Say men ẩm thực

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 4:49:04 PM

YBĐT - Cảm nhận trong chúng tôi khi thưởng thức mỗi món ăn là sự khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ Thái cùng tình cảm nồng ấm, tấm lòng mến khách chân thành của những con người hiền lành, mộc mạc.

Hội thi “Hương vị ẩm thực Mường Lò” mỗi năm tổ chức một lần, thu hút nhiều du khách đến tham quan và thưởng thức các món ăn dân tộc của đồng bào Thái.
(Ảnh: Ngọc Đồng)
Hội thi “Hương vị ẩm thực Mường Lò” mỗi năm tổ chức một lần, thu hút nhiều du khách đến tham quan và thưởng thức các món ăn dân tộc của đồng bào Thái. (Ảnh: Ngọc Đồng)

Khi thời gian cuối năm chỉ còn là những đơn vị tính, tôi dành thời gian cho cuộc hành trình khám phá để "refresh" (làm mới) lại những cảm xúc trước thềm xuân. Chuyến đi lần này, tôi và những người bạn đồng hành lựa chọn mảnh đất Mường Lò, Nghĩa Lộ - nơi được coi là xứ sở của lễ hội, cái nôi văn hóa khá riêng biệt của người Thái để "trải nghiệm" ẩm thực đặc sắc từ đất trời qua đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ nơi đây.

Vượt qua con đường uốn lượn quanh những triền núi bảng lảng sương giăng, chúng tôi đặt chân tới mảnh đất cửa ngõ miền Tây Bắc của Tổ quốc lúc trời đã về chiều. Như đã hẹn, chúng tôi đến nhà chị Lò Thị Tuyên, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ. Sau những câu chuyện rôm rả về bản sắc, về cuộc sống sinh hoạt của người Thái, chị vào bếp để chế biến những món ăn "đậm chất núi rừng" mời khách.

“Phải ở, phải tận mắt chứng kiến và thưởng thức mới cảm nhận hết vị ngon, cái nét riêng của người Thái” - lời mời của chị khiến chúng tôi thấy vô cùng tò mò. Món ăn thơm ngon không thể bỏ qua khi đến với mảnh đất này là món cá nướng (pa pỉnh tộp).

Sau khi có nguyên liệu chính là cá chép chừng khoảng 1 kg, đôi tay chị thoăn thoắt mổ dọc sống lưng cá. Vừa làm chị vừa giải thích, mổ như vậy để phần nhân bên trong không rơi ra ngoài. Rồi chị dùng dao khía ngang thân cá để gia vị ngấm đều.

Để có pa pỉnh tộp, cùng với rau thơm, ớt, hành củ, thêm chút muối thì mắc kén - một loại hạt tiêu rừng là thứ gia vị đặc trưng không thể thiếu. Khi các loại gia vị đã trộn đều, chị gập cá để cho phần đầu và phần đuôi chụm lại với nhau. Sau đó, chị kẹp cá bằng những chiếc kẹp nứa và nướng trên bếp than hồng.

Văn hóa ẩm thực đồng bào Thái nơi này có sự phân chia rõ ràng trong cách gọi như: kăm khảu bao gồm các món ăn từ lúa, gạo và các loại lương thực khác, đặc trưng là xôi nếp ngũ sắc bằng màu cây lá tự nhiên, bánh chưng đen, bánh chưng cẩm; kăm kìn là các món ăn làm từ rau, củ, quả, từ thủy, hải sản và thịt động vật, đặc trưng là rau thập cẩm xôi, nộm (phắc nửng chụp), cá nướng (pa pỉnh tộp), thịt sấy (nhứa giảng), thịt gói lá nướng (nhứa pho), trứng kiến, rêu đá, các món ăn moọk, nộm, chế biến từ côn trùng, méng cánh khủa, mánh tắc tèn khủa nó xổm (bọ xít rang, cào cào xào măng chua); kăm cắp là các gia vị và món ghém với đặc trưng là hạt sẻn, hạt dổi, ớt, hành, tỏi và các lá non ăn ghém; kăm chẳm là các món chấm, đặc trưng là chẳm chéo, mắm cá, các loại nước chấm chua...
Đang mải mê trong không gian văn hóa ẩm thực chị Tuyên chia sẻ, khứu giác của chúng tôi bỗng bị kích thích bởi mùi thơm vô cùng hấp dẫn của món cá nướng khi mỡ cá rỏ xuống than hồng xèo xèo. "Nếu đến với người Thái Nghĩa Lộ mà không ăn thì coi như chưa đến” - chị tiếp tục câu chuyện như thế khi giới thiệu cho chúng tôi món xôi ngũ sắc, món ăn được coi là đặc sản ẩm thực của vùng đất này.

Trước đây, xôi ngũ sắc chỉ được làm vào những ngày lễ, tết, cưới hỏi hay ngày hội lớn của bản làng nhưng giờ đây đã trở thành món ẩm thực phổ biến trong đời sống của đồng bào. Năm sắc màu đỏ, tím, vàng, xanh, trắng đều mang ý nghĩa riêng, tượng trưng cho khát vọng, cho tình yêu và sự thủy chung. Tận mắt ngắm món ăn đẹp mắt này mới thấy sự tinh túy và cảm nhận hương thơm ngào ngạt từ loại gạo nếp đặc biệt - nếp Tú Lệ.

Để làm nên món xôi ngũ sắc ngon, thơm, dẻo, người phụ nữ Thái đặt vào đó rất nhiều tình cảm, gửi gắm cả ước mơ hạnh phúc, khát vọng ngàn đời về một cuộc sống no đủ. Thế mới thấy, người Thái rất cầu kỳ trong chế biến các món ăn. Mỗi món ăn chế biến từ đôi bàn tay khéo léo của họ đều như một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét văn hóa ẩm thực với phong vị riêng, độc đáo, không pha trộn với bất cứ dân tộc nào. 

Mâm cơm bày lên với màu sắc bắt mắt. Cách bài trí các món ăn hấp dẫn cùng mùi thơm đặc trưng hòa quyện vào nhau. Đĩa xôi nếp ngũ sắc như đất trời thu nhỏ của núi rừng Tây Bắc, đẹp tựa bức tranh đa sắc màu, ngào ngạt hương thơm như hoa ban huyền thoại khiến chúng tôi như chìm đắm vào hương sắc mùa xuân.

Món pa pỉnh tộp khi mới nhìn thì rất bình thường nhưng khi gạt bỏ lớp vỏ bên ngoài thì phần thịt cá trắng quyện với màu xanh của gia vị cùng mùi thơm tỏa ra khiến thực khách ngất ngây trước món ẩm thực mang đặc trưng riêng có của người Thái. Cạnh đĩa xôi ngũ sắc là một đĩa thịt trâu sấy.

Nhìn qua rất giản dị nhưng xé thịt ra, bên trong có màu hồng tự nhiên cùng mùi thơm rất lạ. Lúc ăn, vị ngọt của thịt, vị thơm từ khói củi và chút cay nồng của gia vị kết hợp với món chấm chẳm chéo đã làm cho món ăn trở nên hấp dẫn, khó quên với mỗi thực khách khi thưởng thức.

Cảm nhận trong chúng tôi khi thưởng thức mỗi món ăn là sự khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ Thái cùng tình cảm nồng ấm, tấm lòng mến khách chân thành của những con người hiền lành, mộc mạc. Rồi trong không gian cộng đồng, giữa khung cảnh thiên nhiên mang đậm hơi thở của núi rừng, nhâm nhi chén rượu nồng ủ bằng men lá rừng, mùi thơm đặc trưng, có tên tựa như một loài hoa - Bách Chi, còn gì thú vị hơn! Độ rượu rất nhẹ, uống vào cho cảm giác êm dịu, mềm môi nhưng lại say rất lâu, khiến chúng tôi nhớ mãi. Được biết, rượu Bách Chi làm 100% từ thiên nhiên với gạo nếp Tú Lệ và men lá cùng nước suối tự nhiên thuần khiết...

Ngồi bên bếp lửa nhà sàn tỏa hơi ấm giữa mùa đông sương giá, búp hoa khéo vén hình năm cánh ban xôi ngũ sắc, rau rừng xanh ngắt, cá suối nướng thơm lừng, thịt trâu gác bếp ngọt đậm, đĩa chẳm chéo để xuýt xoa món ngon Tây Bắc, thêm đôi tay ngà rót chén rượu nồng, hỏi ai mà không say, không quyến luyến!

 Thanh Chi

Các tin khác
Thiếu nữ Thái Mường Lò trong đêm hội.
(Ảnh: Thanh Ba)

YBĐT- Trong các chuyến du lịch về miền Tây Bắc, một trong những điều khiến du khách vô cùng thích thú chính là ẩm thực nhà sàn. Du khách không chỉ được thưởng thức những món ăn thơm ngon, lạ miệng mà còn được hưởng một khung cảnh thanh bình, nên thơ.

Nguyên liệu chính làm bánh dày là gạo nếp nương thơm và dẻo. Nếp nương được xôi chín, sau đó được giã nhuyễn. Giã bánh dày là công việc đòi hỏi sức lực và kỹ thuật ở những người đàn ông dân tộc Mông.

YBĐT - Đến mảnh đất vùng cao Mù Cang Chải vào khoảng tháng 9 hay tháng 10, du khách không chỉ được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín mà còn được hoà mình với các lễ hội, phiên chợ vùng cao và thưởng thức các món ẩm thực mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào Tây Bắc, trong đó có món bánh dày đặc sản của đồng bào dân tộc Mông. Xin giới thiệu những hình ảnh độc đáo về món bánh dày trên quê hương Mù Cang Chải.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ

YBĐT - Tiếp nối sau đêm khai mạc Tuần Văn hóa -Du lịch Mường Lò 2015 và vinh danh xòe Thái – Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, sáng ngày 13/9, thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với các đơn vị tổ chức khai mạc Hội chợ Thương mại - Ẩm thực miền Tây 2015.

YBĐT - Đến La Pán Tẩn, Mù Cang Chải du khách không chỉ được đắm mình vào vẻ đẹp của những rừng thông thơ mộng, những thửa ruộng bậc thang nổi tiếng đã được công nhận là Di tích danh thắng quốc gia mà còn được thưởng thức một loại rượu thơm ngon có tiếng của đồng bào dân tộc Mông nơi đây- đặc sản rượu thóc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục