người tham gia giao thông trên mọi tuyến đường  bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm thì công an các xã  tiến hành tuần tra xử lý các vi phạm đối với người, phương tiện tham gia giao thông (xử lý động). Cho đến nay, công tác triển khai đã được gần một năm và khi đến với một số xã trên tuyến tỉnh lộ 170 (đường Đông hồ Thác Bà) thuộc địa bàn huyện Yên Bình là một tuyến xa trung tâm huyện, mật độ người, phương tiện tham gia giao thông lớn, trình độ dân trí không đồng đều...mới thấy được việc triển khai nhiệm vụ của cảnh sát thôn về  TTATGT thật lắm gian nan và nguy hiểm!

Tại xã Vĩnh Kiên-một xã thuộc điểm nút của tuyến đường Đông hồ Thác Bà và tuyến đường từ cầu Thác Ông đi Tuyên Quang, quả thực vấn đề TTATGT vô cùng phức tạp. Ông Nguyễn Khải-Trưởng công an xã cho biết: "Riêng xã Vĩnh Kiên có 1300 hộ thì có tới trên 1.500 xe máy. Không những thế, người từ các xã: Bạch Hà, Yên Bình và từ tỉnh Tuyên Quang đi  qua đường liên thôn xã của Vĩnh Kiên cũng rất đông. Bình quân mỗi năm trên các tuyến liên thôn xã xảy ra từ 4-5 vụ tai nạn giao thông và 15-20 vụ va quệt. Vì vậy, công an xã mà lơ là nhiệm vụ thì TTATGT sẽ diễn biến hết sức phức tạp".

Tuy nhiên, khi cảnh sát thôn thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm lại không hề đơn giản. Khi được học tập và ký kết thực hiện ATGT thì người dân ai cũng ủng hộ, nhưng khi vi phạm bị xử lý thì họ phản ứng rất gay gắt. “Cảnh sát thôn” bị đối tượng vi phạm lăng mạ là chuyện rất bình thường. Sức ép tâm lý đối với “cảnh sát thôn” trong thi hành nhiệm vụ cũng rất lớn, bởi không ít những đối tượng vi phạm đe doạ tấn công hoặc trả thù người thi hành công vụ dưới nhiều hình thức.

 Trong các làng xã, mối quan hệ cộng đồng và dòng họ là rất chặt chẽ, cho nên khi xử lý người vi phạm rất dễ kéo theo những rạn nứt trong quan hệ tình cảm. Đêm đi tuần tra, “cảnh sát thôn” chỉ có chiếc đèn pin, đối tượng vi phạm thì đèn xe máy sáng hơn nên rất khó phát hiện. Khi phát hiện được thì không được đuổi theo vì tránh cho đối tượng gây tai nạn. Vì thế, “cảnh sát thôn” lại phải bí mật theo sau chờ đối tượng vi phạm dừng lại rồi mới xử lý. Hành vi vi phạm có khi chỉ diễn ra trong quãng đường vài trăm mét đi từ nhà nọ đến nhà kia, hoặc khi chở bao phân ra ruộng.

Có trường hợp khi gặp “cảnh sát thôn”, người vi phạm quay xe theo đường mòn...nên rất khó cho xử lý. Hầu hết “cảnh sát thôn” tuổi đời còn trẻ, con nhỏ, kinh tế nhiều khó khăn, phụ cấp chỉ có 100 nghìn đồng/tháng, xăng xe đi làm nhiệm vụ phải bỏ tiền túi. Theo quy định thì tiền  thù lao trích 70% tổng số tiền xử phạt vi phạm (khoảng trên dưới một triệu đồng với mỗi xã cho cả lực lượng trên dưới chục người) nhưng từ khi được triển khai đến nay vẫn chưa được thanh toán nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến đời sống của lực lượng này...

Cùng chung những khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng công an xã Yên Thành cùng huyện Yên Bình - một xã từng là điểm nóng về TTATGT, trong đó có cả nguyên nhân chính từ trình độ dân trí thấp đã cho biết thêm: "Địa bàn chúng tôi giáp ranh với tỉnh Tuyên Quang nên ban đêm thanh niên từ bên đấy sang chơi cũng nhiều. Thanh niên trẻ đi chơi đêm thường mang theo vũ khí, tâm lý lứa tuổi lại hay manh động, nên khi đi làm nhiệm vụ vào ban đêm chúng tôi cũng khó tránh khỏi những nguy hiểm đe doạ tính mạng". Nói rồi, ông Thành chỉ vào đống vũ khí gồm dao găm, kiếm, côn... thu được khi đi làm nhiệm vụ, quả là rất đáng ngại.

Khó khăn như vậy, nhưng những “cảnh sát thôn” vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vậy đâu là giải pháp để họ tạo ra hiệu quả của công việc? Khi tiếp xúc với cán bộ công an của một số xã trên tuyến tỉnh lộ 170 thuộc huyện Yên Bình, họ đã nói về các biện pháp nghiệp vụ khi thi hành nhiệm vụ là khá đồng nhất với nhau.

Nếu như công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý luôn gặp trở ngại thì công tác tuyên truyền giáo dục, vận động động nhân dân chấp hành TTATGT luôn được Công an xã coi trọng. Yên Thành-một xã đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đa số là người Dao, dân trí thấp nên từ cuối năm 2007 đến nay, Công an xã đã tổ chức vài trăm lượt tuyên truyền về ATGT đến các thôn qua loa truyền thanh và loa, đài lưu động trên xe máy. Khi tiến hành tuần tra, kiểm soát, “cảnh sát thôn” chấp hành tốt việc ghi nhật ký thật đầy đủ. Những trường hợp vi phạm nhẹ và là người trong xã, được “cảnh sát thôn” nhắc nhở và ghi lại số xe để khi họp thôn sẽ thông báo và nêu hình thức xử lý tiếp theo nếu như tái phạm. Trường hợp phải xử lý thì xử lý nghiêm minh thật nghiêm. Chẳng hạn, một chị cán bộ xã Vĩnh Kiên, vì nể một người xin đi nhờ lên xã khám bệnh và họ không đội mũ bảo hiểm nên chị cán bộ này đã bị phạt.

Ông Nguyễn Cương công tác ở một trường học trên tuyến Đông hồ, lâu rồi mới về quê ở xã Bạch Hà và vi phạm TTATGT cũng kiên quyết xử lý và Bạch Hà cũng là một xã triển khai mạnh nhất về công tác xử phạt vi phạm...Đó là một vài ví dụ cho tinh thần xử lý nghiêm minh khi thi hành nhiệm vụ của “cảnh sát thôn”. Đối với tình huống có thể dẫn đến nguy hiểm, đội tuần tra phải phân công canh phòng cẩn thận khi tiến hành xử lý. Về ban đêm, chỉ tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ vào giờ cao điểm khi mọi nhà còn thức để khi có tình huống xấu đe dọa tính mạng người thi hành công vụ, sẽ tranh thủ được sự phối hợp của nhân dân.

Bên cạnh các giải các giải pháp trên, công an các xã còn đặc biệt chú ý đến việc xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát sát với tình hình thực tế để trình chủ tịch UBND xã duyệt, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả; tổ chức họp giao ban chuyên môn theo tuần để đề xuất những giải pháp thực hiện tốt nhất; phối hợp mở các cụm thi lấy giấy phép lái xe cho nhân dân...

Những giải trên đã tạo ra những kết quả đáng khích lệ. Người tham gia giao thông đã nhận thấy sự nghiêm minh trong công tác xử lý, nhận thấy những lợi ích thiết thực để chấp hành tốt TTATGT. Những người nông dân vốn chất phác và luôn thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giờ đây không muốn chỉ vì những vi phạm không đáng có sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống khi tham gia giao thông. Chẳng hạn, xã Yên Thành-một điểm nóng về TTATGT thì từ đầu năm 2008 đến nay chưa có trường hợp nào bị lập biên bản xử lý.

Hoàng Nhâm  

Các tin khác
Xe quá khổ, quá tải tham gia giao thông làm xuống cấp nghiêm trọng nhiều tuyến đường ở Trấn Yên.

YBĐT - Những năm qua, tai nạn giao thông (TNGT) ở Trấn Yên (Yên Bái) có chiều hướng gia tăng và diễn biến khá phức tạp. Hàng năm, bình quân Trấn Yên xảy ra trên 70 vụ tai nạn, va quệt giao thông, làm hàng chục người bị chết và bị thương, đó là chưa kể đến hàng nghìn vụ va quệt, tai nạn giao thông không ghi vào biên bản hồ sơ. Tai nạn giao thông (TNGT) đã làm thiệt hại hàng tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Chỉ trong chưa đầy 5 giờ đồng hồ, trên cùng một tuyến đường, 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tiếp xảy ra, cướp đi sinh mạng của 6 người.

Hai xe chất lượng cao chạy ngược chiều nhau sau khi tông nhau

Khoảng 23h ngày 17/11 trên quốc lộ 1A, đoạn phía bắc đèo Rọ Tượng (ngay trước quán cơm Thùy Trang, xã Ninh Lộc, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Phần thi kỹ năng truyền thông của đội Yên Bình với tiểu phẩm

YBĐT - Ngày 16/11/2008, Tỉnh đoàn Yên Bái phối hợp với Ban ATGT tỉnh tổ chức Hội thi: “Đội tuyên truyền thanh niên về Luật giao thông đường thuỷ nội địa năm 2008”. Tham gia hội thi có 4 đội thi với 20 thí sinh đến từ các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục