Yên Bái giảm nghèo hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/8/2021 | 10:20:40 AM

Tỉnh Yên Bái triển khai quyết liệt công tác giảm nghèo với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi được địa phương áp dụng.
Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi được địa phương áp dụng.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của toàn tỉnh tính đến tháng 12/2015 là 32,21%, cao thứ 6 toàn quốc, phần lớn tập trung tại địa bàn vùng cao, vùng có đông người dân tộc thiểu số. Riêng tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải hộ nghèo chiếm tới trên 75%, thuộc vào nhóm các huyện nghèo nhất cả nước (huyện 30a). Nhưng đến nay tình hình đã khác.

Nhiều giải pháp

Tỉnh Yên Bái triển khai quyết liệt công tác giảm nghèo với tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau” và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Sau 5 năm quyết liệt triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm xuống còn 7,04% (năm 2020), tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm. Đáng chú ý, số xã đặc biệt khó khăn giảm 26,3%, còn 59 xã; số thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm 16,9% còn 383 thôn, bản.

Ông Khang A Chua, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu khẳng định: Giải pháp đột phá lớn nhất khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương là xác định rõ đối tượng, tập trung đầu tư, hỗ trợ đúng, trúng. Công tác chỉ đạo cần phải quyết liệt, đặc biệt đối với người đứng đầu đã phát huy tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tận tụy, sâu sát. Nhờ vậy, giai đoạn 2016-2020, hộ nghèo trên địa bàn huyện bình quân mỗi năm giảm 7,8%, cận nghèo còn 12,49%...

Huyện Mù Cang Chải có 13/14 xã đặc biệt khó khăn. Nhờ chính sách giảm nghèo, sự đầu tư có trọng điểm của Nhà nước trong nhiều năm qua, nhất là hạ tầng giao thông, đến nay, bộ mặt nông thôn miền núi đã có sự thay đổi rõ rệt, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lương Thị Xuyến cho biết, tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm trên địa bàn huyện giảm trên 8,6% trong giai đoạn 2016-2020. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hóa, bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn; 100% xã có trạm y tế đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 96% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hầu hết các chỉ tiêu giảm nghèo đều vượt so với mục tiêu kế hoạch của tỉnh giao và vượt so với mục tiêu của Chương trình đề ra.

Huyện Yên Bình cũng là điểm sáng trong công tác giảm nghèo, đặc biệt là trong việc triển khai các chính sách, chương trình, dự án gắn với công tác giảm nghèo. Thông qua đó, huyện đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương, triển khai chương trình hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn như: Vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo; đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật...

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đạt trên 294 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển trên 183 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 26 tỷ đồng và nguồn huy động khác trên 85 tỷ đồng. Với những nỗ lực đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm đáng kể từ 27,94% năm 2016 xuống còn 3,24% năm 2020, trung bình mỗi năm giảm được 4,94%.

Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi được địa phương áp dụng.

Để đạt được kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo, những năm qua, đi đôi với kiên trì thực hiện các giải pháp giảm nghèo, hoạt động chỉ đạo, điều hành được tỉnh Yên Bái đổi mới toàn diện. Hằng năm, Tỉnh ủy Yên Bái đều ban hành Chương trình hành động lãnh đạo thực nhiệm vụ chính trị của năm và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo trong năm với phương châm "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”. Theo đó, chỉ tiêu giảm nghèo được giao cụ thể đến các xã, phường, thị trấn; giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan, đơn vị; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quan điểm "không ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ về công tác giảm nghèo, những năm qua, tỉnh đã đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp thiết thực, sáng tạo. Có thể khẳng định, kết quả giảm nghèo là dấu ấn nổi bật nhất của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020.

Hiện nay, Yên Bái đang duy trì phân công 51 sở, ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể có liên quan trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ 1.072 hộ nghèo tại 59 xã đặc biệt khó khăn và 5 xã có thôn đặc biệt khó khăn thoát nghèo để đảm bảo đạt mục tiêu năm 2021 giảm thêm 2,05% hộ nghèo so với năm 2020. Thực tiễn cho thấy, đây là cách làm sáng tạo để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, góp phần bổ sung, tăng cường nguồn lực và nâng cao tính bền vững của hoạt động giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Ngoài đổi mới toàn diện tư duy trong chỉ đạo, điều hành, Yên Bái đã huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Nhất là nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững để duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững đạt hơn 15.433 tỷ đồng; trong đó từ ngân sách Trung ương hơn 7.472 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 2.754 tỷ đồng, từ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác 1.440 tỷ đồng...

Cùng với việc triển khai hiệu quả lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với Chương trình giảm nghèo bền vững, Yên Bái đã từng bước thực hiện tốt chính sách giải quyết việc làm, hỗ trợ về nhà ở, mua thẻ bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng là người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số sống trong vùng đặc biệt khó khăn.

Có thể thấy, dấu ấn đột phá trong công tác giảm nghèo thời gian qua đã và đang góp phần đưa Yên Bái dần trở thành tỉnh khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025, với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”.      

(Theo Đại đoàn kết)

Các tin khác
Yên Bái đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân. Ảnh: Hoàng Đô.

Với mục tiêu xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần, tỉnh Yên Bái đã đưa ra 5 chuẩn mực “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, đồng thời cũng là những việc mỗi người dân cần làm hàng ngày trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phát triển bản thân.

Sản xuất bao bì tại Công ty cổ phần Khoáng sản Red Stone tại Khu Công nghiệp phía Nam.

Năm 2020, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư trên 1.445 tỷ đồng.

Đồng chí Đỗ Đức Minh - Bí thư Thành ủy Yên Bái tặng hoa chúc mừng 16 nhà đầu tư tham gia đăng ký đầu tư vào địa bàn.

Sáng 17/10, UBND thành phố Yên Bái tổ chức Hội nghị giới thiệu tiềm năng phát triển - cơ hội đầu tư thành phố Yên Bái năm 2020. Tới dự có đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và gần 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Xòe Thái cổ Mường Lò - Nghĩa Lộ đã trở thành thương hiệu nghệ thuật, du lịch.

Ôm trọn Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ không những có lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu mà còn cả về con người, các giá trị lịch sử, văn hóa để có thể trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ của miền Tây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục