Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện đột phá cải cách hành chính, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mục tiêu được tỉnh đặt ra, đó là tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các chỉ số PAPI, đạt được sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính của tỉnh và từng bước nâng cao vị trí xếp hạng của tỉnh trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Chỉ số PAPI xuất phát chính từ yêu cầu trả lời những vấn đề đặt ra trong quá trình cải cách hành chính (CCHC) như: cơ chế nào để người dân tham gia tích cực và hữu hiệu vào công tác giám sát và phản biện xã hội; làm thế nào để những tâm tư, nguyện vọng của người dân phản ánh thực sự được các cấp, các ngành lắng nghe nhằm hoàn thiện các chính sách và hành động trên tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; làm thế nào để tạo ra một môi trường tương tác thân thiện hơn giữa người dân và bộ máy hành chính Nhà nước, trong khi sự thiếu vắng những thước đo hiệu quả của bộ máy Nhà nước trong cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá của người dân.
Chỉ số PAPI năm 2019 điều tra xã hội học đối với người dân trên địa bàn tỉnh qua 8 trục nội dung và 29 nội dung thành phần với thang điểm là 80 điểm.
Trong 29 chỉ số nội dung thành phần đạt, nhóm đạt cao nhất có 8/29 nội dung; trung bình cao 3/29 nội dung; trung bình thấp 6/29; thấp nhất 12/29 nội dung.
Trong 8 chỉ số nội dung được đưa ra khảo sát đánh giá, có 2/8 chỉ số nội dung nằm trong nhóm cao nhất, đó là chỉ số thủ tục hành chính công đạt 7,5 điểm/thang điểm tối đa là 10 (gồm 4 nội dung thành phần: cung ứng dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền; dịch vụ cấp phép xây dựng; thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; dịch vụ hành chính công cấp xã/phường) và chỉ số cung ứng dịch vụ công (gồm 4 nội dung thành phần: dịch vụ y tế công lập; dịch vụ giáo dục tiểu học công lập; cơ sở hạ tầng căn bản; an ninh trật tự khu dân cư) đạt 7,55 điểm, tăng 0,39 điểm so với năm 2018. Ở nhóm trung bình cao đạt 1 chỉ số nội dung; 4 chỉ số nội dung ở nhóm trung bình thấp; quản trị điện tử là chỉ số nội dung trong nhóm thấp nhất.
So sánh với năm 2018, chỉ số PAPI năm 2019 của tỉnh thấp hơn 0,38 điểm. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do các ngành, các cấp, địa phương chưa đưa ra được các giải pháp hữu hiệu, sát thực tế để khắc phục những tồn tại, yếu kém; việc tổ chức triển khai thực hiện chưa đồng bộ, thiếu rõ ràng và còn chồng chéo; nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính quyền các cấp, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và người dân về chỉ số PAPI, nhất là quyền, trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào công tác chính trị tại cơ sở gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo hướng đi vào thực chất, đảm bảo đúng các lĩnh vực dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra… còn hạn chế.
Yêu cầu nhiệm vụ được đặt ra đối với các cấp, các ngành là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, công khai, minh bạch nội dung khảo sát chỉ số PAPI đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân để tham gia khảo sát trả lời nội dung bảng hỏi phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Theo đó, chú trọng hướng tới đối tượng người dân tại cơ sở; đẩy mạnh các hoạt động có sự tham gia rộng rãi của người dân, tạo cơ hội tham gia bình đẳng, thông tin đầy đủ, minh bạch. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã; tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân biết và sử dụng Cổng thông tin điện tử và các dịch vụ công trực tuyến của Trung ương và của tỉnh, từng bước nâng cao vị trí xếp hạng của tỉnh trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Minh Thúy