Nguy cơ cúm gia cầm lây sang người hiện nay cao đến đâu?

  • Cập nhật: Thứ bảy, 22/10/2022 | 8:42:30 AM

Theo Cục Thú y, thời tiết giai đoạn chuyển mùa thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển, nguy cơ cúm gia cầm lây sang người cao.

Việt Nam ghi nhận ca mắc cúm gia cầm đầu tiên ở người sau 8 năm. (Ảnh minh họa)
Việt Nam ghi nhận ca mắc cúm gia cầm đầu tiên ở người sau 8 năm. (Ảnh minh họa)

Sau hơn 8 năm, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc cúm gia cầm cúm A (H5) ở người, đó là bé gái 5 tuổi ở Phú Thọ. Bệnh nhân đang trong tình trạng suy hô hấp, đặt nội khí quản, nằm tại khoa Điều trị tích cực nội, Bệnh viện Nhi Trung ương với chẩn đoán suy gan cấp, thận cấp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, cúm A/H5. 

Ca bệnh này được Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế ghi nhận ngày 17/10. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H5) này sống tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Theo người nhà, khoảng 1 tuần trước khi trẻ nhập viện, gia đình mổ ngan, gà có biểu hiện ốm để ăn. 

Theo thông báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ, toàn bộ người thân, người tiếp xúc gần với ca bệnh này đều có sức khỏe ổn định, kết quả xét nghiệm âm tính với virus cúm A/H5. Xung quanh khu vực nhà bệnh nhi sinh sống chưa ghi nhận ca bệnh tương tự.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - PGS.TS Trần Như Dương cho biết, Viện đã cử đội phòng chống dịch cơ động đến địa bàn bệnh nhân sinh sống, phối hợp với Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại địa phương để điều tra dịch tễ.

"Đội đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần), kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A(H5). Hiện tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường”, ông Dương nói và nhấn mạnh, việc phát hiện kịp thời, khoanh vùng, kiểm soát ngay đã giúp ca bệnh không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Tại hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 ngày 20/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị ngành Y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp người nghi nhiễm cúm gia cầm, xử lý sớm, triệt để ổ dịch; rà soát các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng chống cúm gia cầm trên người; xây dựng phương án phòng chống dịch. Đồng thời, bà Hương đề nghị y tế các địa phương phối hợp với ngành Thú y theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm để có các biện pháp dự phòng lây sang người, chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đáp ứng.

Theo Cục Thú y, dịch cúm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương. Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ cúm gia cầm lây sang người là cao.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trong thời gian từ 10/3 - 16/4, có hàng trăm vụ bùng phát dịch cúm mới trên gia cầm và chim hoang dã được ghi nhận tại 27 quốc gia, vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở châu Âu. Ngoài ra, bệnh còn được ghi nhận rải rác trên các khu vực châu Á, Bắc Mỹ và châu Phi. Mầm bệnh của đợt dịch này chủ yếu là các chủng virus độc lực cao như H5N1 và H5N8.

Mỹ đang đối mặt với dịch cúm gia cầm nghiêm trọng nhất trong 7 năm qua. Dữ liệu mới nhất của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho thấy, hơn 47 triệu con gà, vịt và gà tây tại 42 bang đã chết và bị tiêu hủy do cúm gia cầm tại nước này trong năm nay. 

Mặc dù thế giới và Việt Nam vài năm gần đây không ghi nhận ca mắc cúm gia cầm trên người nhưng căn cứ vào tình hình dịch bệnh này, có thể nói nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm sang người tại Việt Nam là đáng kể.

(Theo VTC News)

Các tin khác

Khô mắt không còn xa lạ với xã hội ngày nay, khi đa phần chúng ta đều tiếp xúc ngày dài với màn hình điện tử là một trong những nguyên nhân khiến khô mắt tăng cao.

Thế giới đã trải qua gần 3 năm chiến đấu với đại dịch Covid-19 với nhiều biến động từ các đợt bùng phát khác nhau ở mọi khu vực. Tâm lý đại dịch đã kết thúc đang khiến nhiều người không còn động lực tiêm vaccine. Điều này không những làm tăng nguy cơ dịch bệnh mà còn có thể khiến vaccine khó tiếp cận người dân hơn khi giá bị đẩy lên cao để bù lỗ.

Hình minh họa.

Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS) là cái chết không rõ nguyên nhân, thường là trong khi ngủ, của một em bé khỏe mạnh dưới 1 tuổi.

PGS, TS Đỗ Duy Cường khám cho bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại trung tâm.

Chỉ trong 2 tháng qua, số ca phải nhập viện điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai đã tăng gấp 3 lần, từ 70 ca tháng 8/2022 tăng lên 250 ca vào tháng 10. Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết theo chu kỳ sẽ rơi vào cuối năm 2022.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục