Nhiều mối hiểm họa rình rập người sử dụng ADSL Việt Nam
- Cập nhật: Thứ ba, 5/6/2007 | 12:00:00 AM
Theo kết quả nghiên cứu tháng 5/2007 của Trung tâm An ninh mạng Bkis, người sử dụng ADSL của Việt Nam có thể gặp rất nhiều nguy cơ về an ninh mạng.
Trong số gần 10.000 thuê bao của 3 nhà cung cấp dịch vụ ADSL lớn nhất Việt Nam mà Bkis tiến hành khảo sát, kết quả cho thấy, hơn 14% số thuê bao (1.400) nằm trong tình trạng nguy hiểm, có thể dễ dàng bị kẻ xấu kiểm soát hệ thống.
Lổ hổng nằm ở chỗ các thuê bao này vẫn sử dụng tài khoản quản trị Modem theo mặc định của nhà sản xuất - thông số được công bố rộng rãi mà ai cũng có thể biết.
Một phần nguyên nhân không nhỏ đến từ chính các nhà cung cấp dịch vụ ADSL khi họ không khuyến cáo khách hàng đổi các thông số mặc định của Modem khi đưa vào sử dụng.
Nếu chiếm được quyền điều khiển Modem, hacker có thể thực hiện các hành vi phá hoại như: Tấn công các máy tính bên trong hệ thống mạng. Sau khi kiểm soát Modem, thiết lập lại cấu hình, hacker có thể quét ra được những thư mục chia sẻ trên máy tính của nạn nhân, lấy cắp dữ liệu, cài virus, chiếm quyền kiểm soát máy tính.
Một trong những tính năng của Modem là cung cấp địa chỉ máy chủ DNS (máy chủ quản lý tên miền) cho các máy tính trong mạng. Bằng cách thay đổi thông tin này, hacker sẽ có thể chuyển hướng truy cập Internet của nạn nhân đến các website giả mạo, nhằm lừa họ nhập các thông tin cá nhân quan trọng như mã thẻ tín dụng, tài khoản email…
Bkis đã khuyến cáo người sử dụng cần phải kiểm tra và thay đổi mật khẩu quản trị Modem, và nếu không sử dụng đến thì hãy tắt tính năng cho phép truy cập vào Modem từ bên ngoài Internet. Để thực hiện việc này, các bạn hãy đọc tài liệu hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, hoặc liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ ADSL để nhận được sự trợ giúp.
Để bảo vệ môi trường mạng nói chung và người sử dụng ADSL tại Việt Nam nói riêng, Bkis cũng khuyến cáo các nhà cung cấp dịch vụ ADSL lưu tâm tới vấn đề này. Đặc biệt nên hướng dẫn người sử dụng thay đổi các thông tin mặc định của nhà sản xuất Modem ngay sau khi lắp đặt và đưa hệ thống vào sử dụng.
Cũng theo Bkis, số lượng máy tính bị nhiễm virus trong tháng 5 là 3.370.000 máy tính. Số lượng virus mới xuất hiện trong tháng 254 virus. Số lượng virus xuất hiện trung bình trong 1 ngày 8,47 virus/ 1 ngày. Virus lây lan nhiều nhất trong tháng là Virus W32.CatchYMK.Worm: Lây nhiễm 122.600 máy tính.
Trong số 3.370.000 máy tính bị nhiễm mã độc hại, có tới 424.000 máy bị nhiễm spyware và adware. Đây là một con số không nhỏ bởi spyware, adware là loại mã độc hại không tự lây nhiễm từ máy này sang máy khác. Điều đó có nghĩa là đã có rất nhiều người sử dụng máy tính tại Việt Nam tự mình tìm đến các “ổ dịch”, thường là các website không rõ nguồn gốc.
Một điểm đáng chú ý khác là những virus nằm trong Top 10 virus lây nhiều nhất trong tháng đều là những virus cũ, có những loại đã được Bkav cập nhật từ tháng 8/2006. Nguyên nhân là người sử dụng có cài phần mềm diệt virus nhưng lại “quên” không cập nhật các mẫu virus mới thường xuyên.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
Khi nhận được thông tin cảnh báo về động đất, sóng thần từ Viện Vật lý địa cầu, Bộ Bưu chính - viễn thông phải chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại di động chuyển thông tin cảnh báo đến các thuê bao di động trong khu vực bị ảnh hưởng dưới hình thức tin nhắn.
Hãng bảo mật Bitdefender vừa công bố một loại sâu mới mang tên Worm.Sohanat.Z lây nhiễm qua trình tin nhắn đa phương tiện Yahoo Messenger bằng cách dẫn dụ người dùng nhấn vào các liên kết.
Từ ngày 31.5, tập đoàn Greely Group (Canada) sẽ chuyển giao công nghệ và hợp tác cùng công ty Delta Technical Services trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông, thi công lắp đặt cáp quang bằng phương pháp Floatation, khoan ngầm (horizontal Directional Drilling), đặt đường ống dẫn khí, cáp điện, đường ống dẫn nước.
Chiều 30/5, Bộ Bưu chính Viễn thông đã báo cáo Văn phòng chính phủ về nạn trộm cắp cáp quang biển và đề xuất sớm ban hành công điện gửi các ban, ngành, địa phương phối hợp bảo vệ an toàn tuyệt đối cho những tuyến còn lại, đặc biệt là SMW- 3.