Đặc biệt đối với bà con dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao khó khăn là mục tiêu hướng đến trong Nghị quyết chuyên đề năm 2017 của Chi bộ Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên về tổ chức thực hiện xây dựng mô hình "Vườn rau gia đình”.
Anh Nguyễn Ngọc Hoàn - cán bộ khuyến nông viên cơ sở phụ trách xã Xuân Tầm đã vận động được 4 hộ dân tộc Dao thực hiện trồng rau tại vườn nhà, hai hộ ở thôn Khe Đóm và hai hộ ở thôn Khe Chung.
Đồng bào địa phương trước giờ chỉ quen với cây cải nương, rau mét, củ măng, dây bí đỏ trên nương vốn đều là những thứ tự mọc, dễ trồng, không cần chăm sóc, tiện nhất là đi làm nương về quơ một nắm đã có bát canh. Gặp hôm mưa gió lâu lâu, nương thì xa, đi thì ngại, thả một gói mì tôm vào nồi nước sôi là cũng thành canh được ngay. Thói quen lặp lại qua ngày, qua tháng cũng khó thay đổi như cái cây có rễ cọc bám sâu vào lòng đất.
Anh Hoàn chia sẻ: "Ở vùng cao này, việc gì phải vận động bà con cũng đều khó hết, chả có việc gì dễ đâu chị à! Trồng rau vườn nhà, bà con còn ngại thay đổi, ngại phải mất công nhiều, chưa kể tới các giống rau còn lạ với khẩu vị, lại chưa có cơ sở cung ứng giống ngay tại địa bàn”.
Xuân Tầm có 8 thôn, chỉ tiêu của Trạm giao phải vận động mỗi thôn có một hộ trồng rau vườn nhà, như thế công việc cuối năm của anh Hoàn còn không nhỏ. Bốn hộ đã vận động thành công đều có vài chục mét vuông trồng rau mét, rau ngót, đu đủ, rau muống. Rất ưa cây rau mét nên bà con vẫn cứ mang nó từ nương về trồng tại vườn nhà bên cạnh việc làm quen với những giống rau mới.
Với anh Hoàn, việc thực hiện mô hình này có thêm động lực rất lớn bởi theo kế hoạch của xã ngay từ đầu năm, vụ đông tháng 10 sắp tới sẽ hỗ trợ giống cải bắp, su hào, cải bẹ, cải thìa, bí để trồng 2 ha ngay trên cánh đồng trước trụ sở UBND xã khi gặt xong lúa mùa vào giữa tháng 9.
Tham mưu này cho chính quyền địa phương bắt nguồn từ những yếu tố thực tế mà anh Hoàn theo dõi những năm qua về nhu cầu rau xanh, có đủ thời gian, khí hậu phù hợp và qua hiệu quả cụ thể mà anh đã mạnh dạn thử nghiệm từ vụ đông năm ngoái.
Vườn nhà chị Chu Thị Đánh, dân tộc Dao quần trắng ở thôn 2 Khe Giềng, xã Quang Minh lúc này chỉ còn giàn mướp đắng, vài dây bí phấn. Trả lời câu hỏi vì sao vườn lại trống, chị đáp: "Tháng 9 mới trồng nhiều rau hơn chứ vì khi ấy dễ trồng mà, rau lên tốt lắm nhá. Mùa này á, các nhà chỉ có rau trên nương thôi, rau bí một tí này, rau cải nương một tí này”.
Hỏi việc trồng rau trên nương rồi trồng rau vườn nhà, vô tư chị cười vang: "Nói thật nhá, rau nương ngon hơn đấy mà lại tự lớn chứ rau vườn thì phải bón nhiều phân chuồng, cũng ngại đấy. Nhưng được cái là trời có mưa to, mưa dài thì không phải ra nương xa nữa vẫn có rau ngay vườn, ăn đủ ba bữa mỗi ngày rồi”.
Câu chuyện chị kể là khuyến nông viên Lý Xuân Thắng trong các cuộc họp thôn cứ nói suốt về việc trồng rau vườn nhà không nên phun thuốc hóa học, nên bón nhiều phân chuồng, đỡ tốn tiền lại tốt cho sức khỏe. Chẳng phải mỗi nhà chị đâu, cán bộ nói nhiều lắm, nghe rồi làm theo, trước trồng ít rau, nay trồng nhiều hơn ở vườn nhà mà thường ra giêng và vụ đông trồng nhiều bắp cải, tầm bóp, rau ngót. Nương nhà, chị cũng vẫn có bí đỏ, rau mét, bỏ làm sao được.
Anh Lý Văn Nêu - Trưởng thôn 4 Khe Búng, xã Quang Minh rành rẽ từng gia đình thôn mình: "Dù chỉ là tận dụng một, hai mét vuông nhưng trăm phần trăm các hộ thôn tôi đều mùa nào rau nấy như rau mét, rau ngót, rau cải, mồng tơi, rau muống, rau đay, bí, mướp… Mùa đông, rau dễ trồng hơn nên khoảng gần nửa trong số 103 hộ không phải mua thêm rau ăn hàng ngày. Vận động bà con trồng rau vườn nhà cũng cần phải có thời gian vì hiện giờ họ vẫn trồng trên nương nhiều hơn vì không phải chăm sóc”.
Trưởng thôn cũng có mảnh vườn 60 m2 đang xanh rau ngót, rau cải: "Không có để bán đâu nhưng cũng có để cho hàng xóm”. Anh cho biết thêm, khuyến nông viên Lý Xuân Thắng thường xuyên tuyên truyền về việc thu rạ, đốt rơm và tận dụng phân chuồng, bón phân vi sinh cho rau.
Kinh doanh hàng tạp hóa, chị Nguyễn Thị Mai ở thôn 2, xã Mậu Đông tự cho rằng "lười lắm” nên mảnh vườn nhà trồng vài thứ cây nhì nhằng mà như hồi nọ ngày nào cũng phải mua rau ăn. Càng ngày càng thấy qua ti vi nói đến "phát sợ” về rau không an toàn nhưng chị cũng chỉ là "lo rồi để đấy”. Đến cuối năm ngoái, con gái mua bắp cải về, ăn một nửa, quên bẵng một nửa mà đến tháng trời sau cứ thấy tươi nguyên thì "nỗi sợ hãi” trong chị mới bắt đầu "rục rịch thành hành động”.
Đúng thời điểm khi được khuyến nông viên Nguyễn Thị Trang vận động trồng rau ăn tại vườn nhà, chị càng quyết tâm "phải làm ngay”. Thế là mảnh vườn nhỏ ấy đã nhanh chóng có đủ rau ngót, rau cải... cho bữa cơm hàng ngày của vợ chồng chị cùng mẹ già.
Nghĩ lại khoảng thời gian trước, chị vẫn chưa thôi ý nghĩ: "Mình thật không phải bởi đất thì bỏ phí mà lại tốn tiền mua rau ăn, rau không an toàn thì chính là tự mua bệnh cho mình, cho mọi người trong nhà. Từ mình ngó ra xung quanh cũng thấy còn nhiều người như mình nên mong sao ai có đất thì cũng bớt chút thời gian để có rau sạch cho cả gia đình”.
Ở thôn 6 cùng xã Mậu Đông, hộ chị Nguyễn Thị Thủy hiện có 300 m2 trồng rau cải củ, cải thìa, cải canh. Bán ở chợ Mậu A và các quán ăn trên địa bàn thị trấn, mỗi cân rau được giá 12.000 đồng. Chị Thủy kể: "Trước đây, nhà tôi chỉ trồng 50 m2 là đủ rau ăn. Từ đầu năm nay, cô Trang khuyến nông viên vận động mở rộng diện tích, tôi mới trồng nhiều thế này”.
Theo lời chị Thủy, trồng rau thì giá giống không đáng kể, phân bón thì sẵn phân chuồng vì nhà nuôi 1 con trâu và 10 con lợn thịt, trấu ủ phân cũng sẵn do nhà làm dịch vụ xay xát mà rau ăn thoải mái, an toàn, không lãng phí đất, tận dụng được thời gian rảnh rỗi, nhất là với nhà nông lại có thêm một khoản thu nhập. "Nhà nông chúng tôi thêm đồng nào là tốt đồng nấy, tôi rất thích trồng thêm tý nữa nhưng chẳng còn đất”, chị Thủy tiêng tiếc.
Mở rộng diện tích vườn nhà trồng các loại rau cải, hộ chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn 6, xã Mậu Đông đã có thêm nguồn thu nhập từ bán lẻ cho các quán ăn, người dân thị trấn Mậu A.
Việc xây dựng mô hình "Vườn rau gia đình” được Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên triển khai thông qua cụ thể hóa Nghị quyết chuyên đề năm 2017 của Chi bộ Trạm. Bắt đầu thực hiện từ đầu năm, mỗi khuyến nông viên cơ sở phụ trách xã nào phải vận động được ở mỗi thôn có một hộ làm vườn rau gia đình và thực hiện ở tất cả các thôn trong xã đó đồng thời cung ứng luôn các giống rau cho người dân.
Các giống rau đưa vào mô hình cơ bản phù hợp với khí hậu các địa phương và cũng làm đa dạng thêm nguồn rau xanh trong bữa ăn của các gia đình. Trạm đã tổ chức ra quân thực hiện mô hình tại xã Xuân Tầm và xã Phong Dụ Hạ.
Mô hình này được tổ chức thực hiện có sự phối hợp cùng Hội Phụ nữ huyện. Bà Nguyễn Thanh Huyền - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên cho biết: "Nghị quyết chuyên đề năm 2017 được Chi bộ xây dựng trên cơ sở tại nhiều gia đình, ở các xã, thị trấn là đất vườn có nhưng lại để phí trong khi rau ăn không có, hoặc không đủ, nhất là với các địa phương vùng cao. Qua mô hình, chúng tôi mong muốn thay đổi nhận thức và thói quen của người dân, sử dụng đất triệt để, chủ động rau ăn trong gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống một cách hết sức cụ thể và thiết thực”.
Đến thời điểm ngày 15/8/2017, theo thống kê của đội ngũ khuyến nông viên phụ trách xã, đã có 508 hộ thực hiện mô hình tại 27 xã, thị trấn. Với tổng số 312 thôn trong toàn huyện, kết quả này đạt tỷ lệ khoảng 70% so với yêu cầu đặt ra là mỗi thôn phải có một hộ thực hiện mô hình.
Mục tiêu phấn đấu của đơn vị đến cuối năm nay sẽ hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi vụ đông thường dễ trồng rau ăn hơn vụ hè bởi mùa hè mưa nhiều, khó chăm sóc lại ít loại rau hơn. Kết quả thực hiện mô hình "Vườn rau gia đình” ở Văn Yên đã bước đầu tạo ra chuyển biến trong nhận thức và việc làm của người dân, mang đến lợi ích thiết thực trong mỗi gia đình.
Nguyễn Thơm