Nhận thức rõ vai trò của mạng xã hội cũng như những thách thức đặt ra trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Ban Chỉ đạo 35 huyện Văn Chấn đã quan tâm phát triển và sử dụng mạng xã hội làm phương tiện tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin, định hướng dư luận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; khuyến khích các tổ chức và cá nhân cung cấp, đăng tải, chia sẻ, bình luận các thông tin chính thống lên mạng xã hội.
Để định hướng được dư luận xã hội, Huyện ủy Văn Chấn đã xây dựng được đội ngũ cốt cán, cộng tác viên, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin định hướng cho họ; thiết lập được mạng lưới thông tin 2 chiều từ huyện đến xã và thôn bản, thành lập nhóm Zalo "Báo cáo viên”, nhóm "Bí thư cấp ủy”, "nhóm lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể”, "Nhóm tuyên truyền viên” gồm cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy và tuyên truyền viên, thông tin viên là bí thư, trưởng thôn, bản, tổ dân phố, bí thư chi đoàn.
Các thành viên trong nhóm Zalo khi có yêu cầu chỉ đạo từ quản trị viên là lãnh đạo, thư ký của Ban Chỉ đạo 35 cấp huyện sẽ đồng loạt đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội và ngược lại, các tuyên truyền viên, cộng tác viên khi có thông tin từ cơ sở như: tin sự kiện, hoạt động ở cơ sở, người tốt, việc tốt, những vụ việc nảy sinh ở cơ sở hay phát hiện trên mạng xã hội thì các thành viên gửi thông tin riêng cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo 35, lãnh đạo, chuyên viên của Ban Tuyên giáo tiếp nhận và xử lý kịp thời.
Cùng với đó, Huyện ủy chỉ đạo không để "khoảng trống thông tin” để kẻ xấu a dua lợi dụng vào sự hiếu kỳ của công chúng để loan tin giả, sai sự thật, bóp méo sự thật bằng những tiêu đề "giật gân”, "câu khách” dưới các dạng như: thông tin sự việc, đặt câu hỏi, bỏ ngỏ vấn đề để bạn đọc suy ngẫm… với những thông tin trộn lẫn thật giả, kích thích tính hiếu kỳ, tò mò của cộng đồng mạng vào các trang Facebook, blog và các tờ báo điện tử có nội dung phản động, gây tâm lý hoang mang, bán tín, bán nghi...
Đây là thủ đoạn chúng lợi dụng việc báo chí chính thống khi đưa tin đều phải qua quá trình tiếp cận thực tế, kiểm định nguồn tin, biên tập, thông qua mới cho đăng tin, bài (thậm chí, để bảo đảm tính chính xác của thông tin và tính toán lợi ích của việc đưa tin, một số vấn đề cụ thể nào đó, có thể bị chậm trễ khi đưa tin). Lợi dụng "khoảng trống thông tin” này, chúng phát tán ồ ạt, trực tiếp những tin, bài xuyên tạc, bóp méo sự thật bằng những tiêu đề "giật gân”, "câu khách” về những gì dư luận đang quan tâm, nhất là các vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực.
Không để "khoảng trống thông tin”, trang fanpage Bản tin Văn Chấn thành lập tháng 6/2020 hiện nay có trên 10.000 người theo dõi, đăng tải 15 - 20 tin, bài/tuần, hàng tháng bình quân có khoảng 1-1,5 triệu người tiếp cận, tương tác.
Toàn huyện có 251 trang fanpage, khi có nội dung cần tuyên truyền, đấu tranh, phản bác thông tin sẽ có sự lan tỏa rất nhanh. Bên cạnh đó, bí thư các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, cán bộ, đảng viên được hướng dẫn cài đặt và thường xuyên truy cập app thông tin tuyên giáo; 24/24 xã, thị trấn, 100% các cơ quan, ngành, đoàn thể đều có nhóm zalo; 100% các cơ quan có nhóm Zalo; phổ cập việc sử dụng app "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”, Yên Bái-S;…. Khi có những vụ việc bức xúc xảy ra, thông tin "nóng” được dư luận quan tâm đã được Ban Chỉ đạo 35 huyện phối hợp với cơ sở xử lý kịp thời hơn, hiệu quả tốt hơn, không để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động khiếu nại gây mất ổn định chính trị - xã hội.
"Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, "phủ xanh” thông tin, các trang fanpage của huyện cập nhật thường xuyên thông tin về người tốt, việc tốt, các gương điển hình tiên tiến; các hoạt động của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, hình ảnh về lao động, sản xuất, cuộc sống thường ngày của người dân đa dạng về lứa tuổi, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo.
Huyện ủy, trực tiếp là Ban Chỉ đạo 35 chủ động dự báo tình hình để "đi trước”, thông tin định hướng trước khi có các sự kiện như: trước các cuộc bầu cử, đại hội, ngày lễ lớn của đất nước, địa phương; sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng; ngày lễ, tết theo phong tục tập quán của các dân tộc; ngày lễ của các tôn giáo hay trước khi triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế như: mở đường, đấu giá quyền sử dụng đất… Bởi trong những dịp như thế này, rất dễ có khả năng sẽ có những thông tin trái chiều, suy diễn thông tin không đúng với bản chất của sự việc dễ gây tâm lý hoang mang.
Huyện cũng kết hợp tuyên truyền, đấu tranh, phản bác trên không gian mạng với tuyên truyền miệng. Không phải thông tin gì cũng đưa lên mạng xã hội ngay, có việc mạng xã hội, Internet đưa trước, tuyên truyền miệng sau, có việc đồng thời song hành. Có việc tuyên truyền miệng tập trung thực hiện trước, mạng xã hội sẽ cập nhật về tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể.
Xác định rõ nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân là yếu tố quyết định, Ban Chỉ đạo 35 huyện tăng cường đan xen với tin bài về hoạt động xã hội là một số tin, bài về truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương. Thông qua những tin bài cập nhật thông tin trên các trang, hội nhóm đã giúp định hướng nhằm tạo cho mỗi thành viên theo dõi có nhận thức chính trị đúng đắn, ý thức kỷ luật khi tiếp xúc thông tin; nhận rõ tính chất nguy hại của thông tin xấu độc; chọn lọc khi tiếp cận các thông tin trên mạng xã hội; tích cực chia sẻ những thông tin chính thống để cùng tuyên truyền, vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp, nhân dân hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyệt đối không nghe, đọc, tán phát, chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận; đồng thời, phải tố giác và sẵn sàng tham gia đấu tranh ngăn chặn kẻ xấu kích động thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Những nỗ lực đó của các cấp ủy và Ban Chỉ đạo 35 huyện Văn Chấn đã và đang khai thác có hiệu quả Internet và mạng xã hội trong việc định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thu Hạnh