Kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2/2023

Yên Bái: Chuyện thầy thuốc ở trạm y tế cơ sở

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/2/2023 | 7:43:54 AM

YênBái - Có lẽ khó đưa một câu trả lời chính xác rằng, trạm y tế có từ bao giờ, Chỉ biết, xửa xưa đã từng mang tên “trạm xá”. Mỗi xã, phường, thị trấn ở đất nước Việt Nam đều có một trạm y tế. Dù gọi là tuyến đầu, hay tuyến dưới thì nó luôn được biết đến là cơ sở y tế gần dân nhất và có một vai trò quan trọng trong hệ thống y tế quốc gia.

Ở NƠI THẦY THUỐC CON DÂN

Ở Yên Bái cũng vậy, những cơ sở y tế này đang ngày đêm cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ (CSSK) ban đầu cho nhân dân trên địa bàn. Nói là vậy nhưng để làm được cũng ối việc: nào là phòng, chống bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh chưa rõ nguyên nhân; phát hiện và báo cáo kịp thời các bệnh, dịch; nào hướng dẫn vệ sinh môi trường, xây dựng cộng đồng an toàn… Rồi khám bệnh, chữa bệnh; kết hợp, ứng dụng y học cổ truyền trong phòng bệnh và chữa bệnh; chăm sóc sức khỏe sinh sản; quản lý sức khỏe cộng đồng; truyền thông, giáo dục sức khoẻ... 


Làm việc ở cái tuyến dưới cùng và quan trọng ấy, mỗi cán bộ, nhân viên y tế ở mỗi trạm đương nhiên phải đảm đương khối việc, vì mỗi trạm chỉ có 4 hoặc 5 người làm việc nên có những lúc họ phải "ba đầu sáu tay”. Rồi cũng trực thứ Bảy, Chủ nhật, trực đêm nữa. 

Ở thành thị, gần các trung tâm y tế huyện đỡ hơn; còn ở nông thôn, vùng sâu, vùng khó khăn thì tất cả đều đến trạm. Từ cảm sốt, trở dạ, ngộ độc đến tai nạn xảy ra, trạm lại trở thành tuyến đầu. Những y, bác sĩ, điều dưỡng lại hết lòng khuya sớm với người bệnh để thực hiện cho được lời Bác Hồ dạy "lương y như từ mẫu”, để sơ cứu, khám kê đơn, điều trị; tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chương trình y tế, đưa con em đi tiêm chủng... 

Các trạm y tế cơ sở bây giờ không còn cảnh "náo nhiệt", đông đúc người xếp hàng như những ngày tháng COVID-19 xâm nhập địa bàn.

Nhiều người trong số họ sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở mảnh đất họ đang cống hiến nên rời áo choàng thầy thuốc, họ là con em dân bản. Chính nhờ thế mà họ hiểu hơn ai hết về nếp sinh hoạt, tập quán địa phương; họ luôn lắng nghe tình hình sức khỏe bà con xóm phố nhưng vẫn không quên lồng vào câu chuyện mà hướng dẫn bà con ăn sạch, ở sạch, dùng thuốc đúng cách, giữ gìn sức khỏe khi thời tiết thay đổi… 

Người dân thấy vậy mà trân trọng lắm. Bà con cũng biết chế độ của những thầy thuốc ở trạm so với tuyến khác cũng còn thấp, nên mỗi lời cảm ơn trở thành sự động viên lớn lao. 

Trong tâm thức của nhiều người, nhân viên y tế cơ sở tưởng là tuyến dưới hóa ra tuyến đầu - tuyến đầu tiên thực hiện việc CSSK nhân dân. Ấy rồi qua mấy năm COVID-19 hoành hành thì trạm y tế rõ là tuyến đầu thật. Cả hệ thống chính trị vào cuộc chống dịch bệnh, mạng lưới y tế cơ sở quyết liệt trong bảo vệ sức khỏe, tính mạng và sự an toàn cho người dân. Nào thì tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch; nào thì vận động, hướng dẫn người dân khai báo y tế, tự giám sát, tự giác cách ly… Nhờ thế, Yên Bái được biết đến là vùng xanh an toàn lâu nhất. 

Niềm hạnh phúc trong mỗi thầy thuốc cơ sở - nơi mà mỗi con dân làm việc, đấy chính là sức khỏe cộng đồng. Và với họ, tuyến dưới hay tuyến đầu dường như không còn ý nghĩa. 


Cán bộ y tế cơ sở rà soát, kiểm tra hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe để phục vụ tốt hơn việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.
Cán bộ y tế cơ sở rà soát, kiểm tra hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe để phục vụ tốt hơn việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.


TẤT CẢ VÌ SỨC KHỎE NGƯỜI DÂN VÙNG CAO 

Huyện Trạm Tấu có trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, để bà con nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe, đến cơ sở y tế khám, điều trị bệnh mỗi khi đau ốm là cả quá trình nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân vùng cao của cán bộ y tế nơi đây.

Sáng cuối tuần tại Trạm Y tế xã Trạm Tấu, cán bộ y tế đang tập trung khám, cấp thuốc và tư vấn sức khỏe cho người bệnh. Chia sẻ về công việc của cán bộ trạm, y sĩ Nguyễn Thị Mai Phượng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trạm Tấu cho biết: "Mùa lạnh ở vùng cao, nhiều người mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp nên bà con đến khám rất đông. Được tuyên truyền nhiều, giờ bà con không còn tự chữa bệnh ở nhà như trước đây nữa nên chúng tôi lúc nào cũng phải túc trực, thăm khám, điều trị cho bệnh nhân. Trung bình mỗi tháng có 200 - 260 lượt bà con đến khám chữa bệnh, cao hơn 60% so với 10 năm trước đây”. 

Kết quả đó có được là nhờ sự kiên trì trong công tác tuyên truyền tại gia đình, nhóm gia đình và cộng đồng làng bản về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các chương trình mục tiêu y tế quốc gia… của mỗi cán bộ y tế cơ sở, y tế thôn bản. 

Lần lại kỷ niệm trong cuộc đời gắn bó với ngành y, chị Phượng nhớ lại: "Cách đây hơn chục năm, chỉ trong một đêm mà tôi phải đỡ đẻ đến 3 lần. Khi đó, nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên cứ khi gần đẻ, mà phải đẻ khó thì bà con mới gọi đến y, bác sĩ. Cũng may là 3 nhà không quá xa nhau nên tôi đã đỡ đẻ thành công cho cả 3 ca. Từ những ca bệnh cụ thể được chữa trị thành công, dân bản ngày càng tin yêu thầy thuốc”. 

Nhớ lại những kỷ niệm đó để thấy có được sự đổi thay về nhận thức của bà con trong khám chữa bệnh như hiện nay không chỉ là chuyện một sớm, một chiều mà là cả quá trình nỗ lực của đội ngũ y tế bám làng, bám bản. Đồng bào giờ đã tin vào việc khám chữa bệnh với các kỹ thuật hiện đại, đẩy lùi dần những hủ tục như tục cúng con ma rừng, tự hái lá chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe cho mình và người thân trong gia đình. 

Chị Vàng Thị Say ở thôn Km14+17, xã Trạm Tấu bộc bạch: "Được các thầy thuốc xuống thôn hướng dẫn, bà con biết cách chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch, lại có thẻ bảo hiểm y tế, đi khám chữa bệnh không tốn tiền nên giờ trong nhà có ai ốm đau là bà con đưa nhau xuống Trạm Y tế xã để bác sĩ cho uống thuốc mới khỏi được”. 


Cán bộ Trạm Y tế xã Trạm Tấu tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại thôn Km14+17.

Với đặc thù phần lớn bà con không biết tiếng phổ thông, đây là thách thức lớn nhất trong công tác truyền thông dân số, nâng cao ý thức của người dân về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình ở huyện vùng cao Trạm Tấu. 

Bác sĩ Giàng A Dì - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Ngoài làm tốt công việc chuyên môn, người thầy thuốc vùng cao còn phải dành thời gian xuống các thôn bản tìm hiểu về phong tục, rồi học tiếng của đồng bào để dễ dàng giao tiếp, phổ biến chính sách, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. 

"Khi người dân thấy được lợi ích thiết thân, tin theo thì mọi công việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Năm 2022, trên địa bàn huyện đã tổ chức được trên 3.200 buổi truyền thông trực tiếp liên quan đến các chương trình y tế và khám chữa bệnh tại các xã, thôn, bản, thu hút gần 17.000 lượt người dân tham gia” - bác sỹ Dì cho hay. 

Dù còn đó những khó khăn, song đội ngũ những người công tác trong ngành y tế huyện vùng cao Trạm Tấu vẫn đang ngày đêm bám địa bàn để tuyên truyền thay đổi nhận thức của bà con trong chăm sóc sức khỏe, vận động người dân thực hiện các chính sách y tế. Với họ, niềm vui lớn nhất là mỗi người dân đều được khỏe mạnh và hạnh phúc.

>> Xem video: Y tế cơ sở phát huy vai trò "người gác cổng”


CẢ NHÀ LÀM "Y TẾ TRẠM"

Gần Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ông Nông Đình Thống ở xã Xuân Lai, huyện Yên Bình cảm thấy trong lòng vui lắm. Trong câu chuyện, ông còn nhớ cách đây 6 năm, ông vinh dự được lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện lên tận xã trao quyết định nghỉ hưu theo chế độ sau hơn 30 năm công tác. 

Đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, Xuân Lai được coi là xã "trắng y tế”. Có lẽ vì có bố đẻ từng làm nghề thuốc nên ông Thống được xã gọi cử đi học chuyên môn y tế. Năm 1985, ông trở thành người đầu tiên làm việc ở xã về y tế. 

Trong điều kiện vô vàn khó khăn của thời kỳ bao cấp, dụng cụ y tế thiếu thốn, nhà trạm không có, mỗi tháng được hưởng chế độ bằng 10 kg thóc; vậy mà, ông lo chuyện sức khỏe cho trên 2.000 dân Xuân Lai lúc bấy giờ. 

Bảy tám năm sau, một ngôi nhà gỗ được dựng lên lấy chỗ làm việc cho Trạm Y tế xã, đội ngũ dần được bổ sung… Làm Trạm trưởng, ông đã nỗ lực để hoạt động vào nề nếp và phát huy vai trò trong tiến trình phát triển của ngành y tế. 

Quá trình chăm sóc sức khỏe nhân dân ở địa bàn xa xôi với các dân tộc thiểu số chung sống để lại trong ông nhiều kỷ niệm. Đáng nhớ nhất là việc ông sơ cứu thành công trường hợp sản phụ có thai chết lưu đến hoại tử. "Ca này chỉ ông Thống mới làm được” - đó là nhận xét của anh em Trạm Y tế về ông vừa để động viên, vừa để tôn vinh đóng góp của ông. 

Năm 2014, ông được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân. Nhưng ông vui hơn khi 2 trong 3 người con của mình đã đi theo con đường chăm sóc sức khỏe nhân dân mà ông từng đi. 

Con trai lớn Nông Quốc Toản đi học y theo lời khuyên của bố và trở thành đời thứ 3 làm nghề chữa bệnh cứu người trong gia đình. Năm 2006 bắt đầu vào nghề, được sự hỗ trợ của đồng nghiệp và nỗ lực của bản thân, y sĩ Toản dần trưởng thành, là chỗ dựa tin cậy cho người dân. "Cái tài” của chàng trai này là anh đã kết duyên với dược sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo quê ở tỉnh Hòa Bình, rồi kéo về cùng công tác ở Trạm Y tế xã Xuân Lai. 

Ông Nông Đình Thống và các thành viên gia đình đều là cán bộ Trạm Y tế xã Xuân Lai.

Năm 2021, trong lúc nước sôi lửa bỏng ở các tỉnh phía Nam trước đại dịch COVID-19, Toản đăng ký và được cấp trên tin tưởng cho tham gia đoàn của tỉnh đi chống dịch ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ba tháng xa vợ và 2 con nhỏ, anh đã hoàn thành nhiệm vụ và tích lũy được không ít kinh nghiệm trong điều trị. Trở về địa phương cũng là lúc việc lấy mẫu, cách ly, theo dõi và hướng dẫn bệnh nhân ở địa phương được đẩy lên một bước, Toản lại được tăng cường phòng, chống dịch ở xã Đại Minh. 

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Xuân Lai Trần Đình Thắng cho biết: "Toản rất nhiệt huyết và năng động, nỗ lực trong công việc nên tất cả chỉ tiêu giao hàng năm đều hoàn thành tốt và được đồng nghiệp tin tưởng”. Từ tháng 9/2022, Toản tiếp tục được tăng cường cho Trạm Y tế xã Phúc An. 

Không còn chung cơ quan nhưng vợ anh - dược sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo rất vui và rất hãnh diện vì đã được đồng hành cùng chồng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Làm việc ở trạm y tế cơ sở, Thảo cũng phải kiêm nhiệm rất nhiều việc, nhưng với sự chia sẻ của chồng, chị được tiếp thêm niềm tin yêu nghề để hoàn thành nhiệm vụ. 

Con trai Toản, con dâu Thảo làm việc ở "y tế trạm”, cô con gái út Nông Thị Phượng của ông Thống cũng làm dược sĩ ở xã Xuân Long. Cả nhà làm y tế cơ sở, ông Thống vui mà không quên nhắn nhủ các con: "Đời bố đã theo nghề ông rồi, giờ mong các con cố gắng phục vụ cho ngành, phục vụ bà con”. Đó là niềm tự hào, là hạnh phúc của một gia đình đang hết lòng tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Quang Tuấn - Minh Huyền - Thanh Chi

Tags Yên Bái thầy thuốc trạm y tế cán bộ y tế cơ sở

Các tin khác
Các chuyên gia đã phát hiện nồng độ vi rút cúm gia cầm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19-4 thông báo đã phát hiện vi rút cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ vi rút này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.

Ảnh minh họa

Bệnh nhân viêm màng não có tiền sử khỏe mạnh nhưng thường xuyên ăn nem chua, thịt lợn tái.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp

Ngày 19-4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Y tế và một số bộ, ngành, địa phương về "Đề án tổng thể sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2023-2030".

Nội soi không được khuyến khích cho đến khi 45 tuổi.

Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục