Trên địa bàn xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái có tuyến đường Yên Bái - Khe Sang chạy qua với chiều dài trên 3 km. Trên tuyến đường này có một số đoạn cua gấp nguy hiểm cũng như có ngã ba giao nhau giữa tỉnh lộ 163 với đê Tuy Lộc và thôn Minh Long. Người dân gọi đây là "điểm đen” về giao thông do khuất tầm nhìn. Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) tại địa phương, người dân xã Tuy Lộc đã gửi kiến nghị lên ứng dụng công dân số YenBai-S phản ánh về tình trạng mất ATGT tại khu vực này.
Nhận được kiến nghị, phản ánh của người dân, lực lượng chức năng, cụ thể là Sở Gio thông vận tải tỉnh đã nhanh chóng bố trí lắp đặt gương cầu và các biển báo, cảnh báo ATGT tại các các ngã ba và điểm cua gấp mà người dân có ý kiến. Qua đó, đã giúp người và phương tiện lưu thông trên tuyến đảm bảo an toàn, giảm thiểu được các tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Bà Bùi thị Đào, thôn Minh Long, xã Tuy Lộc phấn khởi: "Từ ngày có YenBai-S, chúng tôi thấy rõ nét hơn trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với người dân vì khi chúng tôi có ý kiến phản ánh lên ứng dụng là sẽ có ngay câu trả lời của ngành liên quan. Cũng rất thuận lợi là khi có ý kiến, vướng mắc gì là bà con có thể gửi phản ánh trực tiếp luôn lên ứng dụng mà không cần phải lên tận trụ sở xã, huyện, tỉnh”.
Anh Nguyễn Duy Thuyết ở thôn Hồng Bàng, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình có mẹ già 91 tuổi bị tai biến phải nằm sinh hoạt tại chỗ gần một năm nay. Qua tìm hiểu về chính sách của Đảng và Nhà nước, anh được biết những người tàn tật đều được hỗ trợ và đã gửi kiến nghị lên ứng dụng công dân số YenBai-S. Ngay khi tiếp nhận phản ánh của anh, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Yên Bình chỉ đạo UBND xã Đại Đồng kịp thời xử lý phản ánh và đã xem xét, giải quyết chế độ bảo trợ xã hội cho mẹ anh một cách nhanh chóng.
Qua gần 1 năm triển khai thực hiện, ứng dụng công dân số YenBai-S đã được người dân trong tỉnh đón nhận và sử dụng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 300.000 tài khoản được người dân đăng ký (bằng 35% dân số của tỉnh); số lượt truy cập đạt gần 36 triệu lượt; số người dân gửi câu phản ánh góp ý là hơn 2.000 lượt. Cùng với đó, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh cũng đã xây dựng fanpage YenBai-S, sau 3 tháng hoạt động fanpage đã thu hút 1.119 người theo dõi, 9.900 lượt tương tác, 787 người thích trang. Đặc biệt trong tháng 12/2023 đã tiếp cận được 18.900 người xem các bài đăng trên fanpage.
Lĩnh vực được người dân quan tâm, phản ánh nhiều nhất trên ứng dụng Công dân số YenBai-S là: vấn đề cơ sở hạ tầng, chế độ chính sách, thủ tục hành chính, đất đai, an toàn giao thông, môi trường. Nội dung phản ánh, góp ý là những vấn đề rất cụ thể, thiết thực trong đời sống xã hội như: đề nghị giải quyết những bất cập thi công đường; về thi công công trình kéo dài; về thi công cống, chở đất gây bụi; về cầu xuống cấp; về chậm làm đường liên thôn; kiến nghị chủ đầu tư giao mặt bằng hoàn thiện điện nước cho người dân; về dựng nhà lấn chiếm hành lang; về xây dựng công trình trái phép; về bồi thường chưa thỏa đáng; về văn hóa giao tiếp công vụ; về kiểm tra chất lượng đồ ăn vặt nhãn mác Trung Quốc bán tại cổng trường học…
Khi nhận được ý kiến phản ánh, kiến nghị của công dân, các cơ quan, đơn vị nhận thức được trách nhiệm và đã tích cực xử lý, đảm bảo sự hài lòng của nhân dân. Đến hết năm 2023, kết quả xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh đạt 85,64%; số đang xử lý là 7,56%, số quá hạn chưa xử lý 6,8%.
Những đơn vị, địa phương thực hiện tốt quy định của UBND tỉnh, có nhiều câu trả lời được người dân đánh giá cao trong tháng 12 là các địa phương, ngành như huyện Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Yên Bình, Mù Cang Chải, Sở Giao thông vận tải, Công ty Điện lực Yên Bái… Thông qua ý kiến phản hồi cảm ơn, cuộc gọi tổng đài và bình luận trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, có thể thấy, người dân đánh giá rất cao hình thức tiếp nhận phản ánh, góp ý trên ứng dụng công dân số YenBai-S của tỉnh Yên Bái.
Đồng chí Nguyễn Đoạt - Giám đốc Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Yên Bái cho biết: "Với trách nhiệm được UBND tỉnh giao cho quản lý, vận hành ứng dụng công dân số YenBai-S, để kịp thời xử lý và phát huy hiệu quả việc xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân trên hệ thống, chúng tôi đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp với Trung tâm Điều hành thông minh, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ đầu mối tiếp nhận phản ánh thường xuyên kiểm tra tài khoản đã được cấp, khẩn trương xử lý và trả lời các ý kiến phản ánh, góp ý trên hệ thống đúng thời hạn quy định và nâng cao chất lượng nội dung các câu trả lời; đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nâng cao chất lượng trả lời phản ánh của người dân.
Cùng với đó, để nâng cao chất lượng xử lý phản ánh, góp ý của người dân trên ứng dụng công dân số YenBai-S với tỷ lệ đánh giá mức độ hài lòng đạt 65% trong năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống phần mềm để làm sao người dân dễ dàng đăng nhập và sử dụng ứng dụng thuận tiện. Đồng thời tích hợp với các ứng dụng khác trong các lĩnh vực của đời sống xã hội để ứng dụng mang lại hiệu quả cao nhất, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Được biết, số người dân hài lòng khi sử dụng ứng dụng YenBai-S đến hiện tại đạt khoảng 60%.
Thanh Chi