- Xin ông cho biết những hoạt động nổi bật của Hội Đông y tỉnh trong năm 2023?
Ông Trần Quốc Toàn: Năm 2023 là năm thứ 3 Hội Đông y tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội khóa XIII, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong công tác phát triển tổ chức Hội và hội viên, Hội duy trì hoạt động thường xuyên 130 chi hội với 1.400 hội viên trên toàn tỉnh; trong năm thành lập mới 2 chi hội và kết nạp mới 22 hội viên.
Hội đã tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn kết hợp y học cổ truyền (YHCT) với y học hiện đại và 4 hội thảo"Bảo tồn và phát triển cây dược liệu góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương” tại các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trấn Yên. Qua đó, đánh giá tiềm năng lợi thế bảo tồn và phát triển dược liệu tại địa phương cùng những khó khăn nêu ra và giải pháp để thực hiện.
Hội cũng đã nghiên cứu, điều tra khảo sát tiềm năng phát triển cây dược liệu tại huyện Lục Yên và thu thập các thông tin về chính sách phát triển cây dược liệu, vùng trồng cây thuốc nam có tiềm năng và tìm hiểu thị trường tiêu thụ thuốc nam, lựa chọn được thông tin phù hợp về vùng trồng cây thuốc làm cơ sở dữ liệu để phát triển, quảng bá sản phẩm thuốc nam bản địa, xây dựng chuỗi giá trị cây thuốc nam tại địa phương và khảo sát đánh giá các dịch vụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe bằng YHCT có giá trị tại địa phương nhằm hỗ trợ tạo ra các chuỗi liên kết y tế - du lịch.
Hội duy trì tốt 6 nhóm sở thích trồng cây thuốc nam tại 4 xã: Bảo Ái, Cảm Ân (huyện Yên Bình), Đông Cuông, Mậu Đông (huyện Văn Yên), Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn), Xuân Long (huyện Yên Bình). Năm 2023, phát triển thêm mới 1 mô hình trồng cây dược liệu Cát sâm tại xã Xuân Long và 1 mô hình trồng Thiên niên kiện tại xã Ngọc Chấn (huyện Yên Bình) với diện tích 6ha, sản lượng thu hoạch đạt 23 tấn/ha/năm.
Ông Trần Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y Yên Bái.
- Trong quá trình thực hiện khám, chữa bệnh bằng YHCT, Hội Đông y tỉnh có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
Ông Trần Quốc Toàn: Theo xu thế khám chữa bệnh hiện nay, nhiều người bệnh có nhu cầu tìm đến các loại thuốc thảo dược cũng như các phương pháp điều trị không dùng thuốc của YHCT để điều trị nên tỷ lệ người bệnh dùng thuốc YHCT ngày càng tăng… Hiện tại, bên cạnh hệ thống khám chữa bệnh bằng YHCT của Bệnh viện YHCT tỉnh và khoa đông y của các bệnh viện tuyến huyện còn có 47 phòng chẩn trị lồng ghép tại cơ sở xã, phường hoạt động hiệu quả. Trong đó: 29 phòng chẩn trị tư nhân, 18 phòng chẩn trị của ông lang, bà mế lồng ghép tại trạm y tế. Trong năm 2023, số lượt khám chữa bệnh bằng YHCT tại các huyện, thị, thành phố đạt 236.760 lượt người.
Hội Đông y các cấp được sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng bộ, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, sự phối hợp hoạt động của ngành y tế và các tổ chức đoàn thể. Lãnh đạo các huyện, thị, thành hội, các chi hội trực thuộc Tỉnh hội là các đồng chí lãnh đạo của các đơn vị y tế nên cũng rất thuận lợi trong công tác lãnh chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ. Cán bộ làm công tác Hội được duy trì, cập nhật kiến thức và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên nên hoạt động của hội các cấp trong tỉnh đã đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Hội Đông y tỉnh vẫn còn một số bất cập, hạn chế, vướng mắc cần quan tâm trong hoạt động chuyên môn khám chữa bệnh bằng YHCT như: mạng lưới hội viên đông y tại các cơ sở khám chữa bệnh YHCT hoạt động chưa đồng đều; nhân lực tuyến cơ sở còn thiếu; kinh phí đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, phát triển, chữa bệnh bằng YHCT chưa nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh YHCT kết hợp với y học hiện đại.
Một số lương y, lương dược tuổi cao nhưng chưa có lớp kế cận nên có nguy cơ thất truyền một số bài thuốc hay, kinh nghiệm quý trong nhân dân; công tác phát triển vùng dược liệu chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; việc tổ chức sản xuất, thu hái, chế biến sản phẩm dược liệu còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao; liên kết trong sản xuất cây dược liệu chưa chặt chẽ, chưa có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện phát triển vùng sản xuất dược liệu...
- Việc thực hiện và duy trì hiệu quả công tác bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu, sản xuất, bào chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thuốc đông dược đã và đang được Hội Đông y tỉnh triển khai thế nào, thưa ông?
Ông Trần Quốc Toàn: Thực hiện Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 8/12/2017 của UBND tỉnh về phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, trong những năm qua, Hội Đông y đã tuyên truyền và phát huy mọi nguồn lực, khuyến khích, tạo điều kiện, hướng dẫn cho người dân trồng, phát triển và khai thác một số cây thuốc nam bản địa góp phần bảo tồn nguồn dược liệu quý.
Hội sẽ phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tiếp tục vận động nhân dân, các hội viên, cơ quan, trường học trồng thuốc nam và bảo tồn tái sinh nguồn thuốc nam bản địa, xây dựng các chuỗi giá trị cây dược liệu tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; hướng dẫn thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất để tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khảo sát diện tích đất trồng thử nghiệm một số loại dược liệu như: gừng, tam thất, sâm Ngọc Linh, lan Kim Tuyến, khôi nhung, cà gai leo…
Đồng thời, Hội cũng khảo sát đánh giá các dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền có giá trị trong tỉnh để xây dựng chuỗi liên kết y tế - du lịch nhằm tham gia cung cấp các dịch vụ phục vụ tốt khách du lịch trong nước và quốc tế; phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tri thức bản địa của y, dược cổ truyền, gắn phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe với du lịch tại Yên Bái.
Để nâng cao hiệu quả và phát huy được tiềm năng, thế mạnh về phát triển cây dược liệu, bảo tồn và phát huy các bài thuốc YHCT, Hội Đông y tỉnh cần được ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho khoa học - công nghệ, công tác tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm từ khâu trồng trọt, thu hái và chế biến sản phẩm, từng bước tạo đầu ra ổn định trên thị trường. Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng năng suất đối với những loài cây dược liệu giá trị kinh tế cao để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đối với diện tích đã có.
Xây dựng cơ chế chính sách lồng ghép nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc đào tạo, tập huấn cho người dân về sản xuất, thu hái, bảo quản và chế biến dược liệu an toàn đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật và các tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống, chăm sóc, thu hái và bảo quản, nâng cao chất lượng chế biến dược liệu theo các tiêu chuẩn đã được Bộ Y tế ban hành; xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất được liệu...
- Xin cảm ơn ông!
Bùi Minh (thực hiện)