Năm 2022, Ban Chỉ đạo CĐS của tỉnh đã ban hành 26 văn bản chỉ đạo. Đây là tiền đề, là cơ sở pháp lý tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các nhiệm vụ CĐS trên địa bàn. Sự quyết liệt, quyết tâm thực hiện CĐS được thể hiện khi lần đầu tiên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến triển khai nhiệm vụ CĐS tới 180 điểm cầu. Trong đó, 100% các xã, phường, thị trấn đều tham dự trực tuyến. Đây là hội nghị đầu tiên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện không phát tài liệu giấy, 100% các bài trình bày sử dụng slide.
Qua đó, khái niệm và tinh thần CĐS đã quán triệt đến 100% các ban, sở, ngành của tỉnh, 9/9 huyện, thành phố, 173/173 xã, phường thị trấn. Cùng đó, UBND tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính -Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký kết chương trình hợp tác về chiến lược triển khai CĐS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025, hướng đến năm 2030.
Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được mở rộng, hiện đã được triển khai đến 123 điểm cầu. Trong đó, cấp tỉnh 6 điểm cầu, huyện 9 điểm cầu, xã 108 điểm cầu và đang xem xét mở rộng hệ thống đến 4/7 cơ quan khối Đảng; 16/21 ban, sở, ngành, các cơ quan tham mưu thuộc UBND tỉnh và 65/173 xã, phường, thị trấn.
Năm 2022 cũng là năm đầu tiên tỉnh tổ chức nhiều nhất các lớp đào tạo, tập huấn về CĐS. Theo đó, đã hoàn thành tổ chức 15 lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng kiến thức về CĐS, an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, chính quyền cấp huyện, tỉnh với 1.624 học viên; tổ chức thành công 3 lớp bồi dưỡng nhận thức, quản lý, điều hành trong hoạt động CĐS dành cho lãnh đạo các ban, sở, ngành và tương đương, với 240 cán bộ tham gia; tập huấn về CĐS cho 305 lãnh đạo UBND cấp xã, công chức quy hoạch lãnh đạo UBND cấp xã trong 4 ngày theo hình thức trực tiếp.
Đặc biệt, Yên Bái là tỉnh đầu tiên phối hợp với Tập đoàn Viettel tổ chức lớp đào tạo, tập huấn về CĐS cho 56 đồng chí lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo về CĐS của tỉnh; phối hợp tổ chức thành công Hội nghị triển khai kế hoạch của tỉnh đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
CĐS hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho các hộ sản xuất nông nghiệp kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT với tổng số 155.255 hộ bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến (Yên Bái đứng thứ 9/63 tỉnh thành); xây dựng và vận hành hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, thông tin về 138 sản phẩm OCOP; hỗ trợ trên 100 doanh nghiệp hoàn thiện hạ tầng TMĐT trên Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Yên Bái; đưa 4.870 sản phẩm lên sàn TMĐT; 3.609 sản phẩm lên sàn postmart.vn; 1.261 sản phẩm lên sàn voso.vn. Yên Bái đứng thứ 6/63 tỉnh thành về số sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT.
Toàn tỉnh đã hoàn thành 7 mô hình CĐS. Mỗi địa phương đã lựa chọn tối thiểu 30% số xã, phường, thị trấn thực hiện CĐS trong năm 2022. Đến nay, 100% các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng xong kế hoạch triển khai tại địa phương. Toàn tỉnh có 72/173 xã (phường) đăng ký thực hiện các mục tiêu CĐS chiếm tỷ lệ 41,6%; trong đó, 69/72 xã, phường, thị trấn CĐS, 03/72 xã, phường, thị trấn CĐS nâng cao.
Đi đầu trong thực hiện CĐS cấp xã, phường, thị trấn, tiêu biểu như thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên. Cùng đó, CĐS trường học, triển khai tổ CĐS cộng đồng, CĐS cấp huyện, CĐS cơ quan nhà nước, triển khai thí điểm "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”… đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và động lực, tất cả các kế hoạch, chương trình, mô hình CĐS của Yên Bái trong năm 2022 đều đặt mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Vì vậy, CĐS thời gian qua đã giúp chuyển đổi nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó, từng bước thay đổi nhận thức, thói quen về ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào đời sống xã hội.
Thành Trung