Bộ Y tế cho biết theo thống kê mới nhất, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 49.006 ca mắc tay chân miệng, trong đó 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tay chân miệng có sự gia tăng.
Các chuyên gia cho biết bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2023 đến nay, có sự gia tăng tỉ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71. Đây là nguyên nhân khiến cho các ca mắc bệnh tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.
Theo nhận định của ngành y tế TP HCM, dịch bệnh tay chân miệng vẫn đang tiếp tục tăng nhanh và có thể kéo dài thêm 3 - 4 tháng nữa mới có thể lắng xuống. Đặc biệt, thời gian học sinh quay lại trường có thể trùng với đỉnh dịch thứ 2 của bệnh tay chân miệng. Sở Y tế TP HCM khuyến cáo nên tăng cường các giải pháp phòng dịch vì theo dự báo, số ca mắc tay chân miệng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Trưởng Khoa nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên thời gian qua bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình là viêm não.
Bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ. Ngoài ra, còn có biểu hiện là run chi, đi loạng choạng…
Các bác sĩ cảnh báo bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
* UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, ngày 10/6/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của ngành y tế.
Sở Y tế thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trong nước, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh trên địa bàn; chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác chỉ đạo phòng, chống dich bệnh tay chân miệng khi cần thiết.
Phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng theo quy định. Tăng cường công tác giám sát, điều tra, xác minh và xử lý ổ dịch, chỉ đạo hỗ trợ các tuyến dưới. Tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng; duy trì thực hiện tốt phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Đảm bảo về thuốc, trang thiết bị, nhân lực… để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Tăng cường tập huấn về giám sát, điều trị tay chân miệng tại các tuyến, đặc biệt đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.
Tổ chức các đoàn kiểm tra để giám sát, kiểm tra, hỗ trợ các đơn vị, địa phương và chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.
Các cơ quan tuyên truyền phối hợp với Sở Y tế tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh tay chân miệng, các biện pháp phòng, chống cho cá nhân, cộng động, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục và đào tạo.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình dịch bệnh tay chân miệng tại địa phương. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện 3 sạch "ăn sạch, uống sạch, ở sạch”; đặc biệt lưu ý đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan. Đảm bảo các điều kiện cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sẵn sàng các điều kiện đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch tay chân miệng theo hướng dẫn của ngành y tế. Đặc biệt lưu ý đến các trường học mầm non, các trường học có hoạt động trong dịp hè, hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân đầy đủ, đảm bảo bàn tay sạch, đồ chơi sạch, tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Thủy Thanh (BT- NLĐO)