Ông Nguyễn Trí Đại - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: "BHXH tỉnh đã chú trọng, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như tăng cường xử lý các hồ sơ trực tuyến hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh việc tích hợp TTHC trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; đẩy mạnh giao dịch điện tử, truyền thông về sử dụng dịch vụ công trực tuyến...”.
Theo đó, BHXH tỉnh đã thường xuyên rà soát, đơn giản hóa các TTHC thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam và đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về hồ sơ, quy trình, thủ tục thực hiện giải quyết các TTHC trên tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ từ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đến giải quyết, chi trả các chế độ theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN; các tổ chức, doanh nghiệp và người dân được nhận kết quả giải quyết công việc trong thời gian ngắn nhất. Đặc biệt, việc lấy dữ liệu Hộ gia đình làm trung tâm, căn cứ trong việc quản lý đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động... đã tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị, doanh nghiệp và người dân tham gia.
Trong 5 năm trở lại đây, số lượng TTHC đã giảm trên 75%, từ 115 thủ tục xuống còn 27 thủ tục. BHXH tỉnh tích cực cải cách TTHC thông qua triển khai giao dịch điện tử; tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo đó, doanh nghiệp đã không phải trực tiếp đến làm thủ tục nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan BHXH như trước đây.
Hiện nay, đã có trên 90% đơn vị thực hiện giao dịch điện tử; 100% đơn vị sử dụng lao động thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu chính.
Thực hiện tốt việc tổ chức bộ phận "một cửa” tại BHXH tỉnh, BHXH cấp huyện qua hệ thống "Một cửa điện tử tập trung”, đảm bảo công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, đáp ứng mục tiêu cải cách TTHC của ngành đề ra.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ đã góp phần rút ngắn thời gian, chi phí giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH.
Đến nay, BHXH tỉnh đã triển khai 19 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 trong đó có 6 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 13 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tích hợp và thực hiện 27 TTHC trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Đặc biệt, BHXH tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai việc cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số với các tính năng cơ bản như: sổ BHXH điện tử, thẻ BHYT điện tử, sổ khám chữa bệnh, sổ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH… đã thu hút hàng nghìn người sử dụng, là một dấu ấn quan trọng trong quá trình đẩy mạnh ứng dựng thông tin, chuyển đổi số để quản lý, điều hành, phục vụ cá nhân, tổ chức của ngành BHXH nhằm đưa chính sách bảo hiểm xã hội đến gần người dân hơn.
Trong thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu quả thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp hành chính trên địa bàn tỉnh. Ngành cũng tập trung tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành trong đó tiếp tục vận hành và triển khai có hiệu quả các phần mềm nghiệp vụ hướng tới tin học hóa toàn diện hoạt động nghiệp vụ; tích hợp các dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết ở mức độ 3 và mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện tốt việc tiếp nhận, trả kết quả TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và Bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện.
Đồng thời, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của công chức, viên chức, người lao động nhất là viên chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc với tổ chức và nhân dân.
Văn Thông
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu