Việt Nam phấn đấu trở thành điểm sáng ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/9/2022 | 2:37:16 PM

Việt Nam từng bước phấn đấu trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Ban tổ chức)
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Ban tổ chức)

Phát biểu tại ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2022) sáng 23/9 với chủ đề "AI phục hồi kinh tế, định hình tương lai”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao sau 4 năm tổ chức, AI4VN đã trở thành một sự kiện khoa học tin cậy, thu hút quan tâm của đông đảo các cơ quan quản lý, các tập đoàn công nghệ, các đơn vị nghiên cứu cùng chung tay thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Tăng 14 bậc về chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, trí tuệ nhân tạo đã có sự phát triển vượt bậc và trở thành một trong những công nghệ then chốt góp phần thay đổi và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia. Ngày 26/1/2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược đưa ra mục tiêu "đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, sau hơn một năm triển khai Chiến lược trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đã đạt một số kết quả đáng khích lệ. Báo cáo "Chỉ số sẵn sàng về Trí tuệ nhân tạo của chính phủ" do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, ghi nhận năm 2021 Việt Nam đứng ở vị trí thứ 62/160 quốc gia được đánh giá xếp hạng trên thế giới, tăng 14 bậc so với năm 2020.

Trong bối cảnh đó AI4VN 2022 được tổ chức với chủ đề "AI phục hồi kinh tế, định hình tương lai” nhằm mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm góp phần giải quyết những vấn đề thách thức trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể ứng dụng công nghệ mới giúp tối ưu hoá năng lực cạnh tranh.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu đi tham quan các sản phẩm tại triển lãm (Ảnh: Ban tổ chức)

"Tại đây, những chủ đề liên quan tới việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực của cuộc sống sẽ được đưa ra thảo luận, nhằm gợi ý, đề xuất từ thực tế hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp của các tổ chức nghiên cứu, từ đó, các cơ quan quản lý sẽ có những định hướng và giải pháp để góp phần thúc đẩy việc hình thành và phát triển nhanh chóng một hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo bền vững tại Việt Nam”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ.

"Đây là cơ hội trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, đưa ra những sáng kiến, kiến nghị để cùng nhau xây dựng và phát triển cộng đồng trí tuệ nhân tạo Việt Nam và hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hướng đến việc góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

AI giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trong thời gian qua, công nghệ trí tuệ nhân tạo đã ngày càng trở nên thiết yếu trong mọi mặt đời sống tại Việt Nam, được ứng dụng mạnh mẽ, tích cực, nhất là trong các lĩnh vực như đô thị thông minh, y tế - bảo hiểm, nông nghiệp thông minh, công nghệ môi trường...


Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Ban tổ chức)

Đặc biệt trong giai đoạn chống dịch COVID-19 (2020-2021), nhiều ứng dụng AI được phát triển để hỗ trợ tương tác với người dân, chẩn đoán mắc bệnh, khoanh vùng chống dịch. Một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã xây dựng và phát triển các Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, thu hút nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này đến làm việc. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong các sản phẩm, dịch vụ mới, hứa hẹn sẽ là những lực lượng doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

"Từ góc độ về phát triển kinh tế, đây là những nền tảng quan trọng trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tương lai, góp phần giải quyết những vấn đề trong phát triển kinh tế xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Trong những năm qua, Chính phủ cũng đã có các chủ trương cụ thể trong việc thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ AI, như Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 và gần đây là Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó định hướng công nghệ trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ lõi, góp phần làm nòng cốt thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, tạo ra những sản phẩm, thiết bị và các tiện ích thông minh ứng dụng trong sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, quản lý xã hội và đời sống.

"Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ KH&CN quan tâm, phối hợp và đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc triển khai các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục thúc đẩy các hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; và hoàn thành việc xây dựng và vận hành Cơ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; ủng hộ chủ trương và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quỹ đổi mới sáng tạo quốc gia cho Việt Nam trong thời gian tới”, bà Ngọc nêu ý kiến.

Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2022) diễn ra trong 2 ngày (22-23/9) tại Hà Nội, quy tụ hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý, công nghệ, đào tạo và doanh nghiệp... lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) trong nước và quốc tế. AI4VN 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress tổ chức, với sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Câu lạc bộ Các Khoa-Viện-Trường Công nghệ thông tin - Truyền thông (FISU).

(Theo VTC)

Các tin khác
Các nhà khoa học phát hiện bong bóng khí nóng quay quanh hố đen ở trung tâm Dải Ngân hà với vận tốc chóng mặt.

Kính thiên văn ALMA trên dãy núi Andes của Chile đã phát hiện một vài điều "thực sự khó hiểu" liên quan tới siêu hố đen Sagittarius A* ở trung tâm của Dải Ngân hà, cách Trái Đất 27.000 năm ánh sáng.

BS.CKII Nguyễn Thành Tâm và ê kíp phẫu thuật cho em L.

Ngày 22-9, Bệnh viện Quốc tế Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn cho biết, vừa phẫu thuật cho bệnh nhân biến dạng cẳng chân do bệnh lý tạo xương bất toàn chân phải (hay còn gọi là bệnh xương thủy tinh, bệnh giòn xương).

Thiết bị điện tử gắn trên lưng gián. Ảnh: Reuters

Trong trường hợp một trận động đất lớn xảy ra và có người mắc kẹt dưới lớp đất đá sụp đổ, một bầy gián lai robot ắt hẳn sẽ là lực lượng phản ứng hiệu quả trong việc xác định vị trí các nạn nhân.

Người đàn ông tháo khẩu trang để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Một nhóm nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển một loại khẩu trang điện tử sinh học, có thể phát hiện các bệnh đường hô hấp, gồm cả COVID-19 và cúm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục