Yên Bái chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết

  • Cập nhật: Chủ nhật, 10/9/2023 | 12:29:23 PM

YênBái - Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo thống kê, lũy tích từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 75.790 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 trường hợp tử vong. Số người mắc sốt xuất huyết tập trung nhiều tại Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam. Tỉnh Yên Bái cũng đã ghi nhận 36 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có 35 ca xâm nhập từ các địa phương có dịch về điều trị tại tỉnh, 1 ca không xác định yếu tố dịch tễ, tăng 2 ca xâm nhập so với năm 2022.

Trước khi vào năm học mới, Trường Mầm non Bông Sen, thành phố Yên Bái đã tiến hành phun thuốc diệt muỗi toàn bộ các lớp học và các khu vực trong khuôn viên của nhà trường.
Trước khi vào năm học mới, Trường Mầm non Bông Sen, thành phố Yên Bái đã tiến hành phun thuốc diệt muỗi toàn bộ các lớp học và các khu vực trong khuôn viên của nhà trường.


Trước tình hình đó, để chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết, Yên Bái đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng chủ động triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và giám sát véc tơ truyền bệnh trên địa bàn tỉnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch sốt xuất huyết theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; huy động sự tham gia của người dân, tăng cường sự phối hợp và vào cuộc của các cấp chính quyền, các ngành, các đoàn thể triển khai các giải pháp của cơ quan chức năng. 

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân nâng cao ý thức, tham gia tích cực công tác vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, loại trừ ổ chứa loăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi, áp dụng các biện pháp đề phòng muỗi đốt và tích cực tham gia phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại địa phương.

Xác định đối tượng trẻ mầm non rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sốt xuất huyết nên ngay khi năm học mới chuẩn bị bắt đầu, Trường Mầm non Bông Sen, thành phố Yên Bái đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để phòng chống dịch. Từ sân trường cho đến các phòng học được nhà trường vệ sinh sạch sẽ. Các bể nước được che đậy cẩn thận, lọ hoa, bình thủy sinh ở quanh các lớp học được giáo viên thay nước hàng ngày. 

Cô giáo Vũ Thị Hương Giang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trước ngày khai giảng năm học mới, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố tiến hành tổng vệ sinh, xử lý môi trường bằng thuốc sát khuẩn, thuốc diệt muỗi toàn bộ khuôn viên trường và các lớp học. Hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh được triển khai trên hệ thống mạng xã hội các nhóm lớp để các bậc phụ huynh tăng cường chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh sốt xuất huyết".

Sống ở địa bàn nông thôn nên ngôi nhà của gia đình chị Nông Thị Pắng, thôn Trung Tâm, xã Yên Thành xung quanh có nhiều cây cối rậm rạp. Được chính quyền địa phương tuyên truyền về phòng chống bệnh sốt xuất huyết, chị đã kiểm tra các vật chứa nước trong nhà, tổ chức phát quang, dọn dẹp cây cối xung quanh khu vực sinh sống để tạo cảnh quan thông thoáng, hạn chế muỗi sinh sản. 

Chị Pắng cho biết: "Được cán bộ y tế thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn nên chúng tôi hiểu hơn về tác hại của bệnh sốt xuất huyết. Gia đình tôi cũng như các hộ trong thôn đã tự giác dọn dẹp vệ sinh môi trường ngay tại nhà mình, đậy kín dụng cụ chứa nước, đi ngủ mắc màn và mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày để tránh lây truyền bệnh”. 

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm vi rút Dengue cấp tính. Bệnh có thể gây ra dịch lớn với nhiều người mắc. Bệnh nặng có thể gây tử vong, nhất là với trẻ em và những người sức đề kháng yếu. Bệnh lây lan thông qua loại muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh, truyền sang người lành. Yên Bái không nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra dịch do kết quả giám sát nhiều năm không phát hiện véc tơ chính truyền bệnh; các trường hợp bệnh được phát hiện đều ngoại lai. 

Tuy nhiên, đến nay bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên tỉnh không chủ quan vì giao thương đi lại hiện nay rất phổ biến, nhanh chóng, đa dạng, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu lơ là, mất cảnh giác. 

Bởi vậy, thời gian tiếp theo, ngành y tế tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, sẵn sàng chủ động chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân, hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị để hạn chế tối đa dịch bệnh phát sinh. 

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lại Mạnh Hùng khuyến cáo người dân tròng thời fđiểm này cần tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Cụ thể, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn…. 

Bên cạnh đó, cần chú ý loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến để tránh nước đọng; sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng sẽ giúp hạn chế nơi trú ẩn của muỗi. 

Cùng với đó, khi đi ngủ cần mặc quần áo dài, ngủ trong màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... ; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Đồng thời, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế, khi có các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không điều trị tại nhà. 

Thanh Chi

Tags Yên Bái sốt xuất huyết Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh muỗi loăng quăng bọ gậy

Các tin khác
Các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Alabama (Hoa Kỳ) và Bệnh viện Nhi Trung ương đang đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não cho trẻ bị động kinh (ảnh BV Nhi TƯ)

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não, xác định chính xác ổ động kinh giúp phẫu thuật thành công cho trẻ động kinh kháng thuốc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện kỹ thuật này.

Các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm và bệnh tiểu đường loại 2.

Người dân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Bộ Y tế vừa có đề xuất quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, ung thư vú cùng một số bệnh khác, giúp giảm gánh nặng chi phí điều trị.

Một trường hợp được ghép tạng từ người hiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Không chỉ lợi dụng công nghệ để chiếm đoạt tài sản của người dân, tội phạm trên không gian mạng đang hướng tới những người có tấm lòng thiện nguyện muốn hiến tạng cứu người nhưng không rành công nghệ thông tin nhằm mục đích lừa đảo. Bệnh viện Chợ Rẫy cảnh báo, hoạt động đăng ký hiến ghép mô tạng có thể đang bị kẻ gian lợi dụng vì mục đích xấu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục