Lặng thầm sưu tầm vốn quý

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/6/2013 | 9:10:44 AM

YBĐT - Cho đến nay, người thương binh thầm lặng này đã sưu tầm và ghi lại được một khối lượng đồ sộ các loại hình văn hóa dân gian của người Tày, Nùng, Dao ở Lục Yên. Đáng quý nhất là trong bộ sưu tập của ông có nhiều bài hát, thể loại, nghi lễ của một số dân tộc đang có dấu hiệu thất truyền đã được ông ghi lại.

Ông Nguyễn Văn Quy (bên phải, hàng trên) trao lại tư liệu cho Ban Quản lý Di tích, Danh thắng tỉnh Yên Bái.
Ông Nguyễn Văn Quy (bên phải, hàng trên) trao lại tư liệu cho Ban Quản lý Di tích, Danh thắng tỉnh Yên Bái.

Trong nguồn tư liệu sưu tầm của ông Quy, hát khắp Tày có 172 bài; sưu tầm 117 bài hát then; dân ca của người Dao đỏ có 14 bài; cảnh quay nguyên gốc các thể loại: hát then, hát giao duyên, hát và lễ mừng thọ, lễ làm bụt, lễ cưới, lễ lên nhà mới của người Dao, Tày, Nùng là 25 clip; ảnh chụp hội diễn, các lớp dạy múa dân gian, hình ảnh con người và trang phục, lễ ra mắt làng văn hóa, các nghi lễ khác… tổng cộng có 1.614 file và ảnh đã in.

Ông Nguyễn Văn Quy sinh năm 1947 và quê gốc thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Năm 1967, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. Suốt những năm tháng trong quân ngũ, ông gắn bó với chiến trường Bình - Trị - Thiên khói lửa - một trong số những chiến trường khốc liệt nhất thời chống Mỹ. Tháng 2 năm 1968, ông bị thương khá nặng nhưng vẫn không rời chiến tuyến cho đến khi phục viên vào năm 1973. Trở về quê một thời gian, ông Quy cùng gia đình đi xây dựng kinh tế mới tại Lục Yên.

Ở vùng quê mới, cơ chế làm ăn còn nhiều khó khăn, ông Quy đã phải bươn trải nhiều nghề mưu sinh mà cuộc sống vẫn chẳng khá lên là mấy. Mãi sau này, cơ chế đổi thay, đời sống nhân dân dần khá lên, kéo theo nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng lớn nên ông Quy nghĩ đến việc mở hiệu bán và cho thuê băng đĩa phim, nhạc.

Một hôm bán hàng, bỗng dưng có một bà cụ người Tày đến hỏi: "Nhà chú có bán băng khắp coọi không?". Nghe vậy nhưng ông cũng chẳng hiểu khắp coọi là gì vì ông không hiểu tiếng và văn hóa của bà con dân tộc trong vùng. Ngay sau đó, nghe bà cụ giải thích, ông mới hiểu đó là một vốn quý trong kho tàng văn hóa của người Tày, Nùng còn rất ít người hát được và người dân bản địa hầu hết đều muốn được thưởng thức.

Từ suy nghĩ ấy, ông Quy trao đổi với Phòng Văn hóa huyện và báo cáo UBND huyện Lục Yên xin làm chương trình khắp coọi đầu tiên của huyện. Chương trình được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái đồng ý, cấp giấy phép phát hành. Toàn bộ kinh phí thuê đài truyền hình quay phim, trả thù lao cho nghệ nhân, thuê dựng phim đều do ông lo liệu chi trả. Chương trình này đã khẳng định những thành công ban đầu và không ngờ nhân dân địa phương lại đón nhận nhiệt tình đến thế.

Có một điều thật thú vị là khi nghe có đĩa băng khắp coọi bán ở trên huyện thì bà cụ già năm xưa đã quay lại cửa hiệu của ông để tìm mua. Ông Quy mở đĩa khắp coọi về tục hát "Ví quan làng" trong đám cưới người Tày cho cụ nghe. Bỗng ông thấy bà cụ cứ lặng lẽ khóc thầm…

Ông Quy hỏi: "Vì sao cụ khóc?", hồi lâu bình tâm trở lại, bà cụ nói: "Cháu không hiểu được đâu. Đã mấy chục năm nay, bá mới được nghe lại bài hát này đấy nên bá cảm động lắm!". Sau rồi bà cụ giải thích, nội dung bài khắp này là lời của người mẹ dặn con gái trước khi về nhà chồng: "Con ơi, bao giờ trâu không ăn cỏ thì vợ chồng con mới được bỏ nhau/Con ơi, khi nào muối không còn mặn thì vợ chồng con mới được bỏ nhau".

Ngẫm lời bài hát thật sâu sắc, đầy ý nghĩa nhân văn và vốn văn hóa dân gian các dân tộc thật quý giá nên thành công này cùng hình ảnh một cụ già nghe hát và khóc tựa như một niềm khích lệ lớn lao, đặt dấu ấn đầu tiên cho niềm đam mê sưu tầm văn hóa của ông Quy. Ông quyết định đầu tư mua một ca-mê-ra, máy tính và lặng thầm tìm tòi, ghi lại nhiều thể loại văn hóa của nhiều dân tộc trong huyện.

Ông Quy tâm sự: "Trong mười mấy năm sưu tầm, tôi thấy công việc này như thể là cái nghiệp của mình. Càng làm càng thấy say mê và thấy nó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bản thân. Đêm nằm ngủ dù không biết tiếng Tày nhưng không được nghe những giai điệu trong veo, trầm bổng, lắng sâu của khắp Tày là tôi không thể nào ngủ được".

Cho đến nay, người thương binh thầm lặng này đã sưu tầm và ghi lại được một khối lượng đồ sộ các loại hình văn hóa dân gian của người Tày, Nùng, Dao ở Lục Yên. Đáng quý nhất là trong bộ sưu tập của ông có nhiều bài hát, thể loại, nghi lễ của một số dân tộc đang có dấu hiệu thất truyền đã được ông ghi lại. Những tài sản vô giá ấy giờ đây ông đã bàn giao lại cho Ban Quản lý Di tích, Danh thắng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh quản lý và khai thác trong nghiên cứu khoa học cũng như phổ biến văn hóa.

Lý do mà ông giao lại cho tỉnh là mấy năm gần đây, ông Quy thấy sức khỏe của mình sa sút rất nhiều do bệnh tật, di chứng thương tích chiến tranh. Bởi thế, ông chủ động làm việc ấy là nhằm đề phòng lỡ có rủi ro nào thì ông không kịp bàn giao lại những vốn quý ấy cho cơ quan chuyên môn…

Ông Tạ Xuân Hiếu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho rằng, nếu lập dự án và triển khai sưu tầm được một khối lượng đồ sộ tư liệu như thế này thì phải cần tới cả tỷ đồng. Vậy mà thương binh hạng 3/4 Nguyễn Văn Quy chỉ với tấm lòng yêu văn hóa dân gian đã lặng thầm không đòi hỏi một đồng thù lao nào để sưu tập được nguồn tư liệu vô giá ấy cùng với lời hứa: "Nếu còn khỏe, còn đi được thì tôi vẫn tiếp tục sưu tầm".

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Người dân thôn Nặm Tọ, xã Thạch Lương vệ sinh đường làng.

YBĐT - Học tập và làm theo Bác, năm 2012, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã mạnh dạn đăng ký 3 mô hình thực hiện, tiêu biểu là mô hình "Giảm 6% - 7% hộ nghèo/năm" và mô hình "Đảm bảo vệ sinh môi trường” tại thôn Nặm Tọ.

Hỗ trợ chính sách thuế cho người nộp thuế tại bộ phận giao dịch “một cửa” Cục thuế tỉnh.
(Ảnh: Linh Nhung)

YBĐT - 7 năm qua, Cục Thuế Yên Bái đã xây dựng chương trình hành động để thực hiện tốt cuộc vận động này. Nhiều tấm gương tiêu biểu trong công tác thuế, nhiều đề tài, sáng kiến, cải tiến cùng những việc làm thiết thực đã được triển khai thực hiện và nhân rộng trong toàn ngành.

Nhân dân thôn Đát Rẻ, xã Vĩnh Kiên tự nguyện đóng góp tiền và công lao động để bê tông hóa đường liên thôn.
(nh: Đức Thành)

YBĐT - Thời gian qua, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị 11 của Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Bình đã được huyện tổ chức quán triệt sâu sắc tới đội ngũ cán bộ chủ chốt từ huyện đến cơ sở, triển khai sâu rộng tới toàn thể đảng viên, nhân dân.

YBĐT - Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Đảng bộ xã Lâm Giang (Văn Yên) đã đạt được nhiều kết quả, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn địa phương thêm nhiều khởi khắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục