Thương mại điện tử đưa nhanh hàng Việt đến người tiêu dùng

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/7/2024 | 1:47:53 PM

YênBái - Công nghệ 4.0 đang dần thay đổi hình thức bán hàng truyền thống. Những sản phẩm hàng hóa của người Việt trước đây phải mất một thời gian khá lâu mới đến tay người tiêu dùng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì nay khoảng cách đã được rút ngắn và đơn giản hơn rất nhiều bằng hình thức thương mại điện tử (TMĐT).

Nhân viên Phòng Giao dịch BIDV Văn Yên hướng dẫn hộ kinh doanh tại thị trấn Mậu A tạo mã QR để mua bán hàng hóa trực tuyến.
Nhân viên Phòng Giao dịch BIDV Văn Yên hướng dẫn hộ kinh doanh tại thị trấn Mậu A tạo mã QR để mua bán hàng hóa trực tuyến.

Chị Sầm Thị Tâm là chủ cơ sở homestay Bản Mường, thôn Ả Hạ, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ, kinh doanh homestay kết hợp với chế biến, buôn bán sản phẩm đặc sản của thị xã Nghĩa Lộ như gạo Séng cù, thịt trâu sấy, thịt lợn sấy, cốm, măng ớt… 

Trước đây, để bán được các sản phẩm, chị Tâm phải gửi ra chợ bày bán hoặc các hội chợ, chợ phiên hoặc giới thiệu sản phẩm cho các đoàn khách đến thăm quan, lưu trú tại homestay thưởng thức, đánh giá để nhờ họ giới thiệu đến bạn bè. Bây giờ đã khác, từ khi được hỗ trợ lập tài khoản TMĐT, các sản phẩm của chị Tâm đã được chào bán trên các trang như: buudien.vn, voso.vn, TikTok… và chỉ cần vài thao tác giới thiệu sản phẩm, tương tác với khách đặt hàng là chị có thể đóng gói và gửi đi. Chị Tâm cho biết: "Ngày trước, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải mất khá nhiều thời gian và dịp cuối năm người dân mua sắm nhiều thì hàng mới bán được. Còn bây giờ, tôi có thể bán quanh năm, chỉ cần khách hàng có nhu cầu là tôi có sản phẩm gửi tận nơi”. 

Hợp tác xã (HTX) Thái Sơn, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên chuyển sang hình thức TMĐT được hơn 2 năm nay. Hiện, 5 sản phẩm: lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn, dầu lạc đỏ Thái Sơn, dầu lạc trắng, dầu vừng và dầu đỗ tương được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao đã có mặt trên thị trường và các cửa hàng, siêu thị trong, ngoài tỉnh. Để sản phẩm đến gần hơn với từng bếp ăn gia đình Việt, HTX tăng cường quảng bá sản phẩm qua Zalo, Facebook… 

Ông Đàm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thái Sơn cho biết: "Việc bán hàng trên nền tảng TMĐT đã mang lại những lợi ích tích cực như thị trường mở rộng, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn và quan trọng hơn cả là sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, người dân ở khắp mọi nơi đều có thể mua sắm, tiếp cận sản phẩm”. 

Chị Nguyễn Thị Hải Yến ở thôn 5, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên. Xã chị có chợ nhưng mỗi tuần chỉ họp 1 phiên và hầu hết là hàng nông sản và một ít hàng hóa đơn giản nên muốn mua sắm các hàng hóa khác, chị phải ra chợ huyện tận thị trấn Cổ Phúc hoặc về thành phố Yên Bái. Nhưng giờ đây, trên các trang TMĐT, chị Yến có thể thoải mái mua sắm, lựa chọn sản phẩm; thậm chí, có thể tương tác trực tiếp với chủ thể bán hàng. Chị Yến cho biết: "Tất cả các hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đều có thể tìm được trên các trang TMĐT. Chỉ cần ngồi ở nhà và thao tác trên điện thoại thông minh, tôi có thể lựa chọn được sản phẩm mong muốn một cách dễ dàng, thuận tiện”. 

Nhằm đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp, giúp các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) đăng tải nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn VietGAP lên sàn giao dịch TMĐT như: voso.vn, buudien.vn 

Bên cạnh đó, Sở đã hỗ trợ đăng tải thông tin 237 sản phẩm OCOP của tỉnh trên sàn TMĐT tỉnh Yên Bái (sctyenbai.com), tạo mã QR mua bán trực tuyến cho 237 sản phẩm OCOP; phối hợp với Viettel Yên Bái thực hiện triển khai mô hình chợ 4.0 tại các chợ trung tâm huyện, thị xã, thành phố; hỗ trợ trên 1.000 lượt doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và hơn 600 lượt sản phẩm OCOP chào bán trên sàn TMĐT. 

Phối hợp với Bưu điện tỉnh tạo được trên 30.000 tài khoản mua, bán cho các hộ nông dân trên sàn buudien.vn, giới thiệu được 3.550 sản phẩm với giá trị bán hàng tỷ đồng. Riêng trong quý 1/2024, Sở phối hợp với Bưu điện tỉnh tạo app cho trên 400 tài khoản trên  TMĐT buudien.vn với 145 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn, giao dịch phát sinh trên sàn là 1.860 giao dịch, tổng giá trị hàng hóa 190 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Hằng năm, đơn vị đều tổ chức hội nghị tập huấn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các nền tảng TMĐT nhằm tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn ứng dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ này vào hoạt động SXKD. Qua đó, giúp các chủ thể mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa đến đông đảo người tiêu dùng”. 

Để đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh (XSKD) xây dựng bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến, phần mềm quản lý bán hàng, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động TMĐT. Qua đó, giúp các đơn vị thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, cũng là kênh thông tin phản hồi ý kiến của người dân để các đơn vị biết được nhu cầu mua sắm hàng hóa cũng như chất lượng sản phẩm, hàng hóa của đơn vị mình để điều chỉnh phương án SXKD phù hợp, hiệu quả hơn.  

Thanh Tân

Tags thương mại điện hàng Việt

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị tập huấn.

Ngày 11/7, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền về chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Chiều 10/7, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Yên Bái đã chủ trì điểm cầu họp trực tuyến Phiên họp thứ 9 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ sơ kết 6 tháng đầu năm về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước ứng dụng CĐS vào số hóa quy trình quản trị, vận hành doanh nghiệp; đầu tư máy móc, dây chuyền tự động hóa vào sản xuất...

Để đồng hành cùng doanh nghiệp, chính quyền tỉnh Yên Bái đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ để các doanh nghiệp tiếp cận ứng dụng các giải pháp công nghệ số. Qua đó, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

"Chợ 4.0” là mô hình đã làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, góp phần xây dựng công dân số để Văn Yên trở thành huyện chuyển đổi số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục