Yên Bái một vùng quê

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/4/2019 | 8:03:01 AM

YênBái - Bài hát "Yên Bái một vùng quê” của Dương Soái có sức lan tỏa, làm cho tôi, làm cho anh, làm cho bạn bè yêu quê hương Yên Bái, níu giữ chúng ta ở lại để "Yên Bái thành quê” của mỗi người.

Nhịp sống mới trên hồ Thác. (Ảnh: Thanh Miền)
Nhịp sống mới trên hồ Thác. (Ảnh: Thanh Miền)

Tôi lên Yên Bái khi chưa có hồ Thác Bà, chúng tôi là sinh viên lên thực tập thi công đập Thủy điện Thác Bà. Từ Hà Nội chúng tôi đi tàu hỏa, xuống ga Yên Bái rồi bắt xe chở gỗ của lâm nghiệp vào nơi thi công công trình. 

Đường từ ga đến nơi làm việc, có một đoạn là đường nhựa đã xuống cấp, mặt đường rộng 3,5 m đầy những ổ trâu, ổ voi, còn lại là đường đất cấp phối. Hai bên đường lau sậy um tùm giao nhau không thấy ánh sáng mặt trời. Lán công trường trống hơ, trống hoác. Giường là một dãy dài làm bằng cọc chôn xuống đất, thang giường là cây diễn, giát giường là phên nứa. 

Trời mùa đông, đêm ngủ ở lán công trường rét cắt da, cắt thịt. Rét đến nỗi mặc cả áo bông Trung Quốc và quần dài mà vẫn không sao ngủ được. Có lẽ vì thế, cụ Phan Bội Châu nói về Yên Bái chỉ là chốn ma thiêng, nước độc, có gì để mà thương, mà nhớ. 

Thế rồi, ngày tháng thoi đưa, thoắt một cái đã hơn năm mươi năm tôi sống và làm việc ở Yên Bái. Năm mươi năm, gần trọn một đời người, tôi đã đặt chân đến 19 huyện, thị tỉnh Hoàng Liên Sơn, 9 huyện, thị tỉnh Yên Bái, đến với bà con dân tộc ở nhiều xã vùng cao, hiểu thêm phong tục tập quán, văn hóa của các dân tộc, thưởng thức hoa thơm, trái ngọt và thắng cảnh của vùng quê Yên Bái. 

Nhà thơ Chế Lan Viên đã nói rất đúng về tâm trạng của người con xa quê hương lập nghiệp ở xứ người: "Khi ta đến chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Ở vùng quê này, có rất nhiều người con xa quê gốc lên Yên Bái công tác, xây dựng quê hương mới, lập nghiệp và thành danh. Phải chăng Yên Bái là nơi đất lành chim đậu?

Quê gốc tôi là xứ sở của "rau dong, cua kềnh” với dòng sông Đáy trong xanh, sông Châu hiền hòa trong mát, sông Hồng đỏ nặng phù sa, và những cánh đồng thẳng cánh cò bay với rất nhiều danh thắng: nào chùa Đọi Sơn, chùa Bà Đanh, Ngũ Động Sơn… làm say đắm lòng bao du khách. 

Quê tôi đẹp là thế, nhớ quê lắm lắm, song rồi nhớ lời các cụ dạy "ở đâu âu đó” và lời nhà thơ Chế Lan Viên làm cho tôi yêu Yên Bái không biết tự lúc nào!

Thế rồi tình cờ, tôi được nghe bài hát "Yên Bái một vùng quê” của Dương Soái. Bài hát hay quá, lời hát như một bài thơ: "Anh có về thăm quê em Yên Bái/ Anh có về thăm nơi miền quê núi/ Núi – núi giăng chắn trời/ Sông – sông dâng biển hồ/  Muôn đợt sóng xô – xô vờn đỉnh núi/ Nơi núi ngàn năm hóa thành đảo nổi/ Động người xưa hóa bến neo thuyền…”. 

Lời cô gái Yên Bái, hẳn là một cô gái xinh đẹp lại có duyên khi nói về vùng đất quê hương mình. Những phong cảnh núi sông, những đặc sắc văn hóa vùng miền cùng với đặc sản quê hương cứ thấp thoáng tỏa hương làm người nghe xứ lạ cũng nao lòng. 

Bài hát với giai điệu mượt mà, lúc sôi nổi cuộn trào, lúc lắng sâu thấm đậm cùng với cách xử lý các nốt luyến láy, đảo phách, nốt ngân dài ở những hình ảnh đẹp xuất hiện bất ngờ làm người nghe thật sự bị cuốn hút, nhẩm ngân theo… Bài hát làm tan biến trong tôi và nhiều người con xa quê nỗi nhớ quê hương, bài hát thay người Yên Bái nói với chúng tôi "Người ơi, người ở đừng về”. 

Bài hát đã khái quát được tiềm năng giàu đẹp của Yên Bái, mời gọi các nhà đầu tư đến với Yên Bái. Tháng 5/2006, tôi đem theo video clip ca nhạc có tựa đề "Yên Bái một vùng quê” để giới thiệu tiềm năng "đất và người Yên Bái” ở Hội chợ Công nghệ thiết bị các tỉnh Tây Bắc lần thứ Nhất mở tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình (có cả thành phố Hà Nội, các viện nghiên cứu, các trường đại học khác tham dự). 

Mở đầu video clip ca nhạc là bài "Yên Bái một vùng quê”  được phát liên tục qua đầu ti vi của gian hàng công nghệ thiết bị Yên Bái. Hiệu quả thật bất ngờ. Có rất nhiều người đến mua hàng và tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Yên Bái, họ lặng đi để nghe bài hát, họ mua hàng và xin đĩa nhạc. 

Có người khách thật thà: "Hôm nay, tôi mới biết Yên Bái, cho tôi xin đĩa nhạc làm kỷ niệm để nghiên cứu tiềm năng đất và người Yên Bái”. 

Gần tan Hội chợ, 200 đĩa nhạc mang theo cũng hết veo, hàng hóa cũng bán hết veo.

Bài hát "Yên Bái một vùng quê” của Dương Soái có sức lan tỏa, làm cho tôi, làm cho anh, làm cho bạn bè yêu quê hương Yên Bái, níu giữ chúng ta ở lại để "Yên Bái thành quê” của mỗi người.

Nguyễn Quang

Tags Yên Bái Thác Bà

Các tin khác
La Pán Tẩn tươi đẹp cả 4 mùa.

Mỗi mùa khác nhau, Mù Cang Chải lại cho tôi thấy một vẻ đẹp riêng, một cảm nhận khác biệt, một sự chuyển mình mạnh mẽ ở mảnh đất còn nhiều khó khăn này. Đặc biệt, ở xã La Pán Tẩn, chưa bao giờ các dịch vụ du lịch trải nghiệm mới mẻ, homestay độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc… lại nở rộ đến vậy.

Tháng Ba - chuẩn bị sang hè, sau đâm chồi nảy lộc, cây cối xứ Mù Cang lại đón nắng cuối xuân tạo nên sắc mới, dẫn dụ khách gần xa.

Lễ hội khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2019 dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 9/2019.

Theo Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Yên Bái năm 2019, tỉnh Yên Bái dự kiến tổ chức nhiều hoạt động lễ hội văn hóa -  du lịch, Cụ thể như sau:

Hội xuân bản Mông.

Bạn tôi, hết người này, người khác lôi điện thoại ra khoe: "Em còn rất nhiều kiểu ảnh cực đẹp chưa kịp đưa lên "phây" đây này". Người thì khoe được chụp chung với cô gái Mông rõ là xinh; người khoe có kiểu ảnh được ngoắc tay uống rượu cùng cô gái Thái trong bản nhà sàn; rồi là ảnh chụp tắm suối nước nóng, chụp bên rừng đào khoe sắc thắm mùa xuân...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục