HTX Trà shan tuyết Phình Hồ được thành lập từ đầu năm 2023 với 15 thành viên, các ngành nghề chính là sản xuất, kinh doanh và phát triển thương hiệu chè shan tuyết cổ thụ, HTX đã và đang áp dụng các mô hình CĐS cho sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiktok shop, Tiktok, facebook…
Anh Đỗ Tuấn Lương - Giám đốc HTX Trà shan tuyết Phình Hồ cho biết: "Thành quả khi áp dụng các mô hình CĐS vào sản xuất, kinh doanh, giữ giá và bao tiêu toàn bộ nguyên liệu cho các hộ thành viên, sản lượng chè thành phẩm năm 2023 đạt 3 tấn, thương hiệu cán mốc 15 triệu lượt xem trên các nền tảng Tiktok và Facebook”.
Kế hoạch trong năm 2024 của HTX Trà shan tuyết Phình Hồ sẽ sản xuất 15 tấn thành phẩm và thu mua giá chè đầu vào tăng 5% so với năm 2023. 5 năm tới, HTX sẽ phát triển mở rộng thị trường trong nước, tạo ra các sản phẩm tin dùng, định hướng xuất khẩu tới các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật.
Thời gian qua, HTX "Chè Suối Giàng - Yên Bái” đã thay đổi tư duy, cách thức sản xuất, giúp người Mông xã Suối Giàng thoát khỏi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc, hiệu quả thấp, chuyển sang hình thức sản xuất hợp tác, cùng nhau phân công lao động, sản xuất thương mại với quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị.
Tháng 11/2012, nhãn hiệu "Chè Suối Giàng - Yên Bái” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận. Đến nay, HTX đã có 4 dòng sản phẩm "Tuyết Sơn Trà” đó là: hồng trà, hoàng trà, diệp trà và bạch trà được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, chất lượng, thiết kế bao bì, nhãn mác ... theo tiêu chuẩn châu Âu, xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Để cây chè shan tuyết trở thành thương hiệu tỉnh đã hỗ trợ HTX Suối Giàng CĐS với 5 nội dung, trong đó có triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chè shan tuyết đến tận gốc cây chè cổ thụ. Bước đầu đã thí điểm gắn nhãn truy xuất nguồn gốc cho 100 cây chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng và triển khai bộ tem dán trên sản phẩm chè khô đóng gói.
"Việc triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc thông minh, gắn mã QR trên từng sản phẩm, đã đáp ứng yêu cầu minh bạch thông tin về sản phẩm khi đưa ra thị trường trong nước và đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Cùng với đó, CĐS cũng giúp du khách đến với vùng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng có thêm trải nghiệm thú vị khi qua việc quét mã QR để xem được các thông tin, về cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của bà con trong bảo tồn, giữ gìn cây chè quý. Doanh thu bình quân hàng năm của HTX đạt 2,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 350 triệu đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 5,7- 6 triệu đồng/người/tháng” - Bà Lâm Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX Suối Giàng cho hay.
Qua thí điểm triển khai CĐS trên cây chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đã cho thấy hiệu quả rõ nét, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, sản phẩm chè shan tuyết Suối Giàng, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp tại xã Suối Giàng, góp phần phát triển du lịch, bảo tồn các cây chè cổ thụ quý hiếm.
Hiện, toàn tỉnh có 727 HTX với gần 32 ngìn thành viên, gần 5.400 THT, với trên 27 ngàn thành viên. Các HTX, THT cơ bản có trang thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, sử dụng thiết bị công nghệ thông tin để cải tiến, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và sản xuất, kinh doanh. Một số mô hình tiên phong, ứng dụng công nghệ vào quản lý, sản xuất, để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh như: HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm, huyện Văn Yên; HTX Suối Giàng; HTX tổng hợp Kiến Thuận; HTX Trà shan tuyết Phình Hồ, huyện Văn Chấn; HTX nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải...
Tuy nhiên, hiện còn nhiều HTX, đặc biệt là HTX thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thực sự thấy được lợi ích lớn của công nghệ thông tin, chưa làm quen được với hình thức quản lý, điều hành và kinh doanh trong môi trường thương mại điện tử. Hạ tầng kỹ thuật cho phát triển công nghệ thông tin nhiều nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu để ứng dụng công nghệ. Hệ sinh thái CĐS chưa đồng bộ, thống nhất và chưa phù hợp với điều kiện đặc thù vùng miền, năng lực của các HTX, THT…
Theo ông Đỗ Nhân Đạo - Giám đốc Liên minh HTX tỉnh, thời gian tới, cùng với đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, CĐS trong các HTX, THT, Liên minh HTX cũng tiếp tục phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng, đối mới công nghệ và CĐS cho các HTX; tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy liên kết hợp tác, huy động nguồn lực xã hội thông qua doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, chuyển giao công nghệ và CĐS.
Liên minh HTX cũng tuyên truyền các HTX, THT xây dựng thương hiệu cần gắn với sản phẩm, sát với thực tiễn các địa phương, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ cho HTX, thông qua việc xây dựng hệ thống tiện ích, giám sát, tăng hiệu năng quản trị nội bộ bằng công nghệ số cho các HTX, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Minh Huyền