Nhiều địa phương đi đầu trong sử dụng AI
Theo các chuyên gia, khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc, các địa phương đều nắm bắt xu hướng phát triển của thế giới và đề ra chủ trương, ban hành cơ chế, chính sách cho nghiên cứu, ứng dụng AI vào sản xuất và đời sống.
Việc ứng dụng AI, phân tích dữ liệu trong các lĩnh vực, trong đó có hành chính công, dịch vụ công trực tuyến giúp giảm nhân lực bộ máy và giảm thời gian xử lý công việc, chờ đợi và chi phí của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý hành chính nhà nước trong phân phối, sử dụng nguồn lực xã hội, quản lý xã hội và quản lý đô thị góp phần phát triển kinh tế của tỉnh tăng trưởng bền vững.
Nắm bắt được xu hướng này, nhiều địa phương triển khai ứng dụng AI trong quản lý hành chính công của địa phương mình.
Theo báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (ICT Index) năm 2022, thành phố Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu với 0,9094/1 điểm; theo sau là các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế và Bắc Giang.
Như vậy, đây là lần thứ 13 liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về ICT Index. Trước đó, Đà Nẵng dẫn đầu liên tiếp 12 năm (2009-2020). Riêng chỉ số ICT Index năm 2021 không thực hiện khảo sát và xếp hạng.
Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên của Việt Nam áp dụng trí tuệ nhân tạo AI vào hành chính công và Đà Nẵng đã sớm hái được "quả ngọt".
Ngay từ cuối năm 2018, ứng dụng chatbot trong cung cấp dịch vụ công tại thành phố này đã được thí điểm. Dự án được ra đời với mục tiêu giải đáp các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp về thông tin dịch vụ công tại Đà Nẵng; qua đó giảm bớt sự hỗ trợ trực tiếp từ con người, giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả vận hành đồng thời giúp cho thông tin trở nên minh bạch và dễ tiếp cận hơn đối với tổ chức, người dân.
Cách làm quyết liệt, có hệ thống trên đã giúp Đà Nẵng luôn dẫn đầu bảng xếp hạng đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước.
Tương tự Đà Nẵng, tại Quảng Ninh, mô hình thành phố thông minh cũng được triển khai khá sớm.
Từ năm 2016, đề án được bắt đầu. Tới nửa cuối năm 2019, địa phương này chính thức đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thành phố thông minh.
Trung tâm cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích để người điều hành ra những quyết định kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, tình huống khẩn cấp đồng thời tăng tính tương tác khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường… bằng vài thao tác bấm nút cực kỳ đơn giản trên thiết bị di động.
Tính ưu việt của trung tâm còn nằm ở chỗ theo dõi được tất cả các vấn đề thông qua hệ thống camera và cảm biến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)…
Khi có sự cố hay cảnh báo, cơ quan quản lý có thể dễ dàng quan sát từng camera được kết nối trên bản đồ số. Các thông tin sẽ được tập hợp, phân tích vào các hoạt động quản lý từ một đầu mối điều hành duy nhất. Vì thế, có thể dự báo về các vấn đề xảy ra, phản ứng trước các tình huống.
Tại TP.HCM, nổi bật là ứng dụng công nghệ thông tin vào cung ứng dịch vụ công trực tuyến bằng dịch vụ "Định danh khách hàng điện tử” để giải quyết thủ tục hành chính không giấy. Dịch vụ này được xây dựng dựa trên công nghệ AI với giải pháp công nghệ "định danh, tìm kiếm bằng khuôn mặt” và công nghệ chống giả mạo.
Với dịch vụ này, khi đến UBND quận 1 để làm thủ tục, người dân không cần viết lại thông tin cá nhân, chỉ cần chụp ảnh giấy tờ tùy thân gửi vào hệ thống, theo đó, hệ thống sẽ tự động quét (scan) dữ liệu, điền vào mẫu. Đến nay, quận 1 đã tổ chức tiếp nhận đăng ký giải quyết thủ tục hành chính "không giấy” trên các lĩnh vực như kinh tế, lao động, tư pháp, giáo dục và nội vụ.
Ứng dụng AI vào hành chính công giúp TP.HCM rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ của cơ quan nhà nước, rút ngắn thời gian chờ đợi của cá nhân, doanh nghiệp. Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho công dân, giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ; tăng tính công khai, minh bạch, tránh được sự phiền hà, sách nhiễu trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
Cần làm gì để ứng dụng AI thêm hiệu quả?
Theo nhiều chuyên gia, những khó khăn trong việc ứng dụng AI và phân tích dữ liệu tại địa phương như: vấn đề phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; tiến độ đầu tư, triển khai các dự án về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn chưa cao, tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cần đươc cải thiện.
Ngoài ra, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh mạng còn nhiều thách thức, việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp cần chủ động hơn.
TS Lê Kim Hùng (Trường đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, để thực hiện hiệu quả, thành công về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, AI, phân tích dữ liệu, bên cạnh việc phát triển hạ tầng phù hợp cần xây dựng lộ trình, cách thức triển khai phù hợp.
Trong đó, địa phương cần xây dựng một kế hoạch chi tiết về thay đổi quy trình làm việc, cách thức nâng cao năng lực công nghệ thông tin của người dân và cán bộ công chức để phù hợp với xu thế chuyển đổi số. Ngoài ra còn cần lưu ý tới những rủi ro về bảo mật, an toàn thông tin, độ tin cậy của hệ thống vận hành…
Song song đó, địa phương cũng cần lưu ý đến tầm quan trọng của việc đo lường hiệu quả, đánh giá về quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hành chính công từ phía người dân, doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều yếu tố cấn xem xét từ việc giảm chi phí, tăng năng suất đến cải thiện trải nghiệm và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp…
Tỉnh cần xác định chiến lược rõ ràng và lộ trình triển khai ứng dụng AI, phân tích dữ liệu cụ thể, phù hợp với địa phương. Sự hợp tác, đổi mới và sáng tạo là những yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số và triển khai các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hành chính công tại địa phương.
Trước đó, tại Hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công tổ chức tại TP.HCM, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, để AI đi vào cuộc sống, giúp chính quyền, người dân thuận lợi hơn trong các thủ tục hành chính, cần đáp ứng được mục tiêu tăng năng suất quản lý nhà nước, giảm bớt chi phí, tăng chất lượng phục vụ...
"AI phải khiến người quản lý coi là công cụ hữu ích giúp giảm áp lực công việc, người dân hài lòng và thuận lợi hơn khi làm thủ tục. Nếu không đạt được những mục tiêu này thì cán bộ và người dân sẽ không thiết tha khi ứng dụng công nghệ", ông Nhân nói.
(Theo VTC)