Đặc sản bánh chưng đen Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/8/2021 | 7:34:37 AM

YênBái - Mường Lò - mảnh đất “gạo trắng, nước trong” - nơi có những cô gái Thái duyên dáng trong chiếc áo cỏm, khăn piêu không chỉ mang trong mình những nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng có mà nét sinh hoạt ẩm thực của đồng bào cũng vô cùng tinh tế, đậm đà hương sắc núi rừng. Một trong những món ăn nổi tiếng của người Thái Mường Lò là bánh chưng đen.

Trước đây, bánh chưng đen của người Thái Mường Lò chỉ được làm trong những dịp lễ, tết, giỗ chạp. Song, hiện nay, loại bánh này đã trở thành đặc sản phổ biến mà bất cứ ai tới Mường Lò đều có thể mua về làm quà tặng. 

Để làm nên những chiếc bánh chưng đen thơm ngon, có hương vị đặc trưng, người Thái Mường Lò rất cẩn thận trong khâu chuẩn bị nguyên liệu. Gạo nếp được chọn làm bánh là nếp Tú Lệ thơm ngon; nhân đỗ xanh vỡ hạt, đãi sạch vỏ, không lẫn sạn. Thịt lợn ba chỉ (phần nhiều mỡ) được thái mỏng, ướp với gia vị, hạt tiêu, hành củ. 

Để tạo màu đen cho chiếc bánh, sau vụ gặt lúa mùa, đồng bào Thái chọn những cọng rơm nếp to, vàng ươm đem về phơi khô rồi đốt thành tro hoặc lấy thân cây núc nác tước vỏ, hoa cây vừng đen đốt thành than, giã mịn như bột, trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen. Bánh chưng đen được gói thủ công dài khoảng 30 cm, đường kính 6 - 7cm và dùng lạt dài cuốn chặt. 

Trước khi luộc bánh, đồng bào Thái đem ngâm qua nước lạnh một lần, xếp vào nồi đổ nước cho ngập mặt lá rồi đun khoảng 6- 7 tiếng thì vớt ra. Khi thưởng thức, người dân lấy chính sợi lạt quấn quanh thân bánh để cắt thành từng khoanh.

Bánh chưng đen của người Thái Mường Lò tuy giản dị, mộc mạc, song ẩn chứa sự tinh tuý của đất trời và tấm lòng của những người gói bánh. Khi ăn bánh chưng đen, người thưởng thức sẽ cảm nhận rõ vị thơm của gạo nếp, vị béo của thịt lợn vùng cao, vị ngậy bùi của nhân đỗ xanh, vị là lạ của bột núc nác và vị mát của lá dong. 

Nhiều du khách khi đến Mường Lò thưởng thức món bánh chưng đen đã từng nói: "Có cảm giác như được thưởng thức cả mùi cỏ cây, ruộng đồng, đất trời và thiên nhiên miền Tây Yên Bái”. Đó cũng chính là nét đặc trưng làm nên thương hiệu bánh chưng đen Mường Lò - Yên Bái.

 Hiện tại, bánh chưng đen của người Thái Mường Lò đã được rất nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến, trở thành món ăn ưa chuộng của nhiều gia đình. Vào những dịp cưới hỏi, lễ, tết hay rằm, mùng 1, bánh chưng đen không chỉ xuất hiện trên mâm cỗ của gia đình người Thái Mường Lò mà còn ở trong rất nhiều gia đình ở các địa phương khác. Món ăn này đã luôn được lựa chọn để đem đi giới thiệu, quảng bá tại nhiều hội chợ và gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản của tỉnh Yên Bái. 

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện nay, nhiều hộ gia đình ở thị xã Nghĩa Lộ đã chuyên tâm làm nghề gói bánh chưng đen để phục vụ khách du lịch, người dân trong vùng và nhận đơn đặt hàng của các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh. Điều này đã không chỉ góp phần giúp bà con người Thái Mường Lò cải thiện, nâng cao đời sống mà còn lưu giữ được nét văn hóa ẩm thực độc đáo của dân tộc mình. 
 
Hồng Oanh

Tags Mường Lò Nghĩa Lộ bánh chưng đen người Thái gạo trắng nước trong

Các tin khác

Trong tiết trời se se, hanh hao của mùa thu, ra vườn nhặt những quả trám đen chín căng mọng mới rụng xuống để về đồ xôi thì quả là tuyệt vời ở nơi đồng quê. Mỗi loại trám có một dư vị riêng và để lại ấn tượng đặc biệt sau khi ăn.

Măng sặt được bày bán tại chợ Yên Ninh, thành phố Yên Bái.

Trước đây, măng sặt chủ yếu mọc tự nhiên trong rừng, hiện nay được người dân Yên Bái quy hoạch trồng thành vùng, tập trung chủ yếu ở các huyện, thị: Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu. Măng sặt được nhiều người ưa chuộng không chỉ bởi có thể chế biến thành nhiều món ăn như: luộc, om, xào, nướng… mà còn bởi đây là loại "rau rừng” giàu dinh dưỡng...

Các thiếu nữ Thái được các bậc cao niên hướng dẫn làm xôi ngũ sắc.

Món gà nướng: gà mổ sạch, ướp gừng, sả, lá thơm, hạt sẻn (mắc khén) rồi nướng than; khi nướng vừa xoay đều tay vừa quạt nhẹ, thỉnh thoảng dùng lông gà phết mỡ lên thân gà, có thế, gà mới chín đều, vàng và thơm ngậy. Món thịt trâu khô nướng đủ độ chín, khi ăn xé ra thành từng sợi nhỏ, cọng dài, ta cảm nhận được vị ngọt của thịt, mùi khói ngai ngái của núi rừng, sự đậm đà tổng hợp các gia vị tẩm như sả, ớt, tỏi, tiêu...

Những tảng rêu tròn trịa, chắc nịch với màu xanh bắt mắt được bà con bày bán tại các khu chợ cóc ven đường thu hút sự chú ý của du khách.

Từ món ăn bình dị của đồng bào người Tày, người Thái ở vùng Tây Bắc, rêu suối đã được nâng tầm, trở thành thứ đặc sản “lạ tai, lạ mắt“ hấp dẫn thực khách gần xa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục