Một trong những nhiệm vụ khoa học thành công phải kể đến là xây dựng một Bảo tàng thực tế ảo với kỹ thuật 3D hiện đại trên nền web
baotangyenbai.vn. Khi truy cập vào địa chỉ web này, người dùng không chỉ tự do khám phá bảo tàng như đến trực tiếp mà còn có thể tương tác với mô hình hiện vật ở nhiều góc độ khác nhau một cách nhanh chóng, thuận lợi, không bị hạn chế bởi không gian, thời gian, khoảng cách địa lý với bảo tàng ảo này.
Thông tin về các hiện vật cũng được hiển thị khá đầy đủ bao gồm: văn bản, hình ảnh, băng âm thanh, phim tư liệu, giúp chủ động và linh hoạt hơn trong công tác trưng bày nhất là trưng bày lưu động và trưng bày chuyên đề. Cũng bởi vậy mà bộ môn hoạt động trải nghiệm và lịch sử trong chương trình giáo dục sẽ thú vị, dễ hiểu, dễ nhớ hơn khi ứng dụng hệ thống này.
Em Cao Anh Thư - học sinh Lớp 5B, Trường Tiểu học và THCS Hợp Minh (thành phố Yên Bái) chia sẻ: "Lịch sử với những câu chuyện từ quá khứ là những thứ em rất thích. Bởi vậy, với bảo tàng ảo, em có thể thỏa thích xem và từ từ tìm hiểu về các hiện vật, phim tư liệu nhất là về tái hiện cuộc sống thời tiền sử của con người”.
Bảo tàng tỉnh cũng đã phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn xây dựng kế hoạch giảng dạy bộ môn hoạt động trải nghiệm và lịch sử trong chương trình "Lớp học không biên giới” trên nền tảng công nghệ bảo tàng ảo, thu hút trên 11.000 lượt học sinh các cấp tham gia. Với cách thức này, giờ học đã trở nên lôi cuốn, hấp dẫn, mới lạ với không chỉ học sinh mà cả giáo viên.
Hay cũng từ nhiệm vụ khoa học mà Chi cục Thủy lợi đã có một hệ thống phần mềm giám sát thời tiết, cảnh báo thiên tai của 4 huyện, thị khu vực phía Tây của tỉnh. Ông Trần Anh Văn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi chia sẻ: "Nhiệm vụ đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến như: hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để xây dựng trang thông tin và các phần mềm phục vụ công tác dự báo, cảnh báo về mưa lớn, lũ và sạt lở đất chi tiết đến từng vị trí trên bản đồ và thực địa, tự động gửi thông tin đến cơ quan chức năng, người dân trên địa bàn thông qua mạng Internet, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong công tác phòng chống thiên tai”.
Từ đây, các cấp chính quyền và người dân có thể cập nhật nhanh chóng thông tin thời tiết hàng ngày, hiển thị bản đồ, cảnh báo thiên tai, tra cứu, thống kê dự báo về lượng mưa, nhiệt độ, điểm sạt lở, lũ quét, kỹ năng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các báo cáo thiệt hại thiên tai… Ngoài ra, hệ thống cũng đã tích hợp với mạng xã hội Zalo chỉ bằng một cú quét mã QR là có thể nhận bản tin, thông tin thời tiết, thiên tai hàng ngày trên Zalo với giao diện rất dễ sử dụng.
Đây chỉ là 2 nhiệm vụ khoa học điển hình cho thấy sự đồng hành của khoa học nghệ với tiến trình chuyển đổi số. Ngoài ra, còn có: hệ thống Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh giúp các tổ chức sản xuất có công cụ để quản lý, công khai nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu, tra cứu thông tin; hệ thống quản lý môi trường trực tuyến giúp tra cứu các điểm quan trắc môi trường, quản lý tài chính, phí xả thải, phí bảo vệ môi trường... đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng của 3 nhóm đối tượng: quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân…
Có thể thấy, cùng với các mô hình chuyển đổi số đã được triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua, các hệ thống, phần mềm từ nghiên cứu khoa học công nghệ đã từng bước đưa chuyển đổi số hiện hữu rõ ràng, mang lại cho người dân những tiện ích không ngờ khi thao tác trên môi trường số, đúng với mục tiêu hướng tới phục vụ người dân tốt hơn.
Hoài Anh