Dự Hội nghị có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Kinh tế số trong GRDP đạt trên 14%
Thực hiện Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 14/11/2023 của UBND tỉnh về Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn năm 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được một số kết quả nhất định.
UBND tỉnh đã ban hành đầy đủ các kế hoạch và văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số; thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế số, bao gồm truyền thông, nâng cao nhận thức, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo và xây dựng mô hình.
Về thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế số, tỉnh Yên Bái đạt được một số kết quả khả quan. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP năm 2023 đạt 12,2%, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 14,06%. Tương tự, các tỉ lệ này với tỷ trọng kinh tế số bình quân lần lượt là 5,73% và 8,6%; với thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ là 9,3% và 12,7%, với doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử là 50% và 55%; với doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số là 50% và 58%; với nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động là 1,6% và 1,8%.
Đến hết năm 2023, tỷ lệ thôn/bản được phủ sóng băng rộng di động đạt trên 98%, tỷ lệ thôn/bản có Internet băng rộng cố định đạt 95%, hết 6 tháng đầu năm 2024 là 99,1% và 97%. Hết năm 2023, trên 65% người dân đã có tài khoản thanh toán điện tử, hết 6 tháng đầu năm 2024 là 71%. Hết năm 2023, kinh tế số trong nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng khoảng 7,5 %; kinh tế số trong ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 5,2%; kinh tế số trong ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 4,49%.
Đến hết 6 tháng đầu năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khoảng 8,3 %; kinh tế số trong ngành công nghiệp - xây dựng đạt 8,2%; kinh tế số trong ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 9,4%; thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2024 có tốc độ tăng trưởng cao khoảng 37%.Năm 2023 kinh tế số ICT là chủ yếu chiếm 55,75% tổng giá trị kinh tế số trên địa bàn, 6 tháng đầu năm 2024 kinh tế số ICT tiếp tục tăng trưởng cao, dự kiến trên 10%.
Tỉnh đang xây dựng 1 mô hình điểm về xã phát triển kinh tế số, xã hội số tại xã Suối Giàng huyện Văn Chấn; bước đầu xây dựng 1 mô hình hợp tác xã chuyển đổi số; xây dựng 1 mô hình hộ kinh doanh du lịch chuyển đổi số; triển khai thí điểm giải pháp truy xuất nguồn gốc thông minh cho sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng, bưởi Đại Minh; triển khai mô hình chợ 4.0 tại 15 chợ trên địa bàn tỉnh; thí điểm thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực du lịch ở thị xã Nghĩa Lộ và huyện Yên Bình...
Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20,05% GRDP
Để đạt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20,05% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong ngành, lĩnh vực đạt bình quân 15%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 15%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 85%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 65%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và phát triển hạ tầng số. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng thu hút đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực kinh tế số, đặc biệt trong doanh nghiệp...
Tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ Kinh tế số và Xã hội số đã phát biểu định hướng, chia sẻ những kinh nghiệm về kinh tế số; lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đã phát biểu tham luận về thực trạng thương mại điện tử, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực: công nghiệp, tương mại, nông, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch...
Thanh Tân